Thầy đã thôi ở trọ trần gian

08:48 - 06/05/2019

Nhớ lại ngày mất của PGS. Lưu Đức Trung (ngày 7 tháng 4 Âm lịch) gần 2 năm trước qua bài viết của Đặng Uyên với lời dẫn của anh Đặng Văn Quang.

Thầy đã thôi ở trọ trần gian

Lời anh Đặng Văn Quang: Hai năm trước giáo sư Lưu Đức Trung đã về cõi hạc. Học trò của ông Đặng Uyên (FB Cúc Mi) đã có một bài viết tràn đầy cảm xúc, thật lòng như người ruột thịt. Tôi đăng lại đây để thấy tình người là Vĩnh cửu. Và cũng để ta học thêm về bài học tu dưỡng nhân cách làm người, lưu tiếng thơm muôn thuở.

 

THẦY ĐÃ THÔI "Ở TRỌ TRẦN GIAN..."


Tôi hay gọi Thầy Lưu Đức Trung là "Sư phụ của Sư phụ". Vì Thầy là Thầy của Cô Bích Thuý, người đã hướng dẫn tôi làm Luận văn Cao học "Nghệ thuật kịch Rabindranath Tagore". Cô bạn thân Đại học Nhã Trúc làm "mai mối" cho tôi gặp cô Bích Thuý, người mà cậu bạn học chung bảo: "Hễ cô dạy văn học Lào thì giống người Lào, dạy văn học Ấn Độ thì giống người Ấn Độ...". Những vấn đề khó khăn, cô chỉ bảo tận tình và khuyến khích tôi tìm hiểu sâu hơn. Rồi cô bạn Trúc lại "đưa đường chỉ lối" cho tôi được tiếp kiến Đại Sư phụ, Thầy Lưu Đức Trung.

Lần gặp Thầy đầu tiên, bản thân tôi lo sợ khi nghĩ Thầy- bậc Thầy văn học Ấn Độ trong giới nghiên cứu ắt hẳn người nghiêm khắc. Tôi chuẩn bị kĩ những câu hỏi về các vấn đề trong bài viết, vậy mà khi gặp Thầy, tôi quên hết... Tôi quên vì bản thân thấy thật nhẹ nhõm, vì cười nhiều, vì thanh thản và yên đến lạ khi tiếp xúc với "Ông già Haiku"... Quán cà phê Thầy chọn cũng lạ, một quán nhỏ yên lặng giữa con ngõ sâu, cỏ cây và hồ nước choán hết không gian. Sau này tôi mới biết Câu lạc bộ thơ Haiku Việt do Thầy làm Chủ nhiệm hay họp ở đấy...

"Ông già Haiku" nhỏ nhắn, tóc bạc trắng như mây, giọng nhẹ nhàng, ấm áp tiếng Quảng Bình...

PGS. Lưu Đức Trung tặng sách cho trường Lưu Trọng Lư năm 2015

Năm ấy, Thầy 80 tuổi, vẫn ngồi làm Chủ tịch Hội đồng buổi bảo vệ của tôi. Thầy điềm tĩnh, nhỏ nhẹ. Có Thầy và Cô Bích Thuý trong Hội đồng, sự hồi hộp và sợ hãi của tôi giảm đi phần nào... Bây giờ nghĩ lại, hôm ấy nếu không có Thầy chủ toạ, tôi sẽ "điêu đứng" không yên... Thầy dung hoà những lắt léo, Thầy chở che những khó khăn, Thầy động viên, khích lệ và mở cho tôi con đường thông suốt...

Tôi mãi mang ơn Thầy, Cô Bích Thuý, cô Thanh Tâm (Thư kí HĐ hôm ấy)...

Thầy làm cho tôi và người khác hiểu rằng: hãy khích lệ cho sự cố gắng hết mình của người bảo vệ Luận văn, hãy trân trọng thành quả của học viên, việc học R.Tagore là việc học đòi hỏi thời gian cả đời người... Và, không cần thiết phải dụng "dao vàng giết gà"...

Vẫn nhớ rõ căn nhà của Thầy, hoa nắng ở sân nhà Thầy, góc bàn Thầy tiếp khách, và trà  ô long thầy hay uống trong ấm đất nâu... 

Tôi quý Thầy hơn cả một người Thầy. Tôi biết Thầy cũng quý mến tôi...

PGS. Lưu Đức Trung thăm trường THCS Lưu Trọng Lư năm 2015

Rồi khi lập gia đình, có con... Thi thoảng vẫn nhắn tin hỏi thăm Thầy, vẫn nhận được hồi đáp của Thầy... Rồi tôi xa dần liên lạc với Thầy, phần vì tạm gác việc học, phần vì thấy bản thân không thể theo đuổi việc nghiên cứu một tên tuổi lớn như R. Tagore. Và nguyên nhân chính, vì tôi trót lao vào vòng xoáy mưu sinh chốn Sài thành, tôi đã cho phép mình một cách chính đáng xa rời liên lạc với Thầy, Cô... 

Tôi vẫn nghĩ, vẫn mãi tạc trong lòng ơn nghĩa của Thầy và Cô. Và lấy những điều tốt lành ấy đi gieo tiếp những hạt mầm tri thức và tình cảm trân quý cho những thế hệ học trò.

Một ngày là Thầy, mãi mãi là Thầy...
Thầy như ông Tiên, ông Bụt, hiền lành, nhẹ nhàng trở về cõi Phật...
Thầy tôi đã không còn "Ở trọ trần gian" nữa...

Còn 2 ngày nữa thôi là sinh nhật Thầy, Thầy không chờ mọi người sao...
Ngồi giữa cỏ cây mùa hè, nắng miền Trung chói chang, nhưng lòng tôi lại đang tích tụ những đám mây đen vần vũ... 

"Vẫn biết trời xanh kia là mãi mãi,
Mà sao nghe nhói ở trong tim..."

Tôi không khóc, chỉ nhói đau trong lòng. Nước mắt tôi không rơi, nhưng con tim lặng câm lỗi nhịp.... khi hay tin Thầy ra đi...

Sinh-Lão-Bệnh-Tử, gặp gỡ và biệt ly...

"Con xin đưa tiễn Thầy từ trong Tâm con. Con xin từ giã đôi bàn tay gầy guộc tựa tấm hạc trắng hao gầy..."
Phương xa, Thầy tôi chắc đã được gặp Tagore và các bậc hiền nhân. Khu vườn trần thế nở rộ hoa - những thế hệ học trò của Thầy, những bông hoa trăm hương sắc do bàn tay Thầy ươm mầm, chăm sóc. Thầy tôi tiếp tục cuộc hành trình của "Người làm vườn"- ở bên kia Thế giới....

Bình yên, Thầy ơi...!

PGS. Lưu Đức Trung tại lễ kỷ niệm 5 năm caolaoha.com năm 2015

Bình luận

Bài viết liên quan

Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip