Nơm, dụng cụ bắt và đựng thủy, hải sản

05:27 - 05/05/2019

Viêt về cái nơm, dụng cụ đánh bắt cá tôm cua thân thuộc của người làng Cao Lao Hạ một thời của anh Nguyễn Hữu Đức

Nơm, dụng cụ bắt và đựng thủy, hải sản

Mùa hạ đến rồi lại nhớ mùa nước cạn (mùa hạn, nước rút) ngày xưa của quê hươg tôi làng Cao Lao Hạ, mùa đi nơm vực, nơm hói, nơm bàu, nơm trổ mợng. 

Nói về cái Nơm chắc ai cũng biết đó là một dụng cụ để đánh bắt thủy, hải sản, nhưng có mấy ai hiểu được để có một cái nơm hoàn chỉnh để bắt cá, bắt cua phải là những nghệ nhân nghề đan lát cừ khôi mới làm nên được cái nơm hoàn chỉnh. Trước tiên tôi sẽ sơ lược về công dụng của cái Nơm. Đặc biệt ở nước ta vùng miền nào cũng có nơm nhưng để phù hợp đặc tính của địa phương nên mỗi vùng miền có một hình dạng cái nơm khác nhau nhưng tựu trung lại thì cũng chỉ có công dụng và tên gọi như nhau.

Nơm dùng để đánh bắt cá: Nơm dùng khi nước đã rút gần cạn nhưng không thể róc hết nước trong ao, hồ, đầm, bàu người ta mới dùng đến dụng cụ gọi là nơm, lúc này dùng tay hoặc dùng những dụng cụ khác không thể bắt cá, cua được vì vậy người ta dùng đến Nơm. Khi con cá hoặc con cua, con tôm đã bị úp trong nơm sẽ có tiếng động và người đi nơm sẽ biết cá to hay nhỏ để ấn nơm xuống bùn sâu hoặc cạn rồi dùng tay thò vào trong nơm để bắt cá. Quê tôi gọi là (cá đóng) trong nơm (bất kỳ con gì bị nơm úp vào cũng quậy và va vào răng nơm nên gọi là “đóng”)

- Nơm dùng bắt cạn: Là lúc nước xuống cạn đồng còn lại vài vũng nước lúc này cá róc về đó hết nên dùng nơm để bắt từng ít một không ảnh hưởng đến cả số cá, tôm, tép hỗn hợp trong vũng.

- Nơm dùng bắt cá nước vũng lớn: Thường là những ao, đầm, vực như quê tôi có Vực Sanh, đầm Hói Hạ thường mùa này ngày xưa là mùa hạn nên làng sẽ mở tháo khoán cho bà con trong làng được đánh bắt cá để về ăn mùng 5 tháng 5 âm lịch (gọi là tết đoan ngọ). sáng hôm đó vui lắm, trẻ, già, trai gái đều chuẩn bị cho mình người thì nơm, rớ, dủi, vợt tùy theo điều kiện của từng gia đình. Có nười bắt được cá, nhưng cũng có người về không chỉ có là áo quần lấm lem, ướt sủng nhưng mà vui là chính.

Nơm dùng để đánh bắt cá nước sâu (gọi là sẩy) Mùa hè này đi sậy rào thì tuyệt; vừa tắm rào vừa được bắt hải sản gồm: Cua bể, tôm, cá, có những mùa mà cá Buôi động trời ngược dòng nước sông thì người đi sẩy chỉ cần nơm được vài ba con cá Buôi cũng được 3 – 5 kg cá ( Cá Buôi là loại cá đối, miền nam gọi là cá lá, khi lớn có những con đạt tới 3 kg) thường loại cá này đi từng đàn nên trong đám bạn đi sẩy sẽ có đôi ba người bắt được, vì sao gọi là sẩy, sẩy là ta nơm cá khi nước thủy triều xuống nhưng vẫn còn cao thường là đến gần bả vai, hai tay người đi nơm và cái nơm nằm sâu dưới nước, khi có cua hoặc cá dính trong nơm người nơm sẽ dùng tay ấn cái nơm xuống bùn dùng bàn tay còn lại che đầu nơm để cua hoặc cá dính trong nơm không theo đầu nơm thoát ra mất.

 

XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU VỚI MỌI NGƯỜI VỀ QUY TRÌNH LÀM NÊN MỘT CÁI NƠM.

1. Vật liệu
- Tre: Tre già thẳng: những cây tre được chọn để làm nơm thường là tre đực, dày thịt, khi tre đã già thường vỏ tre có nàu hung vàng, vỏ cây có lốm đốm mốc.
- Mây troong: mây song lấy trong rừng phài là cây mây có độ dài từ 5m trở lên đủ độ già và độ dài để bện nơm
- Mây tắt (mây rắc) loại mây này nhỏ bằng chiếc đũa ăn cơm khi cây mây đã già màu mây có màu vàng ngà mới đảm bảo tuổi đời của cái nơm vì mây non để một thời gian sẽ bị mọt làm răng nơm sẽ bung hết.
Thế hệ làm ra những cái nơm chuẩn giờ chắc chắn không còn nữa may thay ngày xưa cha tôi đã dạy cho tôi về cách làm nơm:
2. Cách làm nơm: 
- Chọn tre: Ta chọn những cây tre già ưng ý chặt vào dùng cưa cắt tùng khúc (Lưu ý răng nơm phải chọn làm sao đầu răng nơm phải là mắt tre). Cắt khoảng 70 -80 cm làm nơm tùy thuộc vào người dùng nơm cao hay thấp “tôi viết cho người làm nơm để dùng chứ không phải hàng chợ”.
- Chẻ nan để vót răng nơm: sau khi cưa thành từng khúc tre ta dùng cây rữa bén chẻ tre thành những thanh có chiều rộng khoảng 8 ly, xong đưa ra phơi nắng khoảng 2 ngày cho tre dốt dốt (gần khô) khi này đem vào vót răng nơm, đầu chân răng có mắt tre để khi đi nơm không bị toe răng, trúng đá không bị dập. khi phơi nắng tre già cũng có thể teo lại lúc này khi vót sẽ định hình nên không hao răng nơm nữa. vót răng nơm đầu chân nơm to gần bằng lúc ta chia nan làm răng. Đầu nhỏ trên trốc nơm khoảng 3 ly vót thiệt tròn (đầu răng khoảng 7 ly). Khi vót răng xong đưa ra phơi thiệt khô ta đem vào vót tinh lại cho trơn bóng và đều răng ta sẽ đan nơm.
- Đan Nơm: Mỗi cái nơm có 3 đường đan cơ bản:
1. Trước tiên bện đầu nơm (Trốốc nơm) Dùng mây rắc (mây tắt) chẻ 4 vót thiệt đều sau đó chuốt cho bóng. Bện đầu nơm nghệ nhân dùng 4 sởi mây bện cùng lúc (những người nhiều kinh nghiệm mới làm được gọi là trốôc nơm đuôi cá) nhìn hình bện này đẹp mà chắc chắc chắn trong quá trình dùng lâu năm không bị tụt răng nơm.
2. Bện chân nơm Chân chì (tiếng địa phương tôi gọi chân trì): Dùng mây song (mây troong) châm nơm phải dùng loại mây này vì loai mây song chịu ải nên ít bị đứt chân nơm, dùng 3 sởi mây vót đều để bện chân chì, bện chân nơm dễ nên tôi chỉ nói sơ qua thôi. 
3. Bện lưng nơm (tiếng địa phương gọi bện lưng oong “lưng ong”) sau khi bện được trốốc nơm và chân trì ta tiến hành căng lưng nơm (lưng oong). Trước khi bện nơm thợ làm nơm làm cái vành nơm đường kính gần gấp 3 đầu nơm và bằng 1/2 chân nơm. Khi đã bện được đầu và chân nơm ta cho vành nơm vào trong dần đưa vành nơm lên từ chân nơm, căng đến đâu ta dùng dây mây tạm néo vành nơm. Cứ thế ta cho dần vành nơm lên đến mức cần thết lúc này mới cố định chắc chắn cân đều. Lúc này ta xoay cái nơm và chỉnh cho khoảng cách giữa các răng nơm cho đều xong ta tiến hành bện lưng nơm (đường bện này giống bện dát giường bằng tre, 2 tiến – 1 lùi).
+ Lưu ý: bện đầu nơm thô sơ bằng vành tre thì sau khi hoàn chỉnh nơm ta tiến hành bện đầu nơm (đầu tay câm) còn có loại nơm đầu tay tiện bằng gỗ thì trước khi căng vành nơm ta lồng đầu tiện vào đầu răng nơm trước. Mỗi người đi nơm thường có 01 cặp nơm 02 chiếc (01 cái nhỉnh hơn và cái nhỏ thua một chút phù hợp 2 cái lòng vào nhau để mang, vác cất giữ và thuận tay trái và phải). Sau khi hoàn chỉnh một cặp nơm thường để giành chục cái răng nơm cất trên gác bếp phòng khi có cái răng nào bị gãy thì có cái để thay thế./.
Chào thân ái. Bà con chuẩn bị nơm cho mùa nơm rào nhiều kết quả.

Tác giả : Nguyễn Hữu Đức

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip