Mít là một trong những cây ăn quả được trồng nhiều ở khu vực xóm Rẫy quê tôi. Nhà nào cũng thế, trong sân vườn của mình trồng nhiều cây ăn quả nhưng không thể thiếu một vài cây mít bên lối vào, khoảng sân hay xung quanh vườn.
Cây mít cung cấp nhiều sản phẩm cho đời sống của bà con từ cây, lá, hoa trái. Một trong những sản phẩm quen thuộc nhất với tuổi thơ tôi làm tôi nhớ mãi không phải hương thơm từ múi mít vàng ươm mà đó là trái mít non.
Gọi trái mít non cho mang tính phổ thông chứ thực ra gọi đúng cái tên mà lũ trẻ chúng tôi dùng là “đái mít”. Mít thường ra trái vào giữa mùa xuân và chín vào mùa hè. Đây là thời điểm vào mùa giáp hạt và “đái mít” là một trong những cứu cánh giải quyết một phần cơn đói khi chưa đến bữa cơm. “Đái mít” không phải là trái mít non vì nó không phát triển thành trái mà rụng đi trong một thời gian ngắn. Đi một vòng quanh vườn để chọn những “đái mít” có bột phấn màu vàng xung quanh gọi là “đái cám”. Vội vàng thì hái xuống ăn ngay còn không thì mang theo cây dao và ít muối hạt để gọt và ăn chung. “Đái mít” được gọt bỏ phần vỏ, lấy phần còn lại chấm muối hạt thì ngon và dùng được nhiều hơn.
Ngày đó, mít làng tôi chỉ phổ biến có 2 loại là mít ráo (mít khô) và mít ướt (mít mật). “Đái mít” chỉ là sản phẩm phụ của cây mít nhưng lại thân quen gần gủi với lũ trẻ xóm Rẫy quê tôi. Sản phẩm chính là quả mít. Quả mít non dùng để luộc chấm, kho, làm nộm (gỏi) … Mít chín thì hương thơm ngọt ngào và quyến rũ. Xơ mít chín dùng để ngâm chua nấu canh cua đồng (đam), cá tép đồng, hạt luộc ăn hoặc phơi khô để dành. Mít chín là quà biếu cho bà con anh chị em xóm Làng. Một số gia đình trồng nhiều mít bán để góp thêm tiền mua mắm muối cải thiện bữa cơm gia đình và đồ dùng học tập cho con.
Xa quê, xa xóm Rẫy thân thương nhưng dĩa “đái mít”, mùi mít chín thơm ngon làm lòng tôi bùi ngùi nhớ nhà và càng thêm yêu quý quê hương làng xóm và tuổi thơ của mình hơn.