Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Quy y Tam Bảo

Bài tổng hợp của anh Lê Anh Tuấn về lễ về Quy y Tam Bảo trong đạo Phật

 

HIỂU ĐÚNG VỀ QUY Y TAM BẢO

Nhân dịp đầu năm Qúy Mão 2023 Phật tử có những suy nghĩ, quan điểm sau: Quy y tam bảo có phải là đi tu không?

Thưa quý vị!

Từ lâu, đi chùa được coi là 1 nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam, dù cho bạn là ai, bạn đang ở trong hoàn cảnh nào thì cánh cửa Chùa vẫn luôn rộng mở để mỗi chúng ta đến giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình, cũng chính vì vậy, mà hiện nay nhiều bạn trẻ đang tạo cho mình thói quen đi chùa, vừa để cầu mong sức khỏe, bình an, vừa để cho tâm hồn được thanh tịnh. Tuy nhiên, khi nhắc đến việc quy y tam bảo hoặc là trở thành 1 người phật tử thuần thành thì có lẽ là chúng ta đang còn rất nhiều những băn khoăn, và để giúp quý vị giải đáp những băn khoăn đó. Vậy xin kính mời quý vị cùng chia sẽ những nội dung sau:

Trước hết có 1 câu hỏi mà không chỉ phật tử con mà tất cả quý vị cũng rất mong được nghe giải đáp đó chính là:

Quy y tam bảo nghĩa là gì?

Và tại sao chúng con nên quy quy y tam bảo ?

Quy y tam bảo chính là về nương tựa ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng, có nghĩa là chúng ta ngoài cái gia đình huyết thống của chúng ta, chúng ta có một cái nơi nương tựa về gia đình tâm linh đó chính là Đức Phật, Giáo pháp và các vị Tăng và đệ tử của Đức Phật.

 Vậy thì nếu như mà muốn quy y tam bảo thì chúng ta phải làm như thế nào?

Muốn quy y tam bảo thì trước hết là chúng ta phải có một niềm tin sâu sắc về Đức Phật về giáo pháp và chư Tăng. Sau khi tìm hiểu rõ về giá trị và ý nghĩa lễ quy y, bạn có thể tìm ngôi Chùa gần nhà hoặc có duyên với Chư Tăng, Ni thì bạn có thể đến để quy y.

Quy y Tam Bảo là nấc thang đầu tiên, là khởi điểm của lộ trình hướng đến giải thoát, là biểu hiện quan trọng và cơ bản nhất của sự giác ngộ trong tự thân của mỗi cá nhân.

Có những người cho rằng là khi mà quy y tam bảo rồi thì phải sống cho thanh tịnh, ăn chay … và thường xuyên trì tụng kinh mỗi ngày, thậm chí là không được kết hôn nữa. Vậy thì những cái suy nghĩ như vậy có đúng không ạ?

Trước hết chúng ta nên hiểu về ý nghĩa Quy Y.

Quy là trở về, y là nương tựa. Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa ba ngôi quý báu Phật, Pháp và Tăng. Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Pháp là những phương pháp tu hành do chính Đức Phật thân chứng và giảng dạy để diệt trừ si ám, đoạn tận mọi khổ đau. Tăng là đoàn thể đệ tử xuất gia, giữ gìn giới luật, sống chung hòa hợp, tu tập theo chánh pháp.

Sở dĩ Phật, Pháp, Tăng được tôn xưng là ba ngôi báu vì trên đời hiếm có và khó gặp.

Do vậy, được quy y, quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng trở thành người Phật tử là một duyên lành lớn trong đời.  

Khi quy y, đứng trước Tam Bảo, có sự chứng minh của Chư Tăng, Ni  phát  nguyện trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Từ đó được gọi là Phật tử. Một khi trở thành đệ tử Phật, cố nhiên sẽ được Tam Bảo soi sáng, che chở và hộ trì. Từ đây, mọi suy nghĩ, nói năng hay hành động sẽ nương theo chánh niệm và trở nên trong sáng. Chính nhờ việc tu tập chuyển hóa tam nghiệp mà cuộc sống được thăng hoa. Cũng chính nhờ việc chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp nên người đã quy y chắc chắn không còn bị đọa vào Tam đồ, ác đạo.

Tuy nhiên, quy y chỉ là nấc thang đầu tiên, người con Phật phải phát nguyện tu tập, tiến lên một bước nữa là thọ trì 5 giới để hoàn thiện nhân cách của một người Phật tử.

Năm giới cấm hay năm nhân cách của người Phật tử là “không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu”.

Người Phật tử đã quy y thường phát nguyện thọ trì năm giới, nhưng không nhất thiết người nào cũng phải trọ trì hết năm giới. Tùy theo khả năng và hoàn cảnh cá nhân, tự lượng sức mình để phát nguyện thọ trì. Sau một thời gian, nhận thấy lợi ích thiết thực của việc giữ gìn giới luật, nhân cách ngày càng hoàn thiện nhờ trì giới, lúc đó nên phát nguyện thọ trì hết năm giới.

Quy y Tam Bảo hay giữ giới không có nghĩa bị trói buộc, bị tước mất quyền tự do phóng túng cá nhân. Chính việc tuân thủ giới luật mà nhân cách cá nhân được hoàn thiện, đồng thời giúp cho bản thân và mọi người được an ổn, hạnh phúc và xa lìa mọi khổ đau. Hành trì, giữ gìn năm giới xuất phát từ ý thức tự giác, tôn trọng và giữ gìn hạnh phúc của chính mình, mọi người và mọi loài.

 Đối với giới thứ nhất Không giết hại, do “ Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con xin học theo hạnh Đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con”. Phát nguyện giữ giới Không giết hại vì tôn trọng sự sống, vì ý thức được khổ đau do giết hại gây ra. Do vậy, người giữ giới này hiện tại luôn sống trong an ổn, không sợ thù oán, thân thể khoẻ mạnh, không bị quả báo lột da, xẻ thịt ở đời sau. Nhờ không giết hại, môi sinh được giữ gìn, xã hội an ninh, thế giới hoà bình và an lạc.

Do “Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp gây ra, con xin học theo hạnh Đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài. Con nguyện không lấy làm của riêng bất cứ một tài vật nào của bất cứ ai. Con nguyện tôn trọng quyền sở hữu của kẻ khác và cũng nguyện ngăn ngừa không cho họ tích trử và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài”. Đó là nội dung của sự phát nguyện thứ hai Không trộm cướp. Vì tôn trọng tài sản và ý thức sự khổ đau do bị trộm cướp gây ra nên người Phật tử không trộm cướp. Người giữ gìn giới này hiện tại luôn sống trong thanh thản, không sợ tù tội, được người khác tin cậy, giao phó nhiều trọng trách, hưởng phước giàu sang; vì không gian tham nên không bị túng thiếu, mất mát và không bị “mang lông đội sừng” để trả nợ ở kiếp sau.

Vì “ Ý thức được hạnh phúc gia đình dựa trên nền tảng thủy chung, hòa thuận. Con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống tiết hạnh và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết hành động ngoại tình sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình con và hại đến hạnh phúc của người khác…” Đây là nội dung của giới thứ ba Không tà dâm. Người Phật tử ý thức được sự tai hại của việc tư tình nên phát nguyện gìn giữ. Lợi ích của sự tu tập Không tà dâm là thân thể khoẻ mạnh, gia đình ấm êm hạnh phúc, được mọi người tôn trọng, không có tình thù.

 Phát nguyện giữ gìn giới thứ tư Không nói dối vì: “Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin nguyện nói lời chánh ngữ và học hạnh lắng nghe để dâng niềm vui cho người và giúp người bớt khổ. Con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những lời sai với sự thật, những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều mà con không biết rõ. Con nguyện lắng nghe với tâm từ bi, để có thể hiểu được những khổ đau và khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ”. Người giữ giới Không nói dối luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, yêu thương. Không những không nói dối, người tu tập giới này còn góp ý, động viên, xây dựng và hoà giải với mọi người xung quanh làm cho gia đình và xã hội ngày càng thêm tốt đẹp.

Giới thứ năm Không uống rượu, nói một cách đầy đủ là không sử dụng rượu, ma tuý, các chất kích thích và gây nghiện, các thực phẩm có độc tố và văn hóa phẩm đồi trụy. Vì “ý thức được những khổ đau do sử dụng rượu và ma túy gây ra, con nguyện chỉ tiêu thụ những thực phẩm không chứa độc tố, không có tác dụng gây nên sự say sưa, nghiện ngập làm thân tâm mất tự chủ. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng ma tuý, không tiêu thụ những thực phẩm có độc tố kể cả văn hóa phẩm có nội dung bạo động, sợ hãi, thèm khát và hận thù”. Tu tập trọn vẹn giới thứ năm thì thân thể khoẻ mạnh, hạn chế được bệnh tật, trí tuệ sáng suốt, tuổi thọ tăng trưởng đồng thời tránh được tai nạn, lỗi lầm đáng tiếc do sự mất tự chủ gây ra.

Cho nên một khi đã phát nguyện quy y Tam Bảo thì sẽ trở thành cư sĩ Phật tử, tham vấn học hỏi  giáo lý, hộ trì chánh pháp, vẫn sống một cuộc sống bình thường giống những người bình thường khác; mình chỉ có khác ở chỗ  là chúng ta có một nơi để mình hướng về, có một cái nơi để mình yên tâm.

“Vì ở trên cuộc đời này nếu mà mình nương vào người khác thì người khác bỏ, nương vào núi thì núi có khi lở, nương vào sông thì nước có khi trôi”

Đức Phật giống như người cha hiền, Bồ Tát giống như 1 người mẹ yêu thương thì ở đâu chúng ta cũng cảm thấy an lòng, đến đâu cũng cảm thấy sự gần gũi.

Khi đã trở thành người Phật tử chân chính thì chúng ta bắt đầu thực hành những pháp căn bản như  ăn chay mỗi tháng 2 hoặc 4 lần, dần dần phát triển lên 10 ngày, hoặc tiến lên nữa là trường trai. Tùy vào hoàn cảnh và tâm thành của mỗi người mà phát nguyện ăn chay.

Phật tử vẫn được phép lập gia đình, sau đó dần dần Phật hóa gia đình, giúp mọi người trong nhà cùng nhau học Phật Pháp, cùng nhau tu tập, cùng nhau tụng kinh, trì chú niệm Phật để cùng nhau tiến bộ , cùng nhau giải thoát.

Việc có thể phát nguyện ăn chay trường và tung kinh hàng ngày thì liệu cái lợi lạc nó có được tốt hơn không ?

Rất là tốt hơn bởi vì chúng ta có thể tích lũy những công đức mình làm lành, mình ăn chay trường, mình lễ Phật, tụng kinh thì công đức của chúng ta là rất lớn và là nền tảng để trổ quả ngọt trong tương lai.

Sau khi chúng ta quy y thì, tâm chúng ta cũng rất  muốn dành khoảng thời gian trong ngày để tu tập. Tuy nhiên, thì do tính chất công việc cũng như là gia đình và bạn bè tác động vào thì chúng con chỉ có thể dành ra khoảng 30 phút để tu tập mỗi ngày thôi. Vậy thì, trong cái khoảng thời gian ít ỏi như vậy thì chúng ta  nên tu tập như thế nào? để mang lại được cái lợi lạc cho cả thân và tâm.

Trong cuộc sống này mình rất rất là dễ tu, nói dễ cũng dễ, nói khó thì cũng khó.

Ví dụ như đi trên đường từ chỗ nhà về đến cơ quan mình làm việc thì nếu mình có duyên với Đức Phật Bồn Sư Thích Ca Mâu Ni thì mình niệm Ngài, mình vừa lái xe; vừa chạy xe máy vừa niệm phật, Niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, Niệm Phật A Di Đà, hay là Bồ tát Quan Thế Âm, đều được cả. Như vậy, trên con đường đi mình đi 30 phút, về 30 phút đã là 1 tiếng đồng hồ tu tập, hay lên cơ quan lúc mình nghỉ ngơi, chúng ta niệm Phật hoặc là mình tụng một thời Kinh, Kinh thì không hẳn phải là ở trước tượng Phật mà mình ngồi trước máy vi tính, mình mở hình Phật lên hoặc là mình lật cuốn kinh nhỏ nhỏ mình mang theo mình tụng, hoặc là khi làm việc xong thì mình đi thiền hành, tĩnh lặng, mình tịnh tâm, mình tĩnh lặng đó cũng là tu tập.

Trong cuộc sống hằng ngày, mọi hành động, ý nghĩ mang đến hạnh phúc cho mọi người thì đó cũng là phương pháp tu, cùng giúp mọi người đều được an lạc trong hiện tại và giải thoát trong tương lai.

 Phải hiểu rằng: Tu là chỉnh sửa, tu là làm sao để mà mình hướng về Phật hơn chứ không hẳn quy y rồi thì chúng ta bắt buộc phải như thế này, như thế kia, hoàn toàn không bắt buộc. Ví dụ như  trong cuộc họp mình nghe triển khai của lãnh đạo, nhưng tâm của chúng ta đang tĩnh lặng, đang tha thiết lắng nghe, thấu hiểu những cái khó khăn mà công ty đang vướng phải, thì đó cũng là cách tu tập, nên hầu như là bất kỳ thời gian nào, hoàn cảnh nào, không gian nào chúng ta cũng tu tập, chứ không có quan ngại là phải hoàn toàn như thế này hay hoàn toàn như thế kia, hầu như không phải.

Sau khi quy y rồi mà chúng ta thực hành giáo pháp như  trì chú tiêu tai cát tường, chú dược sư hay là chú đại bi thì có được không ạ?, hay là bắt buộc là phải thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng kinh thì mới được ạ?

Nếu mà các vị quy y xong, các vị trì chú dược sư, chú đại bi, hoặc là niệm phật, hoặc là ngồi thiền tất cả đều được; không nhất thiết phải là theo hết một bài kinh. Nếu như theo được 1 bài kinh thì càng tốt, mình đọc kinh để mà hiểu nghĩa lý của Đức Phật giảng dạy, mình trì chú cũng như thế hoặc là mình ngồi thiền, mình quán chiếu hơi thở cũng như thể có nghĩa là làm sao chúng ta sống trong chánh niệm tỉnh thức. Nếu mà trì chú thì chúng ta phải yêu cầu cũng phải là nhất tâm bất loạn, niệm Phật cũng yêu cầu như thế, là nhất tâm bất loạn.

Có một thắc mắc mà tất cả chúng ta đều đang là rất lo lắng: “ Sau khi quy y mà chúng ta không có thời gian để lên chùa tham gia các hoạt động của nhà chùa cũng như là tham gia các thời khóa tụng kinh của nhà chùa mà chỉ có thể trì tụng tại gia thôi thì có được không ạ?

Sau khi quy y thì chúng ta cũng nên tinh tấn, ví dụ như là: ngày Tết, ngày Rằm tháng giêng, Rằm tháng 4, Rằm tháng 7 và các ngày vía Phật và Bồ Tát  chúng ta nên về chùa dâng hoa, dâng hương lễ Phật. Hằng ngày, hàng tuần hoặc vào những thời gian rảnh chúng ta có thể  nghe giảng pháp ở trên các kênh thông tin, hoặc xem trên An Viên, Youtube,  các diễn đàn về phật giáo v.v… thì cũng được chứ không hẳn là phải đến chùa mới được, bởi vì là lúc này ngôi chùa ở trong trái tim của chúng ta chứ không phải ngôi chùa bên ngoài, nhưng mà nói chung cũng nên hàng tháng thường xuyên lên chùa, chùa nào cũng được, không nhất thiết phải ngôi chùa mình quy y.

Đúng thật là cuộc sống của chúng ta có quá nhiều những bộn bề, nó không được thanh tịnh cho lắm, chính vì vậy mà rất là nhiều bạn trẻ đang tự hỏi rằng: liệu rằng sau khi quy y thì chúng con nên thực hành những cái pháp môn tu tập nào cho phù hợp ạ?

Trong cuộc sống này thì chúng ta là mỗi người là mỗi trình độ, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Đức Phật đã khai sáng ra con đường giác ngộ, pháp môn của Ngài vô lượng, vô biên (tám vạn bốn ngàn pháp môn) tùy căn cơ của từng chúng sanh mà Ngài giáo hóa .

 Sở dĩ chúng ta khổ đau là do xuất phát từ lòng tham, thì chúng ta có thể là quán bất tỉnh, có nghĩa là quán thấy, khi mà mình không còn nữa, mình trở về cát bụi mà da thịt này sẽ không còn đẹp đẽ như xưa, để chúng ta giảm bớt lòng tham.

Khi  sân giận, nổi lên thì chúng ta lại rèn luyện cách quán từ bi, yêu thương bản thân, yêu thương cả người bên cạnh, yêu thương mọi người.

Khi si mê nổi lên thì chúng ta quán chiếu về nhân duyên. Biết rằng sự có mặt và tồn tại của chúng ta là do rất nhiều yếu tố hợp thành tồn tại. Một khi thân thể bịnh và tứ đại tan rã thì chúng ta phải học cách chấp nhân, buông bỏ.

Khi chúng ta quá kiêu ngạo thì nên quán chiếu rèn luyện đọc kinh sách, trở thành người hiền hòa, thực tập và rèn luyện cho mình lối sống từ bi, hỷ xả, mình sống tự lợi và lợi tha,

Trên đây là tất cả lợi ích thiết thực của việc quy y và thọ trì 5 giới và thực hành pháp của người Phật tử. Chỉ có quay về nương tựa Tam Bảo và tu sửa nhân cách bằng sự thọ trì năm giới mới đem lại hạnh phúc, an vui cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đó cũng là lý do mà nhà Chùa thường khuyến khích và tổ chức cho mọi người quy y Tam Bảo.

 

 

Tác giả: Lê Anh Tuấn

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 1671

    Trong tuần: 25294

    Trong tháng: 75113

    Tổng số: 212308

    Đang online: 90