ĐÌNH LÀNG CAO LAO HẠ,
NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG CỦA QUÊ HƯƠNG HẠ TRẠCH ANH HÙNG
Làng Cao Lao Hạ xưa, xã Hạ Trạch bây giờ thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm về phía Nam cầu Gianh, cách thành phố Đồng Hới hơn 40 Km về phía bắc. Trên mảnh đất này, thuở sơ khai đã có người bản địa (Man di) sinh sống, nhưng còn thưa thớt; địa hình hoang vu hiểm trở, rừng núi lau sậy bạt ngàn. Về sau vào đời vua Lê Thánh Tông, trong khoảng thời gian 1470 – 1504, thực hiện chính sách chiêu mộ dân chúng, đưa quan quân ngoài Bắc vào lập nghiệp trên đất của ba châu mới: Lâm Bình, Minh Linh, Bố chính. Sau một thời gian dài khai khẩn, làng Cao Lao Hạ được xây đắp, tô bồi ngày càng rộng lớn, làng xóm trù mật, nhân dân đông vui, làm ăn và xây dựng những công trình văn hóa, phục vụ cho đời sống tình cảm tâm linh. Trong rất nhiều công trình kiến trúc văn hóa thời cổ còn lại dấu tích như: Đình, chùa, miếu, nghè, đền, cây đa, giếng nước, sân đình, thành Lồi, Cửu Khúc Long Khê… Năm 1903 ông cha đã quy hoạch giao thông gồm: Đường Bản, đường Quan và 20 xóm thành hình con thuyền Rồng. Đặc biệt dãy nhà thờ Họ trước cửa Làng của 24 dòng Họ, với Hội Võ, hội Văn, các trò chơi dân gian cùng các hoạt động văn hóa khác… Đó là nơi hội tụ các công trình văn hóa truyền thống, là nét đặc trưng riêng biệt độc đáo của làng quê nông thôn Việt Nam không phải nơi nào cũng có
Cho đến nay hơn 500 năm đã trôi qua, các công trình Văn hóa tâm linh đã bị mưa nắng và thời gian bào mòn đặc biệt quê hương đi qua hai cuộc chiến tàn khốc và đẫm máu các công trình văn hóa lịch sử đã bị tàn phá nặng nề nay chỉ còn lại dấu tích. Thực hiện nghị quyết 5 của trung ương: “Xây dựng đậm đã bản sắc văn hóa dân tộc… ” Xây dựng lại các công trình văn hóa truyền thống là trách nhiệm của chúng ta hôm nay và mai sau, nhằm nối quá khứ, hiện tại và tương lai, là trực quan sinh động để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Đình làng Cao Lao Hạ xưa tọa lạc trên một khu đất tương đối cao bằng phẳng, mặt Đình nhìn ra hướng Bắc, có ngã ba sông nơi hội tụ của Nguồn Son, nguồn Nậy của dòng sông Gianh lịch sử; lưng tựa vào làng tạo nên thế đứng vững chắc. Đình làng Cao Lao Hạ chưa tìm ra tài liệu nào ghi lại được chính xác đình ra đời từ năm nào?. Theo truyền ngôn của các cụ già làng thì năm Minh Mạng thứ 3 (1882) tức là cách đây 188 năm, làng đã tôn tạo lại ngôi đình lần thứ 2. Trải qua mưa nắng của thời gian, bom đạn của chiến tranh, Đình làng bị xuống cấp hư hỏng nặng. Đến gần 120 năm sau, năm Tân Tỵ Bảo Đại năm thứ 6 (1941), ông Lưu Trọng Dư, một thầy thuốc Tây Y nổi tiếng, người Cao Lao Hạ đã đề xuất dân làng đóng góp công sức tiền của tôn tạo lại ngôi Đình làng lần thớ 3 khang trang uy nghi.
Ngôi Đình làng đã là nhân chứng, chứng kiến biết bao sự thăng trầm của lịch sử dân tộc và làng quê. Đình làng Cao Lao Hạ đã góp phần cùng Quân và dân Hạ Trạch anh dũng chiến đấu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.
Năm 1885 Danh Tướng Cần Vương Lê Mô Khởi người con của làng đã làm lễ tế cờ Cần Vương tại Đình cùng nghĩa quân trong vùng phò vua Hàm Nghi đánh Pháp (Hiện nay đền thờ danh tướng Cần Vương Lê Mô Khởi được bộ văn hóa xếp hạng là khu di tích và ông được công nhận là nhân vật lịch sử).
Những lá truyền đơn ngày 1 tháng 5 năm 1930, những lá cờ búa liềm chuyền tay nhau trong ngày quốc tế lao động ở thị xã Đồng Hới, là những nguồn thông tin chính trị thời sự có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với người dân làng Cao Lao Hạ. Năm 1933, ông Lê Nguyên Phong người làng Cao Lao Hạ, đảng viên Đảng cộng sản thuộc chi bộ Lũ Phong (Quảng Trạch) đã lấy đình làng làm cơ sở tuyên truyền giáo dục cho những người yêu nước đường lối cách mạng.
Tháng 8/1945 đình làng Cao Lao Hạ nơi tập trung nghe diễn thuyết, nơi diễn ra cuộc mít tinh, giành chính quyền về tay nhân dân. Tại đình làng nơi thành lập mặt trận Việt Minh, ủy ban hành chính, ủy ban hành chính kháng chiến, nơi tuyển truyền quyên góp tham gia diệt giặc đói diệt giặc dốt, tập luyện quân sự đánh giặc ngoại xâm. Đặc biệt đình làng Cao Lao Hạ là một trong những điểm tổ chức bỏ phiếu bầu quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 12/ 1946 thực hiện chủ trương của Chi bộ An Lão huyện Bố Trạch, chi bộ Đảng cộng sản Trung Hồ được thành lập tại đình làng Cao Lao Hạ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Trung Hồ, chi bộ Bắc Trạch, quân và dân Cao lao Hạ đã cùng nhân dân các xã Bắc Quảng Bình kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lợi, giải phóng quê hương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình làng là nơi tập luyện dân quân, là nơi tiễn con em lên đường vào Nam đánh giặc, là trạm cứu thương của bộ đội dân quân, thanh niên xung phong. Đình làng là nơi trú quân của bộ đội vào Nam ra Bắc khi đi qua bến đò Hạ Trạch. Mảnh đất có anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tương chèo đò chở quân sang sông Gianh dưới mưa bom đạn lửa của quân thù.
Cho đến nay gần 300 năm trôi qua, đình làng Cao Lao Hạ chỉ còn là phế tích, chỉ còn 2 trụ biểu, cổng đình là nhân chứng lịch sử của một thời ông cha dựng làng và giữ nước. Đình làng, cây đa đã bị Thực dân Pháp đốt cùng với hàng ngàn gánh cây chạc chìu mà dân làng và du kích vào rừng chặt về dấu trong Đình, để chuẩn bị thả xuống dòng sông Gianh trước mặt đình để cản ngăn ca nô Pháp từ Đồn Thanh Hà càn vào Làng. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, với khẩu hiệu “ Xe chưa qua nhà không tiếc” gạch, ngói, gỗ, đá của đình làng đã hóa thân san lấp hố bom cho xe ra tiền tuyến. Góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.
Đình làng Cao Lao Hạ nơi ghi công các người con đã làm rạng rỡ quê hương, như: 8 vị làm quan tri huyện, 2 quan bộ Lễ, 3 tri phủ, 1 tỉnh trưởng, 2 phó bảng, 13 cữ nhân, 3 quan văn, 13 quan võ, và 25 vị chức tước khác.
Ngày nay truyền thống khoa bảng, văn nhân, võ ban vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, như: các nhà thơ Lưu Trọng Tuần, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư là con trai của nhà hán học, cử nhân tri phủ Lưu Trọng Kiến (1864-1927). Nhà văn nhà quân sự Lưu Trọng Lân con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lai cùng hàng ngàn tú tài, cữ nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú. Về võ nghiệp có trung tướng Lê Văn Tri, thiếu tướng Lưu Bá Xảo, thiếu tướng Lưu Dương, cùng các hàng trăm sĩ quan cao cấp trong quân đội, 1 anh hùng LLVTND và hàng trăm sỹ quan cấp úy khác… Làng Cao Lao Hạ quê hương của 204 liệt sĩ và 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thể theo nguyện vọng thiết tha của cán bộ và nhân dân trong xã, của hội đồng hương công tác và làm ăn khắp mọi miền trong và ngoài nước, ngày 15-12- 2008 tức là ngày 19-11 năm Mậu Tý đình làng được khởi công xây dựng lại. Với mục đích bảo lưu, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử- văn hóa; đình Làng Cao Lao Hạ là di sản quý báu của ông cha đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đến nay sau 2 năm xây dựng, cuối tháng 2 năm Tân Mão (2011), Đình làng căn bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đình làng xây dựng lần này là lần thứ Tư, kể từ lần thứ 3 (1942). Đình làng được xây dựng lại với thiết kế theo cấu trúc của đình xưa, nhưng to lớn hơn. Đình được xây dựng trong khuôn viên trên nền Đình cũ. Đình làng gồm có Đình Tiền và Hậu Tẩm, có diện tích 440 m2, Đình tiền cao 12,6m, bên trong và bên ngoài được trang trí các hoa văn, và họa tiết theo truyền thuyết cổ xưa, đa dạng và phong phú đầy vẻ trang nghiêm của chốn linh thiêng. Đình làng được xây dựng lại với giá trị 2 tỷ 600 triệu đồng, là công sức, tiền của, là kết tinh sức mạnh của ý Đảng lòng dân, là ý nguyện, là sự chung tay, góp sức của bà con ở quê, bà con sinh sống, công tác học tập, khắp mọi miền tổ quốc và nước ngoài, các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm.
Đình làng là cội nguồn, là nơi hội tụ của bà con vào các ngày lễ tết, bà con xa quê hương có điều kiện về thăm quê để thắp nén hương thơm dâng lên Thành Hoàng làng và các bậc tổ tiên, các bậc tiền bối những vị có công với dân với nước, với tấm lòng thành kinh. Cầu mong các vị thần linh và nhân thần phù hộ độ trì để luôn có được sức khỏe dồi dào, con cháu thành đạt học tập tiến bộ, cầu mong cho làng Cao Lao Hạ- xã Hạ Trạch muôn đời Thịnh Vượng.
Tự hào, vinh dự và vui mừng trước thành quả đã đạt được, chúng ta vô cùng cám ơn tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT, sở văn hóa thông tin thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình. Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMT các ban ngành của huyện Bố Trạch. Các cơ quan thông tấn báo chí và truyền hình, và các ngành có liên quan đã quan tâm tạo điều kiện cho Đình Làng được xây dựng lại khang trang đẹp đẽ.
Cám ơn cơ quan tư vấn thiết kế công ty cổ phần tư vấn xây dựng Quảng Bình, cùng với sự cộng tác của con em quê hương tại Đồng Hới đã giúp thiết kế dự toán công trình đáp ứng yêu cầu đề ra. Cám ơn công ty xây dựng Ánh Hưng (Huế) đã nhận thầu và tích cực hoàn thành theo đúng tiến độ.
Cám ơn sự quan tâm giúp đỡ to lớn của bà con ở quê, bà con xa quê hương, trong nước ngoài nước, các cơ quan đơn vị các cá nhân đã cung tiến, để đình làng thêm bề thế khang trang. Cám ơn ban xây dựng đình làng, ban vận động xây dựng đình làng đã hết lòng hết sực cho Đình làng sớm được hoàn thành.
Đình làng Cao Lao Hạ - Xã Hạ Trạch là di sản văn hóa truyền thống, là di tích lịch sử, là tình cảm là cội nguồn tâm linh, của mỗi người dân Hạ Trạch hôm nay và mai sau.
LÊ QUANG TÂN
BÍ THƯ ĐẢNG BỘ XÃ HẠ TRẠCH.