Tác giả, nhà giáo Lưu Văn Quỳnh
Lời Ban biên tập: Nhà giáo Lưu Văn Quỳnh, người Cao Lao Hạ, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1972 đã về giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho đến lúc nghỉ hưu. Yêu quê, nhớ quê và anh đã dồn tình cảm của mình vào từng con chữ trong những bài thơ, bài ký với rất nhiều chủ đề đăng rải rác trên caolaoha.com. Anh là một trong những người đi đầu trong việc đề xuất, góp ý, và đóng góp kinh phí cho các chương trình vì quê hương do caolaoha.com phát động như chương trình nâng cấp Đình làng với các hạng mục như lát sân, xây bình phong, mở rộng cổng, khắc Hoành phi, Câu đối; và các chương trình ngăn chặn xây dựng nhà máy bột cá ở phà Giạnh và nhà máy bột gỗ ở đầu nguồn Vực Sanh quê mình.
Gặp anh ở nhà riêng, trao đổi với anh về phong trào sáng tác “Chuyện làng Cao Lao Hạ", anh ngồi im lặng, chẳng nói thêm gì. Thế mà, chiều hôm ấy, bất ngờ, gọi điện và báo tin: anh đã gửi bài tham gia phong trào. Anh là thế đấy, chẳng cần nói lẳng lặng mà làm
Xin trân trọng giới thiệu với bà con bài viết “Nghe ông kể chuyện” tham gia phọng trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" của anh Lưu Văn Quỳnh với lời cảm nhận của anh Đặng Văn Quang
T/M Ban biên tâp
TS. Lưu Đức Hải
Kính mời bà con hưởng ứng phong trào sáng tác "Chuyện làng Cao Lao Hạ" theo các thông tin tại đường dẫn sau:
https://caolaoha.com/phat-dong-phong-trao-sang-tac-chuyen-lang-cao-lao-ha
Cảm nhận của anh Đặng Văn Quang về bài viết “Nghe ông kể chuyện” của nhà giáo Lưu Văn Quỳnh: Tôi quen và biết thầy giáo Lưu Văn Quỳnh non chục năm, cũng từ trang Caolaoha.com mà ra. Tôi đẫ đọc nhiều bài viết của anh, nhưng ở bài viết này thật sự bất ngờ, bởi nó thuyết phục, chạm vào trái tim người đọc. Và càng tự hào với đất và người Cao Lao Hạ quê ta. Bài viết của anh đã bật mí mấy điểm thật không ngờ.
-Thứ nhất: Nguyên mẫu trong tiểu thuyết ĐƯỜNG QUA LÀNG HẠ của nhà văn Nguyễn Khắc Phê là người Kẻ Hạ, và là người nhà của anh Quỳnh.
Anh Quỳnh vốn là người kín tiếng, ít nói, ít khoe…thế mà cất kín bấy lâu.
Phải chăng do cái “quả cầu lộn ngược“ kia đã làm anh bật ra tiếng lòng xót xa cho một tượng đài “lộn ngược”.
-Thứ hai: ca khúc “ Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao lại ra đời trên đất làng Hạ, nơi mảnh đất ác liệt chứa đầy những lịch sử bi hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ai cũng ít nhất ngủ lại một đêm, ăn một bữa cơm…trước khi vào Nam.
-Thứ ba: những người thực việc thực, những liệt sĩ ngã xuống cho chiến dịch “Tên lửa vượt sông Gianh vào nam đánh Mỹ”. Những cứ liệu hùng hồn… xứng đáng cho một tượng đài tầm cỡ quốc gia.
Kể cho cháu, thế hệ thứ ba sau hòa bình, cũng là lời kế cho muôn thế hệ mai sau. Chợt nhớ đến những câu thơ trong bài Chín nhịp cầu Gianh của anh
Chẳng biết đợi ai, chờ ai trên chín nhịp cầu Gianh
“Lòng bâng khuâng nhớ một thời lửa đạn
Đêm đêm từng đoàn xe kéo pháo qua phà
Nào đất, nào cây, nào đá, nào nhà
Tất cả lát đường cho xe cho pháo đi qua
Người đông như kiến
Xe nghẹn thành dòng
Bom Mỹ đánh trăm người ngã xuống
Máu loang đỏ mặt sông”
Xin cảm ơn thầy giáo Lưu Văn Quỳnh đã vẽ lại một nét lịch sử quê hương mình, gửi vào thế hệ mai sau.
NGHE ÔNG KỂ CHUYỆN
Nhanh thật, mới đó đã mười năm. Mười năm trước, mới lên sáu Hiệp được theo ông bà và cụ Trung về quê ngoại kỉ niệm 5 năm thành lập trang Caolaoha.com (30/10/2015). Đến Cầu Gianh, ông Hải gọi về trêu mọi người: Alô -Xe về quê lần này rất đông. Vui lắm. Đặc biệt có tiến sĩ Hiệp.
Ông Phùng hỏi: Tiến sĩ Hiệp là ai, nghe lạ thế?
Bí mật. Bật mí trước nghe: Tiến sĩ Hiệp là cháu ngoại làng ta, lần đầu về quê.
Cậu bé tiến sỹ ngày ấy, giờ là chàng trai cao lớn như trai Hàn. Chưa đỗ tiến sĩ nhưng cũng sắp vào đại học. Gần Cầu Gianh ông bảo: Cháu nhìn xem về lần này quê ông có gì khác?
- Cháu thấy có hai cái khác ông ạ: Lần này xe toàn chạy cao tốc, mới hai giờ chiều đã tới. Cái nữa là Cầu Gianh đang mở thêm làn, có người gác phân luồng nên xe qua rất chậm. Cháu thấy quả cầu lộn ngược thì vẫn như cũ. Lần trước về ông bảo Sở Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng bình có kế hoạch đầu tư xây dựng tượng đài, không ngờ đến nay vẫn thế! Đáng lẽ nơi này được đầu tư xây dựng tượng đài tầm cỡ quốc gia và xây trước những nơi khác mới xứng đáng. Không được như quảng trường ở Bạch Đằng Giang, ít cũng như Truông Bồn hay Ngã Ba Đồng Lộc. Không ngờ tượng đài chiến thắng mà chỉ như quả cầu lộn ngược thế kia!
- Cha bố con mẹ anh. Nói như nhà văn Nguyễn Khắc Phê viết trong Hồi kí: “Sông Gianh, ngày này 50 năm trước và câu chuyện tượng đài mong đợi” khi về làng Hạ gặp lại những nhân chứng tham gia chiến dịch K5 ngày đó (mật danh việc đưa đại pháo và tên lửa vào Quảng Bình, Vĩnh Linh cuối tháng 8 năm1966). Tiếc, nếu gặp ông chắc chắn tư liệu của nhà văn sẽ phong phú hơn. Tối đó ông cũng có mặt. Bộ đội, TNXP, dân công, dân các xã ven sông Gianh dồn về. Người đông như kiến, chen nhau mà đi. Ai cũng vác rào, củi, thẩm chí có gia đình còn tự nguyện tháo dỡ nhà, lát đường cho đoàn xe chở đại pháo và tên lửa qua ngầm Hói Hạ. Để giữ bí mật, ban chỉ huy yêu cầu lực lượng cốt cán ở lại, còn phải giải tán. Ông về đến nhà thì máy bay Mỹ quay lại, ném bom bi suốt dọc tuyến. Người chết và bị thương nhiều lắm. Sáng hôm sau, trên đường xóm la liệt thương binh, liệt sĩ cáng về chuyển đi không kịp.
Mà đâu chỉ chiến dịch đó, đôi bờ Sông Gianh còn biết bao sự tích hào hùng, bi tráng khác. Cuộc chiến đấu của 5 tàu hải quân với hàng đàn máy bay Mỹ ngày 28/4/1965 là trận chiến thảm khốc nhất. Suốt từ tám giờ sáng đến tối mịt. Phát hiện tàu ta ẩn bên hang lèn, hàng đàn máy bay kéo đến. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra. Pháo trên bờ, trên tàu, súng trường, đại liên…của dân quân trực chiến. Bom, đạn, tên lửa từ máy bay trút xuống. Cả một vùng trời đất rung chuyển, mịt mù trong khói lửa. Chiều tàu ta cái bị trúng đạn, cái mắc cạn không thể chạy thoát. Máy bay Mỹ sà xuống rải bom na pan, lửa na pan trùm lên đỏ rực như dòng sông lửa. Tối đó có phim, nhưng cả làng ra đứng chật đường quan không một lời hỏi han, trò chuyện. Mắt hướng về cửa Gianh nhìn tàu ta đang cháy, chìm dần! Trận đó ta mất năm tàu, ba bảy chiến sỹ hải quân hi sinh. Có người mắc kẹt dưới tàu nhiều ngày, khi kéo lên chỉ còn bộ xương. Thịt cá rỉa gần hết!
Chưa hết, đang học lớp chin, ông theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê chứng kiến lễ truy điệu sống người tình nguyện hi sinh, chui xuống hút bom đặt bộc phá, phá bom nổ chậm dưới chân núi Lều Cù. Rồi chuyện ông nghe kể lại: hai chiến sỹ TNXP giành nhau để được đi phá bom.
- Người trẻ: Anh phải nhường em. Có việc gì chỉ mình em bị thôi. Anh còn vợ con và mẹ già…
- Người anh lớn tuổi: Không được. Để anh đi. Em chưa có kinh nghiệm, nhỡ hỏng việc, không kịp thông đường để tối xe qua.
Xót xa nhất là việc tiểu đội nữ TNXP chia nhau từng phần thi thể trên sân vườn cụ ngoại cháu.
Sáng đó đang ôn bài, nghe tiếng máy bay, ông vội ra sân nhìn vào hướng Ba Trại, nơi tiểu đội nữ A3 của bà Như cháu đang làm. Bom tỏa độ trúng măt đường, khói đen bốc lên cuồn cuộn. Nhiều người hi sinh, thân thể không còn nguyên vẹn. Chiều, nhiều bọc vải nhựa gói thi thể mang về, trải ra, chia nhiều phần trước khi mai táng!
- Ông ơi, thế bà Như là ai, sao cháu lại gọi bà ngoại. Hôm đó bà có sao không?
- À không, hôm đó bà cháu ở nhà tập văn nghệ.
- Thế ông Phê và ông Viện là ai mà ông bà hay nhăc đến thế.
- Yên chí, mai đi chơi ông kể sẽ biết.
Sáng hôm sau, chưa hết tuần trà cháu tôi đã giục:
- Đi ông. Ông bảo sáng nay cho cháu đi chơi nghe ông kể chuyện mà.
- Ừ thì đi. Dọc đường ông cháu thầm thì, to nhỏ: Ông Phê và ông Viện là anh em ruột, quê Hà tĩnh. Bố làm quan to trong triều đình Huế. Ông Viện là anh, làm bác sỹ, Ông Phê là em- nhà văn. Ông Phê ở nhà cụ ngoại cháu cùng BCH đại đội TNXP. Ông học lớp chin, lúc rỗi hay theo ông Phê đi xem từng hố bom Mỹ vừa thả xuống. Đến đơn vị TNXP 759 của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế mở ba lô ghi chép từng trang thư, nhật kí của những người vừa hi sinh. Sau này ông hiểu đó là những chuyến đi thực tế của nhà văn.
Tình cờ, năm 1969 đang học khoa văn ĐHSP Hà nội, ông lại được gặp ông Phê ra học bồi dưỡng nghiệp vụ ở Trại Viết văn Quảng bá. Được theo ông đi chơi, ngắm cảnh, thưởng thức bánh tôm Hồ Tây. Ông khoe: Anh vừa viết ĐƯỜNG QUA LÀNG HẠ. Đươc các thầy- những nhà văn lớn ưu tiên đọc, duyệt trước khi xuất bản. Thầy động viên, khen. Anh rất mừng. Bố mẹ và chị gái Quỳnh là những nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm của anh đấy
- Ôi! Thế là hai cụ và bà Như được in vào tác phẩm văn chương nghệ thuật. Tự hào ông nhỉ?
- Ông Quang đọc còn tự hào nữa là …!
-Tối ông đọc cháu nghe nhé.
- Nhất trí.
Vui chuyện, chốc lát ông cháu đã đến nơi. Đây, khu ruộng này trước kia là nhà cụ ngoại cháu. Tám anh chị em các ông bà sinh ra, lớn lên trưởng thành, rồi ốm đau, hoạn nạn nay chỉ còn một nửa, cũng từ đây cháu à.
Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, cả dãy trước mặt làng phải chuyển lên đồi để quy hoạch đồng ruộng. Nhà cụ xây xướng bề thế, tiếc công, tíếc của nên không đi. Từ ngày máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, thành ra ở trước mặt làng nên được đại đội TNXP751 mượn làm trụ sở BCH để thuận tiện cho việc lãnh đạo đơn vị mở đường Ba trại. Trong vườn, đơn vị TNXP làm thêm lán, hầm chữ A rất rộng vừa làm nơi hội họp, tiếp đón cán bộ các cấp, nhà văn, nhà báo… về công tác, vừa làm trạm xá cứu chữa thương binh. Vì thế ông được gặp, được biết nhiều người, nhiều viêc một thời diễn ra trên quê hương. Như cảnh chia nhau từng phần thi thể ông đã kể. Như có lần máy bay Mĩ quần đảo, rải pháo sáng ngay trên đầu, người khách đến ban chiều và BCH chưa kịp ra hầm đơn vị, ẩn lại trước cửa hầm nhà cụ. Ai đó nói: Mình vừa viết xong ca khúc CÔ GÁI MỞ ĐƯỜNG, mai các anh hát thử. Được thì cho đội văn nghệ tập kịp tham gia hội diễn sắp tới. Ngay hôm sau và nhiều buổi chiều khác, dưới mái lán đơn sơ bên căn hầm chữ A lời ca rộn ràng…Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lành, Tiếng hát ai vang vọng núi rừng. Phải chăng em cô gái mở đường không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…như một làn gió mát lành lan truyền không chỉ trong đại đội TNXP mà cả làng quê những ngày gió Lào khô khốc và đạn bom không ngớt. Mãi sau này ông mới biết người khách nói tối đó là nhạc sĩ Xuân Giao. Bài hát nhạc sỹ chấp bút trước cửa hầm nhà cụ cháu trở thành bài ca đi cùng năm tháng.
Rồi cả những việc cụ bà vừa khóc vừa hỏi ông chỉ huy: “Chú ơi, các em vừa mất, mới mai táng lúc chiều, răng chừ đã hát hò mau rứa”. Ông lặng lẽ quay đi, đưa tay áo lên gạt thầm nước mắt…Việc này ông Phê viết rất tài. Ông Thụy, thầy giáo dạy văn đại học đọc cũng khen. Tối nay ông đọc cháu nghe.
Cơm nước xong, bên bàn vi tính: Nào tiến sĩ ra đây nghe ông đọc truyện:
Vẫn biết ĐƯỜNG QUA LÀNG HẠ là tác phẩm văn chương, là hư cấu nghệ thuật, nhưng mới lướt qua vài đoạn đã thấy nhiều chi tiết rất thật. Thật từ thời tiết “Trời làng Hạ tháng sáu gió Lào nóng rát. Chậu nước đổ xuống sân kêu xèo xèo như mỡ đổ vào chảo nóng. Tàu chuối rách tua te, lá héo quắt, xoăn lại. Những cọng sắn úa vàng cong queo, gió thổi rơi lào xào”. Nguyên mẫu nhân vật cụ Tám và cô Vân thì đúng là bố và chi gái ông không lẫn được với ai.
Đây. Cháu nhìn này “Tối qua, Hào đi làm cùng đội cầu về muộn. Sáng vừa dậy ra khỏi hầm đã thấy Vân quét gần xong, đang vun đất, cát vào góc sân.
- Em quét làm anh không ngủ được nữa phải không? Cô Vân là bà Như của cháu đấy. Kỉ luật quân sự nên tiểu đội A3 của bà đóng quân gần nhà mà chỉ được phép tranh thủ ghé về nhà mình giúp bọ mạ quét dọn sân vườn. Sáu chục năm rồi, nay đọc chi tiết này ông nhớ như mới hôm qua
…Tối đó (khoảng giữa tháng 4/1965) bữa cơm liên hoan vừa xong, các đoàn thể, bà con đến rất đông. Chia tay, tặng quà động viên bà cháu ngày mai lên đường đi TNXP chống Mỹ cứu nước. Đây là đợt ra quân đầu tiên của làng. Chỉ năm người ra trận. Mặt trận giao thông vận tải. Những lời chúc mừng, dặn dò, hứa hẹn của người đi, người ở ríu ran không dứt. Cuộc chia tay lưu luyến đến mấy cũng kết thúc. Bà con về hết, cụ bà con quay lại nấc lên: “Rứa là mai con cấy mạ đi thiệt rồi. Đạn bom ùng oàng ngày đêm, con mạ non dại như ri, mần răng sống nổi”. Cụ ông quát:
- Mụ hay hè. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Con cấy nay vừa tròn mười tám xung phong ra trận đầu tiên, mụ phải tự hào, mừng, động viên con chớ!
Buổi chia tay cụ ông nói cứng thế, nhưng bà cháu đi rồi tối nào cũng ra cổng, mắt ngóng về phía Tây. Mỗi khi nơi đó có pháo sáng hừng lên cụ đi lại nhiều hơn, đốm sáng nơi điếu thuốc lập lòe nhiều hơn.
- Thế cái việc cụ bà con hỏi ông cán bộ, ông Phê viết thế nào mà ông Thụy khen hay?
- Đây, cuối phần 3 …Phòng họp đã đông đủ. Nào chúng ta bất đầu. Mời các đồng chí đứng lên làm lễ truy điệu. Trong hầm tiếng thút thít nhỏ dần.
- Nghiêm …iêm …! Phút mặc niệm …bắt đầu!
- Các đồng chí… nghỉ! Đồng chí Hào cho anh em hát một bài.
Tiêu đưa mắt nhìn sang thủ trưởng Vi như muốn nói …Thưa …các đồng chí vừa hi sinh, vừa truy điệu…Chưa kịp cất lời, tiếng hát đã vang lên…Miền Nam đang kêu gọi chúng ta vui lên đường. Nào anh em ơi cùng nhau hát, ca lên nào…ào
Ôi! Bài hát bao lần đã hát. Sao hôm nay trầm hùng, thiết tha đến thế. Lời ca vừa dứt, trong hầm tiếng bật lửa lạch cạch, tiếng hỏi han, chuyện trò cũng râm ran trở lại. Tiêu liếc mắt nhìn thủ trưởng Vi, như thầm cám ơn. Thủ trưởng thật có lí.
Đấy cháu thấy tuyệt không. Văn chương là thế. Hiện thực trần trụi ngoài đời được tích lũy, nung nấu, gọt dũa. Khi bước vào tác phẩm mang lại cho người đọc những rung cảm thú vị: Đúng là Tiếng hát át tiếng bom. Văn học phục vụ chính trị mà không chút lên gân, hô hào. Ông Thụy khen quả không sai.
- Thế hư cấu nghệ thuật là gì ông, cháu chưa hiểu?
Hư cấu nghệ thuật là những chi tiết không có ngoài đời, nhà văn sáng tác (bịa) ra. Đưa vào với ý đồ nghệ thuật để tác phẩm thêm sinh động hay giá trị tư tưởng cao hơn. Như chi tiết cô Vân bị thương. Thực tế bà Như cháu mấy năm đạn bom ác liệt thế vẫn trắng trẻo, xinh tươi, không hề gì. Có lẽ bom Mỹ sợ! Hay như đoạn cuối chương 17, phần 7: Đến cầu, Nam và Hào trông thấy bọ Tám. Hốt hoảng kêu lên: Con xin bọ. Con mời bọ về ở đây nguy hiểm lắm. Bọ gằn giọng: Không! Nghề thợ mộc, cái gì tao cũng làm được”. Cụ cháu không xuống ngầm. Câu đó cụ nói ở nhà. Trong cuộc họp Ban chỉ huy và tổ kỉ thuật cầu đường, bàn cách làm dầm cầu sao cho nhanh, cho kịp chiến dich K5. Cuộc họp căng thẳng lắm. Cậy có nghề thợ mộc, cụ xen vô góp ý. Không chỉ gằn giọng đâu, cụ gắt, có vẻ tức, khi các kĩ sư không tin cụ.
Đấy, hư cấu nghệ thuật là thế. Có chi tiết này thì giá trị tư tưởng tác phẩm cao hơn. Người đọc tin vào sự thắng lợi khi thấy: Chống Mỹ là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Có đại cao, tên lửa, có cả bó củi, vác rào. Có bộ đội, TNXP, thanh niên học sinh, có cả cụ gia cũng hăng hái xung phong ra trận...
Sau hai năm gắn bó công trường 12A trên tuyến đường Tây Trường sơn ác liệt, mùa hè năm1967 đơn vị TNXP 751 của bà Như cháu chuyển về làm đường Ba Trại trên đất rừng của làng. Ông may mắn gần gũi chứng kiến cuộc chiến đấu hào hùng, những chiến công oanh liệt và sự hi sinh của bao người đã ngã xuống vì sự sống của con đường. Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để dân tộc ta có ngày hôm nay bước vào kỉ nguyên mới. Kỉ nguyên vươn mình phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Chỉ tiếc nghe con nhắc lại quả cầu lộn ngược - Tượng đài chiến thắng – Ông không khỏi ngậm ngùi. Mười ba năm trước, nghe chương trình HỒN THIÊNG ĐÔNG LỘC trên VTV1 (Tháng 9/2012) chảnh lòng, đã viết thư và bài thơ gửi nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Nhờ ông hướng dẫn khởi động chương trình tượng niệm, tri ân để KHÔNG THỂ LÃNG QUÊN bao người đã sống, chiến đấu và hi sinh oanh liệt trên mảnh đất này.
Cũng gần mười năm từ ngày nhà văn Nguyễn Khắc Phê trở về gặp những nhân chứng một thời đã sống và chiến đấu trên đất làng Hạ (29/6/2016) biết tin Sở Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng bình có chủ trương đầu tư xây dựng…Thế nhưng đến nay câu chuyện Quảng trường và tượng đài chiến thắng đôi bờ Sông Gianh vẫn chỉ là biết tin…và mong đợi!
Nhân dịp trang Caolaoha.com phát động cuộc thi viết Kỉ niệm về quê hương, bao cảm xúc ùa về, ông đã kể cháu nghe rồi đấy.
Cháu cám ơn ông. Về quê lần này được nghe ông kể chuyện, cháu càng yêu mến, tự hào khi biết quê ngoại không chỉ giàu đẹp mà còn có những trang sử hào hùng, những người thân yêu nhất cũng đi vào văn chương, nghệ thuật. Tuy chưa có tượng đài hoành tráng như các nơi khác, nhưng những gì ông viết về làng, về cuộc chiến đấu hào hùng và sự hi sinh oanh liệt của những người ngã xuống là tượng đài bất tử. Cháu tin rằng ngày Thương binh liệt sỹ sắp đến, hương linh các ông bà chắc cũng được an ủi phần nào, khi biết giữa cuộc sống bộn bề hôm nay còn có người tri ân, tưởng nhớ./.
Hải Dương, Ngày 10 tháng 07 năm 2025