Thầy tôi

10:17 - 18/04/2019

Bút ký của anh Lưu Văn Quỳnh về những kỷ niệm trong những ngày cuối cùng trước lúc ra đi của PGS. Lưu Đức Trung

Thầy tôi

(Ảnh: PGS. Lưu Đức Trung và anh Lưu Văn Quỳnh)

Hà Nội cuối xuân đầu hạ mà sáng nay trời vẫn còn se se lạnh. Xe chúng tôi lòng vòng một quãng  khá xa trên đê Yên Phụ rồi tấp vào quán trà sen bên bờ Hồ Tây . Chưa kịp yên vị vợ tôi đã thốt lên.

  - Ô! Năm ngoái chú Phùng ra dự gặp mặt họ Lê toàn quốc cũng vào quán này đây.

  - Ừ đúng  rồi. Này chú Hải ơi, thế năm trước anh em mình và thầy Trung bình thơ Haiku và thưởng thức cháo cá thì ở quán mô?

  - Ở tận bờ bên kia mà anh! À sắp đến ngày giỗ của chú Trung  rồi đấy. Anh chuẩn bị viết bài nha!

Ngắm những làn hơi nhẹ thoảng hương bay lên từ chén trà sen, lòng bồi hồi khôn tả. Nhanh thật, mới hôm nào đó nay đã mấy năm rồi. Trước mặt tôi, trong tâm trí tôi thầy vẫn hiện về mồn một.

Thầy tôi đó:

Ngoại bát tuần như bụt như tiên

Cặp kính màu nâu, ánh mắt dịu hiền

Áo trắng tinh khôi , nét cười rạng rỡ.

Thầy tôi đó:

Nhà giáo , nhà thơ , nhà khoa học, thiền sư.

Trí tuệ uyên thâm, nghệ sĩ tài hoa.

Cốt cách thanh cao, cuộc đời giản dị

Đứng trước thầy mình như được bình yên.

Ôi một bậc hiền nhân như thế vẫn không cưỡng được quy luật của tạo hóa muôn đời...vài tuần nữa thôi là ngày giỗ của thầy rồi.

Biết viết gì đây khi bao tâm huyết tôi đã dồn hết vào hai bài THẦY TÔI  và NHỚ NGÀY THẦY ĐƯA HAIKU VỀ LÀNG từ dịp trước.

Ngồi trên xe, lòng dạ cứ nghĩ mông lung. Về tới nhà bước vội vào phòng đọc. Không biêt ngẫu nhiên vô tình hay thầy linh ứng hiện về mách bảo mà tôi lấy ngay cuốn tự truyện KỈ NIỆM ẤM LÒNG của thầy. Lật mở đúng trang 96, nơi tôi đã gạch sẵn bằng bút phủ màu xanh ba dòng tự bạch của thầy: “ Cao Lao Hạ là quê cha đất tổ của tôi, nhưng tôi không có được may mắn sống lâu ở đó nên giọng nói của tôi có khác. Tính đến nay tổng cộng tôi sống ở quê chín, mười tháng là cùng”.

Chao ôi có ai ngờ, một người như thầy:

Thực sống ở quê chưa trọn năm trời,

Chỉ rày đây mai đó những miền đất xa xôi

Lòng luôn hướng về Cao Lao quê cha đất tổ.

Đến khi sắp từ giã cõi đời vẫn ấp ủ một điều giản dị nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng: Được trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.

A đây rồi! Đúng rồi, tứ cho bài viết của tôi đây rồi! Tôi sẽ viết!

Từ trong thinh không, cúi xin thầy đại xá. Cho con được ghi lại đôi điều con đã chứng kiến phần nào những giờ phút lâm chung của thầy.

...Còn nhớ vào những thời khắc như ngày hôm nay hai năm trước. Mèo Con (biệt danh thầy đặt cho cô học trò Thùy Linh –kính mến thầy từ những bài thơ Haiku, coi thầy như ông nội) hớt hải phôn cho tôi:

  - Bác ơi! Cháu mới ở Sài Gòn ra, ông yếu lắm rồi. Ông nhắc đến bác và chú Hải luôn. Bác vào được với ông lúc này thì tốt quá .

  - Ừ để bác tính. Chú Hải thì không thể  được rồi, bác thì đang yếu không đi xa một mình lúc này được. Nhưng chắc chắn bác sẽ vào, yên tâm đi cháu nha.

Suy đi tính lại, chẳng cách nào hơn, đành gọi Lê Chiêu Phùng ra rồi cùng đi.

Lơ lửng giữa tầng không lòng cũng chơi vơi trăm mối. Rồi chợt nhớ lại buổi hàn huyên đầm ấm trong lần thầy về thăm, tặng vợ chồng tôi bức thư pháp:

Ánh trăng lấp lánh

Cành quỳnh đung đưa

Hoa nở trắng đêm.

Mấy thầy trò, cậu cháu phẩm bình thú vị. Nhân hứng tôi mở phôn đọc bài thơ Thầy Tôi đã ghi âm sẵn đáp từ. Thật không ngờ, nghe xong lặng lại hồi lâu thầy gọi tôi và Phùng xích lại gần hơn rồi bảo:

Anh Quỳnh có giọng đọc thơ thật hay. Vừa giọng miền Trung lại pha giọng Bắc. Âm vang truyền cảm. Tôi muốn sau này khi tôi qua đời sẽ được nghe đọc bài thơ này thay lời điếu văn trong ngày lễ tang và sau đó cho tôi về yên nghỉ trên đất Cao Lao quê cha đất tổ của mình.

Nghe những lời dặn dò của thầy lòng tôi sững sờ cảm động biết bao. Thầm hứa  sẽ làm tất cả những điều thầy dặn trong khả năng có thể.  Hôm nay cho dù chúng tôi chuẩn bị tâm thế kĩ càng nhưng vẫn mong thầy tai qua nạn khỏi.

Ra khỏi cửa nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, xe của Kim Thanh (trò của thầy) đã đợi sẵn đưa chúng tôi về thẳng bệnh viện Nguyễn Trãi nơi thầy đang điều trị.

Thầy nằm đó dáng hình teo tóp, lép xẹp. Hai mắt lờ đờ. Đôi môi nhợ  nhạt, héo hắt. Trông chẳng khác chi cành lá khô chỉ cơn gió nhẹ là rơi về với đất.

Ngồi xuống bên thầy, Lê Chiêu Phùng vừa cất tiếng:

  - Cậu ơi ! Cháu và anh Quỳnh...

  - Cút! Cút ngay, chúng mày vào đây làm gì? Chạy mau không máy bay Mỹ ném bom chết cả bây giờ!

  - Cậu, cậu ơi cháu mà... Cháu là Phùng con bố Sâm và anh Quỳnh trò thầy từ Hải Dương vào thăm, mà sao cậu lại đuổi. Hòa bình rồi làm gì còn máy bay Mỹ nữa. Cậu mê à?

  - À, ừ hòa bình thật rồi à. Thế Hằng đâu?  Hải và Quang đâu...

  - Dạ các anh, chị ấy đang mắc việc, hẹn hôm nào cậu khỏi sẽ vô đón cậu về làng đọc thơ Haiku cho bà con nghe nữa chớ.

  - Thế à...

 Biết đây là những lúc tỉnh táo hiếm hoi của thầy, tôi khẽ  khàng:

  - Thưa thầy hai năm trước ra Hải Dương thầy có dặn con và chú Phùng đây những việc gì chắc thầy còn nhớ. Nay thầy tuổi cao sức yếu “sinh lão bệnh tử” thầy đã biết rõ quy luật hình hài của nó. Nhỡ mai đây thầy có mệnh hệ gì về theo tiên tổ, vậy nên con xin thưa lại đôi điều:

  - Chúng con hứa cùng bà con, họ hàng đưa thầy về quê như  ý thầy mong muốn. Còn việc thứ hai: Đọc bài thơ Thầy Tôi của con thay lời điếu văn trong lễ tang thầy thì mong thầy tha thứ, cho con được cáo từ. Con sợ rằng như thế e có điều gì thất thố. Con chỉ xin được đọc nó là lời viếng của riêng con. Nếu được thầy đồng ý con sẽ chữa lại đoạn bốn câu thơ kết cho phù hợp và ngay bây giờ sẽ đọc trước để thầy nghe.

 Thầy gật đầu.

 Ngồi xuống bên thầy đưa phôn  gần tai thầy, tôi bấm máy:

Hôm nay từ giã cõi trần

Thầy về chốn Tây Phương cực lạc

Rừng thông  Kì Sơn rì rào tiếng hát

Sóng nước Linh Giang dào dạt lời ru

Đón thầy về yên giấc ngàn thu

Thầy sống mãi giữa lòng quê Đất Hạ.

Kì lạ thay! Âm hưởng câu thơ kết vừa lắng xuống, thầy tôi như hóa thành một con người khác: Đôi mắt long lanh,  rạng ngời. Khuôn mặt giãn ra, sáng láng. Cặp môi tươi hồng trở lại. Hỏi han , nhắc nhở bao điều. Chúng tôi mừng thầm ngỡ rằng rồi đây thầy sẽ tỉnh. Sức khỏe phục hồi, bệnh tật sẽ lui...Vậy mà..!

Chỉ vài tuần nữa thôi là đến ngày lễ đại tường của thầy. Trong tôi lại bồi hồi tưởng nhớ cái thời khắc mà tôi may mắn hạnh, phúc được chứng kiến giây phút kì diệu rạng ngời trên khuôn mặt thầy trong giờ phút lâm chung. Gần hai năm rồi hình ảnh đó luôn hiển hiện trong tôi với bao trăn trở, suy tư vì những lời hứa với thầy vẫn còn dang dở.

Và hôm nay xin mượn ý thơ trong bài Quê Hương của Đỗ Trung Quân để kết lại bài viết của mình như một nén tâm nhang tưởng nhớ thầy trong ngày lễ trọng:

Quê hương là gì hỡi bạn

Thầy tôi trong phút lâm chung

Khi nghe được về với Kì Sơn, Linh Thủy (*) 

Mắt sáng bừng lên. Mãn nguyện vô cùng./.

 (*) Hai địa danh làng Cao Lao Hạ

 

Hà Nội, ngày 17/4/2019

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip