Ảnh: Nhà thờ họ Lưu Quan, làng Cao Lao Hạ
Lê Tuấn gọi gã bằng chú dẫn gã đi các ngõ quanh xã Hạ Trạch bên bờ nam sông Gianh. Tuấn giới thiệu từng nhà, những biệt thự to đẹp đều là gia đình có con cái thành đạt ở quê, ở Hà Nội, Sài Gòn hoặc con cái đi hợp tác lao động ở Nhật, Hàn.
Trai gái Hạ Trạch có truyền thống học giỏi và chăm chỉ. Lưu Bá Lâm chủ tịch xã khẳng định.
Nhiều người ở quê gã là giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, tướng lĩnh nổi tiếng. Lâm bảo, có được vậy là do nhiều đời nay các dòng họ của làng luôn bảo vệ và tôn vinh truyền thống dòng họ của mình, luôn đua tranh với dòng họ khác cái nết học, cái nết tử tế.
Cô giáo Phúc con gái cụ Nguyễn Tư Thoan bí thư Quảng Bình thời chiến tranh, nhiều năm dạy văn ở quê gã, hiện là chủ tịch hội cựu giáo chức của xã nói: làng bị bể là do giáo dục bể. Các cựu giáo viên của xã tập hợp với nhau lại giúp chính quyền việc khuyến học. Nên hay không nên đều do cái sự học mà ra.
Về quê, gã thích nhất là không thấy loè loẹt khẩu hiệu với những chào mừng, phấn đấu, nghị quyết, quyết tâm mà chỉ thấy đường ngõ khang trang sạch sẽ, hoa trái từ các vườn xum xuê.
Lưu Bá Lâm nói: làng là nơi ở cũng là nơi về. Làng sẽ không còn là làng nữa nếu chỉ còn người già, trẻ nít ở mà đám trẻ, người trưởng thành không thường xuyên về. Muốn người trẻ, trưởng thành về thì làng luôn là nơi nguồn cội dòng họ, niềm tự hào dòng họ. Xã rất khuyến khích các dòng họ xây từ đường, nhà thờ họ để con cháu trở về nhang khói tri ân ông bà, tổ tiên, từ đó họ góp tay xây dựng làng của mình tươi đẹp hơn, đóng góp cho con em làng học hành tốt hơn.
Xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch vốn từ cái gốc Kẻ Hạ - làng Cao Lao nổi tiếng cả vùng sông Gianh. Lưu Bá Lâm cho biết hai xã sắp sáp nhập. Bà con đồng loạt kiến nghị lấy lại tên “Cao Lao” truyền thống xưa làm tên xã sáp nhập này.
Bác Lưu Trọng Văn bên mộ cụ Lưu Trọng Kiến
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với học sinh trường Lưu Trọng Lư