Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Những người chinh phục vùng đồi

Lần nào goi điện cho anh Lê Chiêu Phùng cũng được anh thổ lộ về một ý tưởng nào đó mà anh sẽ viết về quê hương. Xin trân trọng giới thiệu một bài viết mới, một bút ký xuất sắc của Anh.

 

 

Con đường đất đỏ xuyên qua giữa rừng cao su thẳng tắp. Hàng ngàn gốc tiêu xanh ngắt như hình cái nơm úp đều trên mặt đất. Ánh nắng đầu hè xuyên qua chùm lá đọng sương phản màu như những sợi lụa mềm kẽ đều trên nền áo. Từng tốp, từng tốp  trai, gái tranh thủ thu gom mủ trước khi trời đổ nắng. Mới sáng sớm mà đường vào khu trang trại thị trấn Việt trung, người, xe máy, ô tô nhộn nhịp vào ra. Những chiếc xe tải đầy ắp mủ cao su, chè, tiêu, hoa quả… rú ga từ từ lăn bánh rời khỏi vườn đồi. 

 

*****

 

Dọc đường vào khu trang trại thị trấn Việt Trung, Nguyễn Văn Diệm luôn nhận được những lời chào tinh nghịch: “Ôi, mấy bửa ni đi mô mà vắng rứa? đi mô mà không cho em đi với? nhớ anh sắp chết đây nì…hi, hi, hi..” Và sau những câu cười đùa, chị em đã “biến mất” giữa rừng cao su. Diệm cười đỏ mặt, nói như thanh minh với tôi: “Ở khu trang trại này là thế đó! Họ tinh nghịch lắm nhất là chị em, thấy ai đó bẵng đi vài ngày là đã hỏi thăm liền. Các gia đình ở đây coi nhau như người trong một nhà mà”.

 

Đi dưới tán rừng cao su mát rượi, anh tâm sự: “Mà cũng đúng thôi anh ạ, bà con đã gắn bó với nhau từ những năm gian khó, mãi từ đầu thập kỷ 90 chứ phải ít đâu. Thời đó ai dám đến, không chỉ khổ đi lại, con cái học hành mà còn bệnh sốt rét, thiên tai uy hiếp…thế mà  họ đã vượt qua tất cả”. Trên nền áo lấm thấm mồ hôi, Nguyễn văn Diệm bước nhanh như “con sóc”, anh kể chuyện như hồi tưởng một mình: “Cũng may! đang gặp khó khăn thì năm 1992-1993, Nhà nước ban hành Chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo vươn lên giàu. Thật đúng là đang hạn thì gặp trận mưa rào. Anh chưa thấy hết nỗi vui mừng sung sướng của bà con lúc đó mô”.

 

 

Trong phòng khách thoáng mát, ấm nước chè xanh được om cận thận đặt ngay ngắn trên bộ bàn tròn còn thơm mùi gỗ mới. Vừa rót nước mời khách Diệm vừa kể: “Mặc dù đã có Chủ trương của Nhà nước về phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng mà không có sự giúp đỡ của Công ty cao su Việt Trung e khó mà trụ nổi vì lúc đó không biết bấu bíu lấy ai. Từ đất đai, kỹ thuật, giống cao su, giống cây ăn quả…đều phải dựa vào Công ty, họ thực sự là “bà đỡ”của bà con. Hồi đó chân ướt, chân ráo có biết gì về cây trồng đâu? kiếm được cây gì thì trồng cây đó. Sau này mới biết quy hoạch, loại bỏ cây này, thay dần cây kia.... Tuy nhiên cũng loay hoay mãi, mất nhiều thời gian lắm”.  Anh thấy đó, Diệm đưa tay chỉ về phía trước: “Từ một vùng đồi khô cằn đã biến thành rừng cây bạt ngàn với hàng trăm ha cao su, tiêu, chè… sum suê xanh tốt”.

 

Dạo quanh các khu trang trại thuộc diện “anh, chị” có trang trại của anh họ Bế tên Mai. Nghe lạ, Diệm cười: “Xóm trang trại này, phần lớn là người Bố Trạch và một số ít người ở địa phương khác đến sinh cơ lập nghiệp, riêng anh Bế Văn Mai là quê xa nhất. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở thị trấn Việt Trung nhưng gốc gác mãi tận Cao Bằng. Bố Mai đi bộ đội đóng quân ở Quảng Bình. Lớn lên anh cũng theo con đường binh nghiệp của Bố rồi nghỉ hưu và lập trang trại ở đây. Gia đình cựu chiến binh và làm kinh tế giỏi lắm”… Chúng tôi len lỏi giữa vườn cây hoa trái sum suê, những dãy hoa thược dược, lay ơn, cúc, mai vàng… xen dưới hàng cao su với những bát sứ đeo bên cây đầy ắp nhựa trắng. Qua khu chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng, dưới hồ, cá trắm, mè xanh, rô phi… lao vào bờ mỗi khi ném thức ăn xuống. Trang trại của Bế Văn Mai khá rộng với gần 20 ha cao su, trên 1 ha tiêu, gần 0,5 ha ao cá và hàng chục bò sinh sản… Theo anh thì nhờ đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi nên thu nhập khá. Trừ các chi phí, mỗi năm lãi gần 1 tỷ đồng chứ không phải là ít. Đó là Mai khiêm tốn, còn thực tế chắc lãi cao hơn nhiều. Nhờ có nguồn thu từ kinh tế trang trại, anh đã thành lập doanh nghiệp Xây dựng tổng hợp, mở thêm ngành nghề (với giọng bắc pha chút chất giọng Quảng Bình) Mai cười nói vui: “Có rứa mới đủ tiền đầu tư cho các cháu du học, nếu không thì làm sao con đi học nước ngoài được”.

 

Gần khu trang trại của Bế Văn Mai là trang trại của anh Trần Đình Lương quê xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch. Lương là một trong những người đầu tiên khai phá vùng đồi ở đây. Mặc dù diện tích cao su của Lương ít hơn so với những gia đình khác nhưng anh không chỉ trồng cao su, tiêu… mà còn làm nghề kinh doanh sản phẩm mủ cao su. Để phát triển sản xuất kinh doanh, Lương đã đầu tư mua thêm xe vận tải và nhiều phương tiện khác nên mặc dù diện tích trang trại của anh chỉ có 5 ha nhưng hàng năm gia đình thu lãi 2- 3 tỷ đồng. Các trang trại của Nguyễn Minh Trúc, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, Lưu Anh Dũng, Lưu Đức Ngọc, Lê Hải Đông, Nguyễn Thanh Chương, Lưu Thông… diện tích trang trại không lớn nhưng nhờ biết quản lý, thâm canh nên thu nhập hàng năm cũng phải đến 300- 500 triệu, quả là một con số không nhỏ đối với bà con vùng đồi. Phát huy lợi thế đất đồi, một số gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm các loại cây công nghiệp dài ngày như: Sao, Dầu rái, Lát hoa, Huê, Huỵnh, Trầm gió... Theo kinh nghiệm của bà con làm trang trại thì đất đồi miền Tây Bố Trạch nói chung và triền đất thị trấn Việt Trung nói riêng rất thích hợp với cây công nghiệp dài ngày. Ngoài cây cao su, hồ tiêu, các loại cây ăn quả… thì cây Trầm gió, Huê và cây Lát Hoa được bà con đầu tư bởi những cây này phát triển rất nhanh lại cho thu nhập cao.

 

 Để có thêm kiến thức sản xuất kinh doanh, ngoài việc tìm đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình... bà con còn tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm Tỉnh… tổ chức, nhằm trang bị thêm kiến thức quản lý sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, kỹ thuật ươm trồng cây công nghiệp...

 

Hiện tại thị trấn Việt Trung đã có trên 300 trang trại thu nhập cao, chiếm 30% số lượng trang trại của huyện Bố Trạch. Điều đáng nói là tất cả các trang trại tại thị trấn Việt Trung nói chung, đội Hữu Nghị nói riêng là những trang trại thu nhập ổn định bởi bà con đã biết dựa vào thế mạnh của vùng đất ba gian, biết quy hoạch, chọn lựa cây trồng nhất là coi trọng yếu tố sinh thái môi trường. Theo kinh nghiệm của bà con thì để giữ vững môi trường sinh thái cần phải hạn chế sự biến dạng, phá vỡ địa hình tự nhiên. Những việc lớn như ngăn suối, san ủi mặt bằng, bố trí các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm… phải được tính toán kỹ lưỡng. Chú trọng khu vực ăn ở, sinh hoạt thoáng mát, sạch sẽ. Nhiều gia đình đã đầu tư phát triển cây cảnh, điểm vui chơi, giải trí ngay trong khu trang trại,…

 

Tại trang trại của Nguyễn Văn Diệm cũng vậy, trong một khuôn viên thoáng mát, dọc đường đi lối vào “đầy ắp” hoa và cây cảnh. Bên những hàng chè xanh, những chiếc ghế đá màu ẩn hiện dưới bóng liễu đầy quyến rủ. Mỗi khi được hỏi về mình, Diệm cười và khiêm tốn: “So với các gia đình khác ở đây thì mình thấm gì đâu và anh biết đó, đời tôi không muốn phô trương nói nhiều. Mình làm gì, được gì, bà con biết cả”. Chần chừ một lúc Diệm nói tiếp: “Dù sao mình là một cán bộ được bà con tín nhiệm lại là một cựu chiến binh, một thương binh… chừng nào còn sức thì còn làm gương cho bà con về sản xuất kinh doanh”. Rồi anh kể cho tôi nghe những ngày đầu nhập ngủ, những năm tháng học tại Trường sỹ quan Hậu cần rồi chuyển ngành, tiếp tục học đại học Tài chính và trở thành cán bộ cốt cán của Trường Quản lý Thương nghiệp Quảng Bình… Sau ngày nghỉ hưu, Nguyễn Văn Diệm không về Hạ Trạch nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình mà tham gia vào đội quân đầu tiên lên khai phá vùng đồi. Diệm mỉm cười toại nguyện: “…Diện tích trang trại của mình không được nhiều nhưng được cái trồng cây gì, nuôi con gì ra con nấy”…

 

Khác hẳn với sự xô bồ, ồn ào ở đô thị, dưới tán rừng cao su, nghe rõ những tiếng chim kêu gọi bạn xen lẫn tiếng lá rừng xào xạc mỗi khi gió nhẹ thổi qua. Trong phút tĩnh lặng bên bờ suối, tôi chợt nhớ chuyện kể của anh Bùi Dũng phóng viên phát thanh truyền hình trong một chuyến đi công tác. Với chất giọng hóm hỉnh gây cười lại pha chút giọng Huế, anh kể rằng: “Những năm chưa tách tỉnh, một đoàn cán bộ từ Huế ra công tác ở một huyện miền núi tỉnh Bình Trị Thiên, đoàn được Lãnh đạo Huyện bố trí nghỉ tại một nhà nghỉ ven rừng. Một anh người Huế thích quá reo lên: ở đây hay thật, khe suối nước chạy róc rách, chim kêu, vượn hót, cây cối diều (nhiều), ô xi lắm…đúng là du lịch sân (sinh) thái…”. Một hai hôm sau cũng chính anh cán bộ ấy nói: “dưng (nhưng) mà hơi buồng (buồn)…”. Đó là chuyện lâu rồi thế mà mỗi khi nhắc lại ai cũng cười đến bể bụng. Còn hôm nay đến với miền Tây huyện Bố Trạch, cảm giác “hơi buồng” ngày ấy không còn nữa. Vì bà con không chỉ làm kinh tế mà đã biến các khu trang trại như những  khu du lịch sinh thái, những “công viên”, “vườn bách thảo” thu nhỏ giữa môi trường tự nhiên.

 

 Cầm ly nước chè xanh nóng trên tay, đưa lên rồi đặt xuống, với ánh mắt xa xăm… nhìn vào lọ hoa tươi đủ màu toả hương thơm trên bàn nước: “Nhiều gia đình làm ăn khá lắm anh ạ, nhưng để có như hôm nay là cả quá trình một nắng hai sương, chịu thương, chịu khó. Được cái trong những năm tháng gian khó cũng như hiện nay, bà con đoàn kết thương yêu, đùm bọc nhau là mừng lắm rồi phải không anh”, Diệm tâm sự.

 

Bên kia đường, đoàn xe chở đầy can nhựa xếp hàng chờ đến lượt nhập mủ cao su. Tiếng cười, tiếng nói át tiếng chim tu hú vọng về: “khó khăn, khắc phục- khó khăn, khắc phục” chìm vào vách núi. Một cô gái trẻ lên tiếng: “có chi mà cứ kêu mãi “khó khăn” với “khắc phục” rứa , hiện nay không khó khăn như trước nữa mô, chỉ có thuận lợi thôi… Diệm nói với qua cửa sổ: “này, em ơi? nhờ chim tu hú mà những năm khó khăn của bà con mình chim đã cất tiếng “động viên” đó”.  

 

                                                *****

 

Lưu luyến chia tay bà con vùng đồi cũng vừa lúc hoàng hôn buông xuống. Bên kia đường, tiếng lọc cọc của đàn bò thong thả về chuồng, tiếng chim líu lô gọi bạn bay về tổ ấm… Bần thần như lạc vào giữa bức tranh của một vùng kinh tế trù phú ở miền Tây huyện Bố Trạch, hy vọng: Một ngày gần đây, mình sẽ trở lại với bà con, trở lại với những vườn đồi đầy ắp hoa trái, với những khu du lịch sinh thái mà ít nơi có được.

 

Tác giả: Lê Chiêu Phùng

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 1193

    Trong tuần: 12669

    Trong tháng: 85838

    Tổng số: 11726215

    Đang online: 28