NHỮNG Ý NIỆM VỀ THƠ QUA THẾ GIỚI NHỮNG VÌ SAO CỦA LÊ MINH THẮNG
Lần thứ nhất sau công nguyên
thời Covid 19
tiếng người vỡ ra phân mảnh trái tim
người với người trở về
những khoảng cách
Không gian ngờ vực qua đồi gió hú
những cái bắt tay nửa vời
người vẫn trao nhau không đầy tâm
[Có một ngày - Thơ Lê Minh Thắng]
Yến Thanh
Ngày nay, thơ dễ làm người ta ái ngại bởi nó là một di sản quá khứ bị mất giá nhanh chóng. Sự lạm phát của thơ ca khiến nghệ thuật này thường bị dè bỉu, ngay đối với cả những người trong văn đàn. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không ít lần mỉa mai thơ ca và thi sĩ, xem đó là nghề “đê tiện”, người làm thơ bị chửi là “đồ chó”, dù trong văn chương của Thiệp đầy rẫy thi ca dưới mọi hình thức. Tôi vẫn nhớ cái kết đau xót này trong một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bàn về thi sĩ: “Cũng có thể qua sông hôm ấy là một thi sĩ. Thi sĩ bao giờ cũng làm những việc lạ thường, đuổi theo những vẻ đẹp kỳ ảo, những vẻ đẹp huyền bí. Chỉ có điều vết chân thi sĩ để lại thường rất nhỏ”.
Sự mất thẩm quyền của thơ ca liên quan đến tổng thể sự chuyển đổi hệ hình của văn học Việt Nam Đổi mới, từ tiền hiện đại bước sang hậu hiện đại. Ở đấy, đa phần lớp thi sĩ cũ – tôi gọi là những “lão tướng thi ca”, có thói quen tư duy viết theo hệ hình thơ trung đại Việt Nam (kiểu các câu lạc bộ thơ Đường) đã dần bị rơi vào lãng quên, hoặc không xuất bản được theo đường chính ngạch, chỉ lưu truyền qua các ấn phẩm tự in hay photocopy. Lớp “trung niên thi sĩ” làm theo tư duy Thơ Mới (thơ tự do lãng mạn phương Tây thế kỷ XVIII) giờ đây cũng nhanh chóng xơ cứng, lão hóa và bị đẩy ra khỏi trung tâm sáng tạo. Thi thoảng, như một phút hấp hối tàn, họ vẫn có những bài thơ hay thi phẩm “xem được”, nhưng dứt khoát sự năng sản, động lực cách tân mạnh mẽ thi đàn mà đầu thế kỷ XX họ từng giơ cao ngọn cờ nay đã cạn kiệt. Cả hai kiểu hệ hình thơ tiền hiện đại và hiện đại nói trên giờ đây có thể xem là đã xong xuôi hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình. Các thi sĩ làm theo lối ấy đa phần có thể an hưởng vinh quang bằng/trong quá khứ, hoặc những ai nỗ lực lắm, cũng chỉ là sự kéo dài hào quang của quá khứ ấy ra hiện tại mà thôi. Giờ đây, các thế hệ thi sĩ ấy, có thể an tâm “rửa tay gác bút” nhằm đón chào một thế hệ thi ca mới. Tiếc thay, cái mới ở ta vẫn dễ bị kỳ thị, vẫn thiếu không gian và thiếu người đọc có tầm đón nhận phù hợp. Do đó, đa phần thi phẩm xuất bản trên thị trường không có độc giả, bởi nhìn vào những “mái đầu bạc trắng” trong các hội nhà văn cả ở trung ương và địa phương, đa phần bạn đọc cảm thấy ái ngại. Thơ nhanh chóng bị mất giá không hẳn vì chúng ta đang sống trong thời đại của tiểu thuyết như lối lập luận của Milan Kundera hay M.Bakhtin, mà còn bởi thơ ca Việt Nam, nhìn chung vẫn nặng nề những quán tính, thói quen và tư duy thẩm mỹ cũ.
Trong bối cảnh ảm đạm như vậy, thực sự là một bất ngờ thú vị đối với tôi khi gặp gỡ thi phẩm Thế giới những vì sao của Lê Minh Thắng. Quả thật, tôi không hi vọng quá nhiều khi khởi sự đọc bản thảo, bởi kinh nghiệm đọc bi đát dạy tôi rằng, chúng ta ngày nay khi đối diện với thi ca, không nên kì vọng quá nhiều. Với những người khả dĩ có thể hi vọng được điều gì đó, đa phần họ đã thành danh và có thương hiệu trên văn đàn. Lê Minh Thắng là một nhà thơ tỉnh lẻ (Quảng Bình), anh lại là nhà giáo mô phạm bởi đặc trưng nghề nghiệp dạy những bài văn mẫu người ta đã làm ra, đã trở thành điển phạm. Thường trong các trường hợp như thế, sự đọc là một miễn cưỡng, hoặc đơn thuần có tính chất tri âm.
Cuộc đời là một chuỗi dài những nhầm lẫn, bởi nó tạo ra cho ta ảo giác về thế giới này, để có thể sống tiếp mà không bị dằn vặt, xót xa. Tôi thường nhầm lẫn trong thi ca, thất vọng nhiều ở những nơi kỳ vọng, và ngược lại, được ân sủng nhiều ở những nơi vốn không thể trông đợi gì nhiều. Thơ Lê Minh Thắng là một nhầm lẫn thú vị như thế, như tôi đã từng nhầm lẫn về Đỗ Thành Đồng, Hoàng Vũ Thuật, Phương Uy, Trịnh Sơn…. Họ đều là những nhà cách tân thơ ca theo hướng hệ hình hậu hiện đại, cho dù tuổi tác chênh lệch nhau, đều sống ở tỉnh lẻ, không lăng xê, không đao to búa lớn hay sử dụng chiêu trò trên văn đàn.
Do đó, xin nói ngay với bạn đọc, thơ Lê Minh Thắng là thứ thơ khó đọc, kén bạn đọc, đòi hỏi bạn đọc phải có một tầm đón nhận nhất định nào đó. Nó khác xa thứ thơ du dương, vần điệu, lãng mạn và dễ đồng cảm như Thơ mới của Xuân Diệu, Nguyễn Bính. Thơ anh cũng dứt khoát vượt ra ngoài quỹ đạo của thơ ca cách mạng, vốn mang bản chất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Lê Minh Thắng đã đi một quãng dài trong thi ca, một cách âm thầm, âm ỉ. Những quán tính cũ trong tiếp nhận thi ca như sự mặc định tính lãng mạn, nhạc tính qua vần điệu, sự logic trong ý tưởng và cú pháp, những thể loại truyền thống (năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát…) đều bị Lê Minh Thắng kiên quyết thách thức, loại trừ. Tôi tin rằng, ngay đối với cả những bạn đọc chuyên nghiệp là các nhà phê bình, ít nhiều có kinh nghiệm thẩm mỹ, cũng như được trang bị (dù có thể còn lỗ mỗ) các kiến thức lí luận văn học phương Tây hậu hiện đại, thơ Lê Minh Thắng cũng là case khó nuốt trôi.
Thơ Lê Minh Thắng đặt ra liên tục cho chúng ta những nan đề như tính thơ là gì, bản chất thi ca là gì, cái đẹp thi ca đương đại như thế nào, giới hạn cách tân thi pháp thơ ngày nay là gì, sự tương hợp, logic ngữ nghĩa có còn cần thiết không, vần điệu hay nhạc tính liệu có thể loại bỏ hoàn toàn trong thơ hậu hiện đại?
Tôi cũng tin rằng, có thể chúng ta không (bao giờ có thể) hiểu rốt ráo, tường minh những ý thơ của Lê Minh Thắng, nhưng nó vẫn vẫy gọi, hấp dẫn bạn đọc tinh tường/tế theo một cách nào đó, bởi sự lấp lấp trí tuệ của những ý tưởng. Vẫn còn đó những bài thơ dáng dấp truyền thống:
“Người cất bước con đường hoa lá
tới giờ ngà đậu bến an nhiên
ta ngược dòng lỡ chuyến đò ngang
cập bến tràng giang qua miền viễn
Trăng sao mê muội đám mây vàng
ngoảnh lại mái nhà hương quê lam khói”
[Qua bến tràng giang]
Nhưng có thể nói, những ánh lửa hồi quang quá khứ này là không nhiều trong tập thơ của Lê Minh Thắng. Đa phần thơ của anh là thứ thơ siêu thực, không phản ánh những gì đang diễn ra trong cuộc đời như “tấm gương phản chiếu”, mà nó là thứ thơ chiêm nghiệm, suy tư trong chiều sâu triết học.
“Thế giới người đàn bà
bức tranh đính trên chiếc khung
thấp thoáng đêm và chiếc màn lung linh
vết son mầu nhiệm những đường viền
thưa thớt ánh sáng
giọt hồng nhan bên thềm cạnh khóe…
người đàn bà vắt ngang sợi tóc
niềm tin và hoài nghi
những điều không thể”
[Người đàn bà và sự hóa giải]
Với những bạn đọc vốn chưa quen, hoặc đang phản đối, phê phán như “nộm thơ” hũ nút này, nếu có thể chia sẻ một cách tiếp nhận nào đó, có lẽ tôi cần cho bạn xem những bức tranh siêu thực của Salvador Dali. Hiện thực và nội dung trong thơ Lê Minh Thắng không phải là bức tranh sao chép hiện thực mà anh thấy, mà anh nhìn nghiêng vào trong ý nghĩa triết học bản thể của đối tượng (ở đây là những người đàn bà). Anh nhìn vào thân phận đàn bà Việt Nam trong tiến trình văn hóa nặng nề quán tính Nho giáo và thân phận trong chiến tranh. Những nét vẽ khuôn mặt đàn bà do đó, đau đớn, rời rạc, nhưng bản chất đó chính là bản thể đàn bà.
Tập thơ Thế giới những vì sao dày đặc những bài thơ được viết theo tư duy hệ hình hậu hiện đại. Ở đấy, vần điệu và nhạc tính đã bị tạm trì hoãn nhằm trình bày những ý tưởng chiêm nghiệm bề sâu bản thể. Sự logic ý nghĩa cũng bị bẻ gãy, bởi dưới cái nhìn của các nhà hậu hiện đại, thế giới của chúng ta đang sống bản chất của nó là phi lý, là hỗn độn, là ngẫu nhiên, là hiện tượng, là bất toàn, bất định.
“Tôi một lần không gian xưa
cái vẫy tay cây kiểm thử
bản hòa tấu dòng nước
những thanh âm
nhịp phách dịu dàng và tự tại
như những hồi chuông vang lên
mái nhà thủy mặc
đổ xuống không gian phẳng lặng của nước
mặt ao dậy sóng đương thì
côn trùng rêu phong”
[Thanh âm khúc giao mùa]
Cũng cần phải nói thêm, đó là thiên nhiên và những biểu tượng thiên nhiên chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống ngữ nghĩa thơ Lê Minh Thắng. “Tôi ngang qua một chiều thưa thớt nắng – thi vị nhánh cọ rừng – góc mù ù mùa ong làm tổ - chúng họa tiết lên đài - gương mặt anh trở nên bóng – vết chân chim hóa kiếp văn hoa – Mùa thu cuốn lối bay tới chân đồi…” [Ngọn đồi kí ức]. Nhưng thiên nhiên trong thơ anh đã được khúc xạ qua tâm khảm nhà thơ, được anh phóng chiếu ý nghĩa cái tôi của mình vào đó. Đó là thứ thiên nhiên mà anh muốn thấy, chứ không phải thiên nhiên mà anh đã thấy. Chính vì vậy, thiên nhiên trong thơ Lê Minh Thắng là một hệ thống kí hiệu có tính chất biểu tượng cổ mẫu.
“Truyền thuyết mạch nguồn trên tầng tháng năm
hành trình của nước và lửa
sự chuyển động mạch ngầm
thạch nham lòng đất đổ xuống biển rỗng
thời gian biến tấu bến nhân sinh
đông đặc thành vách đá…
triền miên đầy tuổi đá
dòng chuyển hóa nhu động
vực thăm thẳm tiếng thở than
tầng kết dính giọt nước phân ly…
người với người nối nhau qua vũng
sự sống vẫy vùng trên hố đen”
[Nước chảy trên vách đá]
Hoặc là:
“Núi biếc ngụ trong sương mờ
thạch nham vẫn đông cứng lớp vỏ thời gian
cây xanh miệt mài ngàn trống
tiếng sột soạt mải mê nhả ra từng dòng
chốn đông rì rào lan tỏa
chùm ánh sáng xôn xao nở vào đêm
Nhánh sông con bỏ lại êm đềm
và những ngọn đồi thanh thản nhất
vắt ngang lèn đá
vùng vẫy chốn vực nguyền
mịt mù viễn đích
[Viễn đích]
Hàng loạt những cổ mẫu phân tâm học như nước, lửa, đá… đã được tích hợp vào đoạn thơ, thách thức mọi sự diễn giải. Sáng tạo và tiếp nhận thơ trong bối cảnh đương đại, là một nỗ lực vẫy gọi bạn đọc nâng cao tầm đón nhận của mình. Nghệ thuật thơ ca đích thực không phải để ve vuốt những trạng thái cảm xúc thông thường, hay đi tìm sự thương hại trong đồng cảm. Nghệ thuật thơ ca đích thực trong tính thiêng liêng của nó, là một suy tư triết học về tồn tại người và vị thế nhân sinh của con người giữa thế giới. Mà con người trong ý nghĩa triết học của nó, có bao giờ là giản đơn và dễ hiểu? Dĩ nhiên, tập thơ Thế giới những vì sao không phải được viết nên nhằm đánh đố bạn đọc, hay là nơi tác giả làm xiếc với ngôn ngữ. Tập thơ vẫn có rất nhiều bài dễ tiếp nhận, đề xuất giản dị với chúng ta những tình huống hiện sinh đời thường:
“Vì sao anh vì sao em cách xa
vết nứt bầu trời không thể hàn
một cái khung chật hẹp”
[Thế giới nào trong anh]
Nhưng dẫu vậy, nhìn chung tập thơ của Lê Minh Thắng đã được viết dưới quan niệm mỹ học của “cái khác”. Những câu chữ, ý tưởng, lời thơ bất tương hợp được đặt gần nhau, tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ mới lạ, giàu sức gợi và kích thích sự đồng sáng tạo của bạn đọc:
“Mùa chưa thôi người còn mãi
vấn vương chiếc lá ngày còn xanh
dấu chân vắt lên vai như vang động
một thuở mây trời
Khát vọng xưa chưa nguôi tháng ngày
ngọn đồi tím sắc còn mải mê
đôi cánh rũ gót xuân thì”
[Tiếng vọng bên gốc cổ xưa]
Thơ Lê Minh Thắng giỏi trong việc gợi ra những hình ảnh, những thông điệp bề sâu về thế giới. Nhiều bài của anh hay bởi những ý tưởng mới lạ, những sự lai ghép ngữ nghĩa bất tương xứng, sự cách tân mạnh mẽ thi pháp thơ (rõ nhất là sự chuyển đổi sang thơ văn xuôi, kiên quyết bỏ đi vần điệu, nhạc tính):
“Thời gian gieo hạt bông đùa
buồn vui bay theo gió
nếp nghĩ vắt lên chiếc màn phiến diện
dòng mê say sang trang bạc trắng
không hiểu bóng mang cái đích đi về đâu
khi phía trước vĩnh hằng đang ùa tới
Rồi một ngày thần thái
những dấu chấm hoa mắt cuối thềm
thấp thoáng hàng liễu rủ
bông lá bẽ bàng với đám mù sương
giọt bắn bung ra trên đôi môi
sự sống trở nên rối tung và hỏa mù
vô cùng thời hỗn độn”
[Thời gian gieo hạt bông đùa]
Thủ pháp tạo ra những bức tranh siêu thực trong thơ Lê Minh Thắng đó tác giả đã cố tình tạo ra những khoảng trống giữa những khổ thơ, câu thơ, từ ngữ và ý nghĩa. Những khoảng trống này thách thức mọi sự diễn giải của bạn đọc, nhưng nó cũng giúp cho câu thơ trở nên đa bội nghĩa, hoặc trở nên khác lạ đi.
Ví dụ đoạn thơ sau:
“Khung trời tứ sắc những mảnh tình
dệt thêu đường chỉ sống
vết úa thời gian chiều thức dậy
ngọn lửa thấp thoáng trong đôi mắt
những màn đêm
Xuyên qua thăm thẳm cánh rừng
xanh rì như lá
xuyên qua đại dương tiếng bao la
trắc ẩn lòng biển cả
xuyên qua mặt đất dày
tối tăm và mù mịt”
[Phảng phất]
Thật ra đoạn thơ này khó hiểu là bởi tác giả đã lược đi một số từ ngữ như sau, theo thiển ý của tôi:
“Khung trời tứ sắc đẹp như
những mảnh tình trong đời
Chúng dệt thêu nên đường chỉ sống
Dẫu vẫn có vết úa thời gian mỗi chiều thức dậy
Nhưng ta vẫn còn ngọn lửa thấp thoáng
trong đôi mắt
Soi đường cho những màn đêm mình ra đi
Chúng ta dẫn lối tình yêu xuyên qua
thăm thẳm cánh rừng
Khát vọng xanh rì như lá
Ta dấn thân xuyên qua đại dương tiếng bao la
Khêu gợi trắc ẩn lòng biển cả
Ta hành trình xuyên qua mặt đất dày
Chốn vĩnh hằng tối tăm và mù mịt”
Những chỗ in đậm là của tôi, là những khoảng trống mà thi sĩ đã cố tình lược bỏ đi như một dụng ý nghệ thuật, một thủ pháp bất tương hợp ngữ nghĩa nhằm sáng tạo nên những câu thơ rời rạc đầy ám gợi. Lê Minh Thắng luôn nỗ lực thách thức mọi sự diễn giải bằng những thủ pháp “lạ hóa” khác nhau trong thế giới thi ca của riêng anh.
Dĩ nhiên, Thế giới những vì sao vẫn còn đó những giới hạn như một tất yếu mà bất kì thi nhân hay bất kỳ thi phẩm nào đều phải hứng chịu khi tồn tại trên cõi đời này. Một số bài được làm trong giai đoạn cũ/trước có giá trị nghệ thuật yếu hơn những bài mới sáng tạo gần đây của Lê Minh Thắng, dù điều đó cũng phần nào cho chúng ta thấy nghệ thuật là một chứng ngộ cần tu tập và nhận thức thẩm mỹ cũng là một quá trình. Một số bài thơ còn đơn giản, dễ hiểu, chưa vượt thoát được tư duy tiền hiện đại. Những bài thơ quan thiết với cuộc sống đương đại, vấn đề đương đại, thể hiện được trách nhiệm công dân và ưu tư thế cuộc kiểu Có một ngày nhìn chung là không nhiều. Cấu trúc một số bài thơ, sự sắp xếp trật tự theo cách bố trí có phần rời rạc, chưa rõ theo dụng ý thời gian sáng tạo hay chủ đề miêu tả hay vấn đề tư tưởng đặt ra.
Tôi tin rằng, Lê Minh Thắng biết rõ sở trường và cũng nhận thức sâu sắc về những giới hạn trong thi giới của mình. Chính vì thế, anh còn có thể khắc phục giới hạn, đào sâu thêm sở trường, và quan trọng hơn hết, anh còn đủ sự khiêm tốn để lại lâu dài trong thi giới. Để luôn làm mới mình, phủ định mình, và khác mình ngày hôm qua nhằm dâng hiến mình lần nữa, lần sau nữa… cho bạn đọc. Nhưng ngay lúc này, chúng ta đã có một thi phẩm đáng đọc để suy ngẫm và sẻ chia, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập thơ Thế giới những vì sao của thi sĩ Lê Minh Thắng.
Y . T
Anh Lê Minh Thắng, giảng viên trường Đại học Quảng Bình
là con trai của ông Lê Văn Sơn, tác giả cuốn Địa chí làng Cao Lao Hạ