Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Phong tục đón Tết ở làng Cao Lao Hạ

Bài viết của bác Lê Văn Sơn đăng trên báo Quảng Bình Xuân năm 2007

Hằng năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân sang, nhân dân ta lại nô nức đón Tết, Tết Nguyên Đán,tết cổ truyền của Việt Nam, nên Người Cao Lao Hạ cũng hòa mình vào không khí đón Tết.

Theo quan niệm, Tết thì cái gì cũng phải mới hơn năm cũ nên gia đình nào cũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp và sắm Tết, trên bàn thờ tổ tiên chưng nhiều loại hoa trái và không thể thiếu nải chuối chín vàng, cam chín vàng, hoa cúc vạn thọ vàng... Ngoài ra một số nhà còn có cả khảm thờ sơn son thiếp vàng, bức hoành phi, câu đối nền đỏ chữ vàng... Thứ đến là bức tranh ảnh phong cảnh hoặc tranh Đông Hồ...Do trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết thường mang màu sắc vàng và đỏ nên người ta phải tạo ra kiến trúc bàn thờ thế nào cho thật trang nghiêm.

Ngày xưa Tết đến người Cao Lao Hạ nhà nào cũng dựng cây nêu, cây tre dựng nêu phải đẹp, đốt tre đều, không bị sứt sẹo, tre không quá già hoặc quá non, cây tre phải chừa lại ngọn tre và một số cành gần ngọn tre. Trên cây nêu người ta treo một bộ cung tên, một giỏ tre đựng giấy tờ vàng mã, trầu cau...Việc dựng nêu phải hoàn thành trước chiều 30 Tết.

Theo tâm niệm của người xưa, cây nêu là biểu hiện cho sự vươn lên trong năm mới và là sự khẳng định đất có chủ quyền, xua đuổi ma quỷ đến quấy phá.

Chiều 30 Tết nhà nào cũng cúng lễ tất niên. Sau lễ cúng là đốt pháo chào đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Câu đối cũng không thể thiếu trong ngày Tết của người Cao Lao Hạ xưa, câu đối được mua in sẵn hoặc nhờ thầy đồ trong làng viết theo ý nguyện gia đình, câu đối mang ý nghĩa năm mới được hanh thông, sáng suốt...

Đêm đón giao thừa cả làng không ngủ, khi thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, phút giao thừa đã điểm. Cả làng đều đốt pháo chào đón năm mới. Mọi người hân hoan vui mừng trong tiếng pháo nổ vang trời. Sau phút giao thừa, con cháu mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ chúc ông bà cha mẹ sức khỏe và sống lâu với con cháu. Tiếp đến là ông bà cha mẹ mừng tuổi cho con cháu với lời chúc và lời răn dạy con cháu sang năm mới học hành nên người. Tiền mừng tuổi là tiền mới được chuẩn bị trước. Trong ngày Tết luôn kiêng cự những điều cải cọ, tránh quở phạt hay la mắng...Ai cũng vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

Các nhà nho sáng mồng một đều làm lễ khai bút, nhiều gia đình bói Kiều, năm mới có tục lễ đến nhà thờ họ bái yết tổ tiên.

Nếu con cháu ở riêng đến chúc Tết ông bà cha mẹ thì trước tiên phải thắp nhang lên bàn thờ vái lạy tổ tiên rồi mới chúc Tết ông bà cha mẹ.

Tục lễ "đạp đất" cũng được dân làng chú trọng vì họ cho rằng người đầu tiên trong năm mới đến nhà mình sẽ mang may mắn hay xui xẻo cho gia đình. Cho nên gia chủ sẽ chọn một vị cao niên hợp tuổi với gia chủ, nói chung vị cao niên đó phải hội tụ nhiều điều tốt và nhờ vị cao niên đó "đạp đất".

Tết, người dân cũng chú trọng việc mời bánh, mứt, rượu, trà, bánh xoài và mứt gừng... là những thứ mà họ tự làm ra không phải mua...

Tính nhân đạo và lòng vị tha của người dân còn phổ biến như một tập quán bình dị. Nếu năm cũ còn khúc mắc, hay còn có lỗi lầm, hờn trách gì với nhau...thì ngày Tết đều được xóa bỏ.

Làng Cao Lao Hạ có tục lễ đẹp là sự nhớ ơn thầy cô... Cao Lao hương sử cũng có chép:

...Thêm vào một việc cao siêu

Ngoài ơn cha mẹ còn yêu lấy thầy...

Trong mấy ngày Tết làng Cao Lao Hạ tổ chức nhiều trò vui chơi như đánh bài chòi, cướp cù, đu tiên, kéo dây, đánh vật, cờ tướng, cờ người...Những trò chơi dân gian ngày Tết vừa góp vui trong việc đón Xuân, vừa thi tài, vừa rèn luyện thân thể và động viên tinh thần Thượng võ. Không chỉ trong làng mà còn thu hút dân quanh vùng đến xem và cổ vũ.

Cao Lao hương sử có chép:

...Thông qua văn hóa nhiều trò

Lập thành tập tục cũng cho vui làng

Cướp cù với lại đu thang

Cô bà ăn mặc hàng hàng đứng đăng...

Các trò chơi ngày tết mang đậm đà bản sắc dân tộc cho nên ngày Xuân ai cũng muốn đi chơi và cảm thấy như yêu quê hương làng xóm hơn.

Ngày nay người làng Cao Lao Hạ cho dù đi đâu, làm ăn sinh sống nơi nào cũng luôn hướng về nguồn cội. Ngày Tết là để được trở về quê cha đất tổ trước là thắp nén nhang viếng tổ tiên ông bà, sau là gặp lại người thân, quê hương trong tình làng nghĩa xóm, đó là bản sắc văn hóa truyền thống của người Cao Lao Hạ.

Tác giả: Lê Văn Sơn

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 151

    Trong tuần: 18697

    Trong tháng: 69699

    Tổng số: 11710076

    Đang online: 54