Bạn đọc yêu thơ đang cầm trên tay tập thơ mới Son ne em của Cảnh Giang. Tôi đã đọc một cách chăm chú tập thơ mà lòng cứ thảng thốt, khi ngậm ngùi, khi phấn khích. Sao lại Sonne em ? Là Sonne cho em hay sonne cho mình ? Tập thơ tình nồng cháy với 106 bài Sonne. Đây là lần đầu tiên tôi đọc một tập thơ dày của một tác giả Việt Nam viết chuyên về Sonne, chỉ trong một năm, từ tháng 7- 2012 đến tháng 7 năm 2013 mà đậm đặc đến thế. Hình như ngày nào Cảnh Giang cũng Sonne em. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cảm phục sức cảm, sức viết của Cảnh Giang nơi miền quê Thanh Trạch bên dòng sông Gianh cuồn cuộn ấy. Cả đời làm thơ tôi chưa viết được bài thơ Sonne nào. Tôi thấy các anh, các nhà thơ Xuân Hoàng, Lê Đình Ty, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ… thỉnh thoảng cũng có viết Sonne, nhưng không nhiều như Cảnh Giang.
Tập Sonne em toàn thơ tình, bắt đầu từ Sonne 11 đến Sonne 116:
Sonne 10 anh làm người phu mộ
Không khăn tang đau đớn tiễn em về
Một vòng trắng trên đầu nỗi nhớ
Không giữ được em rồi, căn bệnh tái tê
Nghĩa là có một hình bóng cụ thể để yêu và để “làm người phu mộ” khi “không giữ được em”. Bởi thế mà Sonne này ta gửi nửa vầng trăng…Hay Ta hóa thành xanh mát một dòng sông…Sự khắc khoải ấy là cái chất toát lên toàn bộ tập thơ Son ne em.
Sonne (Sonnet) là thể thơ cổ bắt nguồn từ Châu Âu.Theo tiếng Italia: "Sonnet" nghĩa là bài hát nhỏ. Ở Việt Nam quen gọi theo tiếng Pháp là Xônê. Cách gọi Sonnet (một bài thơ hay, một bài hát nhỏ) đã được thể hiện đúng sự ngắn gọn trong dung lượng một bài thơ. Với tư cách là một thể thơ hoàn chỉnh, Sonnet bắt nguồn từ Italia vào khoảng thế kỷ XIV - XV. Về nguồn gốc của Sonnet, nhà văn Thái Bá Tân cho rằng: “người sáng tạo ra nó có lẽ là những nhà thơ Provence (Pháp) và được phát triển tới đỉnh cao nhất trong tác phẩm của các nhà thơ Italia vĩ đại thời Phục Hưng, là Dantê và Petrach.
Đây là thể thơ dùng để thể hiện nỗi đau mất mát, cảm xúc trong tình yêu. Có lẽ vì vậy mà thể Sonnet "có duyên" với việc thể hiện nỗi niềm của tình yêu. Cho đến thế kỉ XVI, được coi là đỉnh cao của sự phát triển thể Sonnet khi niêm luật của nó được phổ biến rộng rãi qua nhiều cây bút châu Âu, trong đó có Anh, đặc biệt làShakespeare. Ông viết Sonnethay tới mức người ta gọi Sonnet Shakespeare. Sonnet là thể thơ có niêm luật chặt chẽ như thơ đường luật của Trung Quốc. Sonne nghiêm ngặt cả về cấu trúc lẫn quy tắc gieo vần và nhất thiết bao giờ cũng gồm 14 câu, mỗi câu 10 âm tiết. Ở Việt Nam nhiều người viết Sonne 8 âm tiết, 7 âm tiết, có khi 6 âm tiết hoặc Xônê theo thể lục bát. Đó là sự sáng tạo mới làm cho Sonne mềm hơn, sinh động hơn.
Sonnet cổ điển được chia thành bốn khổ, hai khổ 4 câu và hai khổ 3 câu với hệ thống gieo vần đặc trưng. Trong khổ thứ nhất, ngay câu đầu tiên, tác giả phải trình bày chủ đề bài thơ, nghĩa là phải giới thiệu cho người đọc những gì mình định nói, và chủ đề ấy được phát triển tiếp ở khổ thứ hai. Trong hai khổ ba câu còn lại, tác giả sẽ trình bày cách giải quyết vấn đề đã nêu ở hai khổ trên và những kết luận rút ra từ suy nghĩ của người viết.
Thơ Sonne Cảnh Giang nhuần nhuyễn cấu trúc, vần luật, trình bày chủ đề và giải quyết vấn đề trong từng bài thơ rất phù hợp với từng cung bậc tình cảm. Ví dụ ở bài thơ Son ne 12, mở đầu là Sài Gòn ơi ! Ngày trông đêm đợi. Nghĩa là chủ đề là nhớ Sài Gòn, tức là nhớ hình bóng Sài Gòn, nhưng do cách xa nên “ngắm bức hình mà tay chẳng cầm tay /Má áp má mà người ơi, thăm thẳm, rồi điện thoại, tin nhắn, thư điện tử vẫn “thiếu bao điều muốn nói”. Để rồi cuối cùng ba câu kết đẩy sự nhớ nhung lên đến đỉnh : Biển khơi xa thương lắm đầu nguồn / Càng nhàn rỗi càng thấy mình hưu quạnh / Ngày lại ngày trong khao khát đơn côi. Nghĩa là “bài hát nhỏ” ( tức sonne) của tác giả đã được gửi đi, đã được hát lên như ước nguyện.
Son ne em của Cảnh Giang không chỉ có em nào đó hữu hình hay vô hình để nhớ để mong, mà còn có cả cảnh sắc quê hương đã thành tình yêu cật ruột như Động Thiên Đường, Hang Tiên ở chốn Phong Nha huyền hoặc, hay xứ Huế với cầu Tràng Tiền, dòng Hương mơ mộng. Cảm xúc mở rộng ra như thế làm cho tập thơ không đơn điệu:
Hang tiên ơi! ngoài kia nắng lửa
Vào lòng hang bỗng mát rượi tâm hồn
Ở ngoài kia bão giông lạnh giá
Trong lòng hang hơi ấm ngọn nguồn
( Son ne 24)
Cuộc sống bây giờ “ cơm áo không đùa với khách thơ”, thế mà Cảnh Giang vẫn say mê với thơ, say mê với Son ne thì thật đáng quý, đáng trân trọng. Sonne Cảnh Giang như biển, cứ dào dạt từng đợt sóng nhỏ tỉ tê. Ôi! Tình yêu trong khô cháy si mê / Để Sonne cho em, viết lên trời xanh bất tử ( Sonne 99).
Với tất cả niềm yêu mến “những bài hát nhỏ” Sonne Cảnh Giang. Tôi trân trọng mời bạn cùng với tôi đọc lại lần nữa tập thơ Sonne em của nhà thơ Cảnh Giang.