Tác giả Nguyễn Văn Khiêm
TẢN MẠN VỀ ĐỒNG HỚI, QUẢNG BÌNH
Tui là dân làng Cao Lao Hạ, một vùng quê thuần nông, bên bờ nam sông Gianh, cách Đồng Hới chừng 30km. Họ hàng nhà tui trước đây nghèo lắm nên con cháu it người được đi xa, chỉ quanh năm trong lũy tre làng.
Làng tui chỉ có họ Lưu Quan, họ của cụ Lưu Trọng Lư là con cháu có nhiều người học cao, tài giỏi, được nhiều người nể trọng; còn các họ khác thì sàn sàn như nhau cũng có nhiều người tài giỏi nhưng không được nổi tiếng như người họ Lưu Quan.
Trước năm 1968, lúc rời quê, hầu như tui chưa được vô Đồng Hới lần nào. Duy có 1 lần trường cấp 1 tổ chức đi tham quan Thanh Khê cách nhà 6km là xa nhất. Tui nhớ rất rõ là vì dịp đó, tui mua được bức ảnh Bác Hồ tay cầm điếu thuốc, có làn khói nhẹ bay lên trông như nơi tiên cảnh.
Quảng Bình yêu thương, tuyến lửa một thời chống Mỹ. Đoàn quân nào vào Nam chiến đấu mà nọ đi qua Quảng Bình, yêu Quảng Bình nên mới đặt cho cái biệt danh "quê bọ". Những chứng tích như tượng đài Mẹ Suốt, hang Tám Cô, phà Gianh, Long Đại, Xuân Sơn... là minh chứng cho cái thời hào hùng của đất Quảng Bình trong những năm chống Mỹ.
Một mai, khi tên Quảng Bình hòa vào Quảng Trị thì chắc cũng yên lòng vì dù sao, không có sự hy sinh nào có thể sánh với thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, cảng Cửa Việt. Chứng tích là mênh mông đài liệt sỹ Trường Sơn với hàng vạn tên tuổi nằm đó. Vẫn biết rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng Quảng Trị xứng đáng được mang danh giãi đất anh hùng này. Và Đồng Hới vẫn mãi là thủ phủ của quê hương yêu dấu.
Một phần Đồng Hới được chụp bằng máy Compact
Ảnh trên chụp năm 2018 khi mạ tui bệnh, nằm ở bệnh viện Việt Nam Cu Ba. Hôm đó, nhìn ra xa, Đồng Hới yên bình quá, đẹp quá trong nắng chiều. Vậy mà nghe nói thành phố tui yêu sắp thành phường xã.
TẢN MẠN VỀ LÀNG CAO LAO HẠ
Vậy là, cái tên Cao Lao Hạ vĩnh viễn sẽ đồng hành cùng với làng tui. Cao Lao Hạ đã có tự bao giờ và cũng tự bấy giờ dân quê tui đã mang hồn vía nó trên vai mà tự hào, nhung nhớ, thương cảm.
Tui sẽ bộc bạch rằng, tui quê ở làng Cao Lao Hạ chứ không phải Hạ Mỹ, Bắc Trạch hay Quảng Trị nào cả. Cao Lao Hạ có hơn 210 liệt sỹ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến; từng một thời rực trong tuyến lửa, dân phá nhà làm hầm và đảm bảo giao thông bằng xương máu. Đoạn ngầm Nam Gianh có đêm xối xả bom rơi, hàng trăm TNXP bị thương nằm tràn sân hợp tác. Và những anh hùng Cao Lao Hạ bao năm vững tay phà đưa chiến sỹ, xe cộ vượt sông Gianh. Quên sao những tháng năm bom đỏ lửa Ba Trại, Dốc Oằn. Tuổi thơ, tui từng nằm ngửa trên đồng chứng kiến máy bay Mỹ thay nhau đảo hướng ném bom căn cứ hải quân Thuận Bài. Và phà Gianh, chứng tích một thời hào hùng chống Mỹ...
Cao Lao Hạ luôn trong trái tim tôi. Cho dù tên xã, tỉnh có thay đổi thế nào thì làng tôi vẫn là Cao Lao Hạ; một làng quê mà mỗi lần trở về, khi xe ngang qua Thuận Bài là lòng thấy xốn xang bởi bên kia bờ dòng Linh Giang là quê hương tui đó.
Ảnh trên là tui chụp trong 1 lần đi dạo khắp làng lúc bình minh