Lễ Vu lan đã qua, nhưng tình cảm với dấng sinh thành thì muôn đòi vẫn "cao như núi Thái sơn" vẫn nhiều"như nước trong nguồn chảy ra"chẳng bao giờ phai mòn, vơi cạn. Anh Lê Văn Thừ đã có bài thơ về Mẹ với tứ thơ độc đáo. Xin giới thiệu để mọi người cùng thưởng thức:
Con sinh ra tấm áo Mẹ đã mang
Màu đen đã bạc cùng sương gió.
Buổi sớm mai thơm mùi cây cỏ,
Lúc chiều về mang nặng mùi rêu.
Gánh nước trên vai bóng mẹ liêu xiêu,
Chân vội bước trên đường làng oi ả.
Vì con thơ Mẹ nhọc nhằn vất vả,
Vạt áo dài mẹ lau giọt mồ hôi.
Môĩ đêm về con nằm gọn trong nôi
Trong vòng tay một thời thơ dại
Gió rít mạnh ngoài thềm tê tái,
Vạt áo dài Mẹ ủ ấm đời con.
Các con lớn khôn mỗi người một ngã
Vì chiền tranh thêm gánh nặng nhọc nhằn
Chiếc áo đen xưa đã bạc thêm màu
Mẹ dành dụm mong đủ tiền thay thế
Vai áo sờn, Mẹ lần tìm mảnh giẻ
Thiếu chỉ khâu mẹ chằng chịt nhiều màu.
Giá lạnh đêm dài thao thức canh thâu
Tấm áo rách, vá lành theo tay Mẹ
Ngôi nhà tranh héo mòn lặng lẽ
Tấm phên thưa phơi áo gió lùa
Ngày lại ngày trên lưng cõng bốn mùa
Che nắng, che sương mong đời con khôn lớn
Đến hôm nay Mẹ không còn khỏe,
Áo lụa mềm trên người Mẹ khác xưa
Vẫn nhớ hoài những buổi sớm trưa
Tấm áo đen mang bóng hình của Mẹ.
Lê Văn Thừ
Lời bình của anh Lưu Văn Quỳnh:
Mấy ngày trước tết Vu lan,tôi định giới thieu và viết lời bình về thơ của anh. Nhưng rồi lực bất tòng tâm. Nay thì đã mụôn. Nhưng muộn còn hơn không. bởi tôi thấy bài thơ hay quá. Cái tình trong thơ anh đậm đà, sâu nặng quá. Cái tứ trong thơ anh cũng mới lạ, khiến tôi không thể đừng được.
Thơ viết về Mẹ đã nhiều, thơ của người Cao Lao lại càng nhiều. Chỉ riêng trong tập Hương sắc Cao Lao cũng có đến bảy, tám bài. Và chỉ vài tháng nay trên trang báo làng ta đã đăng những bài của anh Thành, bác Vinh viết về Mẹ rất xúc động, nhiều lời bình lý thú tâm đắc, ai đã đọc chẳng thể nào quên.
Hôm nay đọc TẤM ÁO ĐEN CỦA MẸ, tôi rất thích tứ thơ mới lạ mà anh đã chọn. Đó chính là nét riêng làm nên vẻ đẹp của bài thơ này.
Thương yêu Mẹ, tự hào về Mẹ nhưng anh không đi sâu mô tả, kể kẻ những nhọc nhằn, hôm sớm vói bao dãi nắng dầm mưa, với xuống bể, lên nguồn vốn đã trở nên quen thuộc. Thơ anh chỉ mượn hình tượng tấm áo đen của mẹ như một thủ pháp nghệ thuật để nói đến bao điều.
Bốn câu thơ khổ 1 câu nào cũng hay, cũng đẹp.
Con sinh ra tấm áo Mẹ đã mang
Màu đen đã bạc cùng sương gió.
Ôi cái mùa đen ấy, thế hệ trẻ hôm nay với bao sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng… làm sao biết được.
Với anh, với tôi, với thé hệ U 6,7 chục trở lên làm sao quên được cái TẤM ÁO ĐEN MẸ đã khoác trên lưng hàng chục năm dài.
Cái màu đen ấy không phải màu đen mềm mại của phíp, không phải màu đen nuột nà của lụa, lại càng không phải màu đen óng ả của sa tanh mà là cái màu đen thô mộc của vải phin được nhuộm phẩm hay ngâm trong ao bùn, củ nâu củ ráy. Cái màu đen của sự nhọc nhằn, gian khổ, của đói nghèo, vất vả, gian nan. Đáng nói hơn cái màu đen ấy khi anh sinh ra "đã bạc cùng sương gió" rồi. Mẹ anh đã khổ khi anh còn trong trứng.
Hai câu tiếp theo với những hình ảnh thật đẹp:
Tấm áo đen, sáng thơm mùi cây cỏ
Lúc chiều về mang nặng mùi rêu.
Gian khổ nhọc nhằn là vậy, suốt ngày lam lũ với ruộng vườn. Sáng cây cỏ, chiều rong rêu nhưng người đọc vẫn thấy ở mẹ hiện ra sự thanh thản, nhẹ nhàng bởi anh đã khéo chon được hai từ thật đắt (thơm) và (mang) trong hai câu thơ dó. Thử thay hai từ đó bằng hai từ khác, ví như:
Tấm áo đen sáng nay (CHỈ, TOÀN) mùi cây cỏ
Lúc chiều về (LẠI, CÀNG) nặng mùi rêu
thì ý thơ đẫ khác rất nhiều.
Sáu khổ thơ còn laị khổ nào cũng có hình ảnh tấm áo. Nhiều nhưng không trùng lặp, nhàm chán vi mỗi lần xuất hiện là tấm áo lại gắn với một việc làm, môt phẩm chất của mẹ. Cái nào cũng cảm động, cao cả. Trong nghệ thuật thơ ca đó gọi là phép tu từ điệp từ ngữ
- Khổ 2: Mùa hè oi ả, vạt áo dài mẹ lau giọt mồ hôi con
- Khổ 3: Mùa đông đêm về tê tái, vạt áo dài ủ ấm đời con.
- Khổ 4, Khổ 5: Chiến tarnh tàn phá, đời sống càng thiếu thốn - Mẹ càng chắt bóp dành dụm, Mẹ phải vá chằng chịt bao sợi chỉ khác màu…'áo rách vai lại vá lành theo tay Mẹ"
- Khổ 6; Anh khái quát: Cả đời Mẹ "ngày lại ngày cõng trên lưng cả bốn mùa che chở cho con, chỉ mong con khôn lớn.
- Khổ 7: khi xuất hiện tấm áo lụa, đời mẹ đã đổi thay thì cũng là lúc chiếc áo đen mang bóng hình của Mẹ lại hiện về
- Câu kết bài thơ như khắc, như chạm, như đóng đinh vào tâm trí người đọc: Hình ảnh người Mẹ trong bài thơ chính là người Mẹ cửa chúng ta. Những người Mẹ Cao Lao suôt đới lam lũ hi sinh vì con cái. Đang yêu. Đấng Quý. Đáng trân trọng biết bao những người Mẹ bình thường nhưng vô cùng cao cả đó
Cám ơn anh Thừ đã nói hộ chúng tôi lòng yêu thương, kính trọng đối với bà Mẹ CAO LAO cũng như bao bà Mẹ VIỆT NAM