Tác giả Nguyễn Văn Khiêm (ảnh facebook cá nhân)
Quê tui,
Một miền tâm linh,
Đậm tình phong thủy.
Tui sinh 1950, là thời gian chuyển giao giữa các chế độ, gắn liền với sự tồn vong tâm linh của làng xã.
Trung tâm văn hóa làng xưa là mái Đình quay mặt về Bắc, nhìn ra sông Gianh. Đình xưa bằng gỗ, 4 mùa nghi ngút khói hương, gieo vào tâm can người dân lề thói, dạy con người ta cách sống, lòng yêu làng, yêu nước, sẵn sàng đứng lên bảo vệ giang sơn.
Dọc đê sông Gianh là một dãy đền thờ, miếu mạo. Trẻ trâu bọn tui sợ không dám vào, nhất là miếu Nậy linh thiêng nổi tiếng. Sau này, khi chuyện thờ cúng không còn được coi trọng, đền miếu bắt đầu bị phá, đàn dơi bay đi kéo theo cả sự linh thiêng. Nhiều di tích chỉ còn là một đám cỏ cao với những bụi chứa rậm cùng vài ba con rắn.
Phía tây làng là thành Cao Lao in đậm trên những trang sử cũ, dấu ấn một thời mở nước. Tui còn nhớ 3 cây đa cổ thụ và những ngôi đền nơi đây. Sau hòa bình, lò ngói được xây dựng trên đất này rồi cả nghĩa trang liệt sỹ...
Làng tui nhìn về hướng nam, cách Trường Sơn hùng vĩ chỉ một cánh đồng hẹp. Đồng trên thường cạn có Lòi Nghè linh thiêng trấn giữ mặt tiền. Đồng dưới nước sâu hơn, một thời năn, lác lên ngôi. Chính giữa cánh đồng mênh mông nước đó mọc lên một cồn đất gọi là Cồn Cui mà ngày nay trở thành nơi cúng tế gọi trời kêu đất hàng năm của dân làng Hạ.
Vùng đất phía đông làng, ngoài mấy đền thờ cuối cánh đồng Đuồi còn có ngôi chùa rất lớn với toàn cây cổ thụ. Dấu tích chùa hầu như chẳng còn qua năm tháng. Ngày nay, nơi đây là đoạn khởi đầu đường rẽ từ QL1 đi Ba Trại.
Gần bảy, tám mươi năm mà làng như khoác lên mình áo mới. Cánh đồng chuyên tôm đã mọc lên phía bắc, đàng Bản trước làng kết nối 24 nhà thờ họ được cho là đẹp nhất miền bắc. Thành Cao Lao dấu tích còn đó. Nhiều gia đình vẫn gửi mộ phần người thân nơi đây cầu may. Đình gỗ xưa đã được thay bằng đình bê tông cốt thép, vẫn là nơi hội tụ tâm linh, sinh hoạt văn hóa của làng...
Cao Lao Hạ,
Quê cảnh dấu yêu,
Ngẫm xưa mà nhớ rất nhiều./.