Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Nuôi tằm thương phẩm ở xã Xuân Trạch: Đầu tư ít, hiệu quả cao

Giới thiệu bài học kinh nghiệm về chăn nuôi tằm thương phẩm ở xã miền núi Xuân Trạch, huyện Bố Trạch

 

Lời Ban biên tập:  Xuân Trạch là xã miền núi của huyện Bố Trạch, hiện có trên 250 hộ nuôi tằm thương phẩm, mô hình này đầu tư không lớn nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Bài viết về mô hình chăn nuôi này được đăng trên báo Quảng Bình Online vào Thứ Năm, ngày 17 tháng 10 năm 2019. Caolaoha.com xin đăng lại để bà con quê nhà tham khảo.

 

Nuôi tằm thương phẩm ở xã Xuân Trạch: Đầu tư ít, hiệu quả cao

 

(QBĐT) Từ giữa năm 2018, một số hộ dân ở xã miền núi Xuân Trạch, huyện Bố Trạch đã mạnh dạn đưa con tằm về nuôi thử nghiệm trên địa bàn. Đến nay, qua hơn một năm triển khai, mô hình nuôi tằm thương phẩm đã chứng minh được hiệu quả.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Oanh ở thôn 5 là một trong những hộ dân tiên phong đưa con tằm về nuôi tại xã miền núi Xuân Trạch. Tháng 6-2018, sau khi xem thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhận thấy nuôi tằm thương phẩm tương đối dễ lại cho hiệu quả kinh tế cao, chị quyết định lên huyện Minh Hóa để học tập cách nuôi tằm của người dân nơi đây.

Sau đó chị đầu tư 1,3 triệu đồng mua 100g tằm giống và mua bạt trải nền về nuôi thử. Sau 18 ngày nuôi, lứa tằm đầu tiên đã cho thu hoạch hơn 120kg tằm thương phẩm, sau khi xuất bán chị có lãi hơn 10 triệu đồng. Từ vụ nuôi đầu tiên thắng lợi, chị Nguyễn Thị Kim Oanh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình.

Chị Kim Oanh tâm sự:“Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, do đất canh tác ít, nên đời sống rất khó khăn. Sau khi tìm hiểu,  tôi đã mạnh dạn mua một ít tằm giống về nuôi thử nghiệm.

 

Trong suốt quá trình nuôi, tôi nhận thấy tằm tương đối dễ nuôi, có thời gian sinh trưởng, phát triển rất ngắn và rất ít bị bệnh. Hiện nay, mỗi lứa tôi nuôi 200g tằm giống, nhờ nuôi Tằm, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi con cái ăn học”.

Những năm trước đây, đời sống người dân thôn 1 gặp rất nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 30%. Nguyên nhân là thiếu đất sản xuất, người dân thiếu việc làm, chủ yếu sống dựa vào rừng. Từ giữa năm 2018, khi phong trào nuôi tằm thương phẩm bắt đầu xuất hiện địa bàn, đến nay, toàn thôn có đã 72/194 số hộ tham gia nuôi tằm thương phẩm. Sản phẩn làm ra đều được thương lái thu mua tại nhà nên người dân không phải lo lắng đầu ra.

Nhờ nuôi tằm, nhiều người dân đã có việc làm ổn định, có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Lê Văn Dũng, Trưởng thôn 1 cho biết: “Thôn 1 hiện nay có phong trào nuôi tằm phát triển rất mạnh. Trước đây, người dân trong thôn luôn sống dựa vào rừng, nhưng từ khi đưa con tằm về đây nuôi, bà con đã tập trung vào nuôi và chăm sóc tằm. Nhờ vậy, tình trạng phá rừng cũng đã giảm hẳn”.

Nuôi tằm thương phẩm có nhiều ưu điểm, như: nguồn thực ăn dễ kiếm, ít bị bệnh, cần ít vốn đầu tư, thời gian nuôi ngắn nhưng lại cho lợi nhuận cao. Đặc biệt, người dân có thể tận dụng nền nhà hay các mẹt tre để nuôi tằm.

Hiện nay, toàn xã Xuân Trạch đã 7/10 thôn với hơn 250 hộ nuôi tằm thương phẩm, hộ ít nhất cũng nuôi 50g tằm giống/lứa, còn những hộ nuôi nhiều nuôi từ 200-250g tằm giống/lứa. Trung bình mỗi 100g tằm giống từ thời gian bắt đầu nuôi đến khi thu hoạch trong vòng 20 ngày sẽ cho năng suất 100-130kg. Với giá thu mua trên thị trường giao động từ 80.000-120.000 đồng/kg, người dân sẽ có lãi 7-14 triệu đồng mỗi lứa.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trạch cho hay: “Chúng tôi đánh giá rất cao về mô hình nuôi tằm thương phẩm của người dân. Đặc biệt, mô hình này phù hợp với rất nhiều lứa tuổi, từ những người trong độ tuổi lao động cho đến người già, trẻ em đều có thể nuôi được.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục nhân rộng mô hình này ra trên địa bàn nhằm tạo việc làm cũng như nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương”.

Với những ưu điểm nổi trội cũng như thành công bước đầu từ mô hình nuôi tằm thương phẩm mang, đây sẽ là hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương mình. Và quan trọng hơn khi người dân đã có được việc làm, có nguồn thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn thì ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ tài nguyên thiên, bảo vệ môi trường, cũng sẽ dần được nâng cao.

Tác giả: Tiến Thành

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 515

    Trong tuần: 24138

    Trong tháng: 73957

    Tổng số: 211152

    Đang online: 114