Thím tôi

09:45 - 28/02/2021

Bài viết của anh Đặng Văn Quang về mệ Lưu Thị Thám, người thím, người y tá của làng những năm chống Mỹ

Thím tôi

Mệ Lưu Thị Thám (ảnh Lưu Văn Lộc)

Thím tôi tên là Lưu Thị Thám, là con cháu thuộc dòng Họ Lưu Quan làng Cao Lao Hạ, một trong những dòng họ danh giá của xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Thím lấy chú tôi hồi nảo hồi nào tôi không biết, lớn lên tôi đã thấy chú thím thật đẹp đôi, người cao ráo, tầm thước, nhanh nhẹn vui tươi, đi đâu cũng có nhau, như cặp Sam sau rào vậy.

Những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thím tôi làm y tá ở trạm xá xã, thím có giọng nói nhẹ nhàng, bàn tay khéo léo, cử chỉ ân cần… thím đã băng bó, cấp cứu cho không biết bao nhiêu người bị bom đạn. Nào là bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và nhân dân trong xã…tất thảy những ai bị thương vong, đều có bàn tay âu yếm của thím tôi.

Ảnh Đặng Văn Quang

Ngày đó, quê tôi là một trọng điểm vô cùng ác liệt, (Bến Phà Gianh, ngầm Hói Hạ, đường Ba Trại- Thọ Lộc) hàng ngày bom đạn Mỹ dội xuống làng quê tôi không lúc nào ngớt, mặt đất sôi lên, rung chuyển, ngày nào cũng có người chết, người bị thương…Trạm xá xã như bệnh viện tiền phương, hầu hết những người đó đều được thím tôi cứu chữa ban đầu, nặng thì chuyển tuyến trên, nhẹ thì điều trị tại chỗ.

Trạm xá xã được đặt trong những nhà hầm nửa chìm nửa nổi. Cùng với những tiếng kêu đau đớn của người bị thương là tiếng khóc của trẻ con mới chào đời. Có sinh, có tử, cho dẫu bom rền, đạn rít vẫn không ngăn được sự sinh sản của con người, bởi đó là quy luật. Những ai là người Cao Lao Hạ được sinh ra trong thập niên 60; 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nếu thân mẫu của mình “vượt cạn” ở trạm xá xã chắc chắn đều qua tay bà đỡ, đó là thím tôi.

Trong số những người làm ở trạm xá xã, thím tôi là người trẻ tuổi nhất, lại son rỗi (chưa có con cái) nên phần lớn thời gian trực chiến, những công việc nặng nhọc đều do thím tôi giành phần gánh vác.

Trang tin caolaoha.com thăm mệ Lưu Thị Thám (ảnh Đặng Văn Quang)

Tôi còn nhớ một lần gặp thím đi nhận thuốc cho trạm xá, phải đi bộ 25 km vào tận bệnh viện Huyện để gánh về. Đã 5 giờ chiều rồi, thím vẫn loay hoay với cái hóa đơn, do kho thuốc xuất nhầm từ xã Hòa Trạch sang xã Hạ Trạch, thím đành phải chờ xã kia mang thuốc đến đổi lại, lúc đó mới nhận lại phần của mình mang về. Đêm đó, thím phải gánh bộ, đi suốt đêm để ngày mai có thuốc cấp cứu cho bà con.

Hết làm ở trạm xá, thím chuyển qua nuôi dạy trẻ mồ côi. Hồi đó làng tôi có một trại trẻ mồ côi, bởi trong chiến tranh cha mẹ các cháu đều bị bom mỹ giết hại nên không còn nơi nương tựa. Với bản tính hiền dịu, giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm, thím đã yêu thương lũ trẻ như con mình, bù đắp cho chúng cái phần tình cảm người mẹ, người cha mà đám con trẻ kia bị chiến tranh cướp mất. Có những đứa còn quá bé, đêm đêm thím phải ẵm bồng, ru, hát, rồi ngủ cùng với vợ chồng chú thím tôi như một đại gia đình vậy. Và, vợ tôi là một trong những đứa trẻ, của cái đám trẻ mồ côi đó được thím yêu thương nhất.

Rồi hết chiến tranh, thấm thoắt thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại thì chú thím đã già. Chú thím tôi không sinh được con, có lẽ do một phần trong chiến tranh không có điều kiện để chữa chạy, cũng còn do một phần chiến tranh đã cuốn hút công việc của hai người chăng?

Điều muốn nói thêm, không hiểu sao với thời gian cống hiến dài như vậy, nhưng nay thím tôi không được hưởng một chế độ gì cả, hưu cũng không; mất sức cũng chẳng có. Sức lực ngày một yếu, ruộng nương thì không còn sức để làm, chỉ biết cậy nhờ mấy đứa cháu gần xa, cùng bà con lối xóm.

Mỗi lần về quê, tôi đều ghé thăm, thấy hoàn cảnh của chú thím tôi thật cám cảnh vô cùng, hai con người tuổi ngoại bát tuần, sức vóc ngày một mòn đi, dìu nhau, hiu hắt, như những tia nắng sắp tắt vời vợi trước ráng chiều hoàng hôn.

Tạo hóa thật không công bằng chút nào, được sinh ra trên cõi trần, một người tốt như thím tôi lẽ ra phải được hưởng Hạnh phúc như bao người… nhưng thật trớ trêu thay…
Thương thím, xin viết đôi điều để tỏ lòng yêu quý. Ôi những con người quê tôi, thật thà, nhân hậu, cống hiến, hy sinh nhưng chẳng bao giờ nhận được điều gì cho riêng mình.

 

Dụng cụ y tá của mệ Thám thời đó (Ảnh Lưu Văn Lộc)

Kính mời xem thêm bài của anh Lưu Văn Lộc viết về mệ Thám tại đây

https://caolaoha.com/chuyen-ve-y-ta-lang-thoi-chien.html

 

Tác giả : Đặng Văn Quang

Bình luận

Bài viết liên quan

Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip