Nhà thờ họ Nguyễn Phúc làng Cao Lao Hạ (ảnh Nguyễn Văn Hùng)
THỬ TÌM NGUỒN GỐC DÒNG HỌ NGUYỄN PHÚC Ở LÀNG CAO LAO HẠ QUA TÊN ĐỆM
Tìm về cội nguồn dòng họ nhằm biết gốc gác của tổ tiên là mong ước của bao lớp con cháu trong các dòng họ. Trong các dòng họ ở Việt Nam, dòng họ Nguyễn có bề dày lịch sử lâu đời. Lịch sử dòng họ Nguyễn gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và đặc biệt là công cuộc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước để có được nước Việt như ngày nay.
Vậy Tổ tiên họ Nguyễn nói chung và họ Nguyễn Phúc nói riêng xuất phát từ đâu? Dòng họ Nguyễn Phúc ở Làng Cao Lao Hạ có liên hệ gì với họ Nguyễn Phúc ở Việt Nam?
Theo cuốn "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" của TS. Nguyễn Kiệm xuất bản năm 2014 thì vị đệ nhất phúc thần của nước Việt là Đức Thánh Tản Viên Sơn Nguyễn Tuấn - Một nhân vật huyền thoại có đức, có tài, giúp dân, giúp nước (được ghi chép trong các ngọc phả, thần tích tại nhiều miếu thờ ở huyện Ba Vì/Hà Nội; Thanh Thủy, Thanh Sơn, Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh/Phú Thọ).
Tuy nhiên, thời điểm đánh dấu sự phát triển của họ Nguyễn là vào thời Trần. Năm 1225, nhà Lý suy vong, sau khi tiếp quản đất nước, nhà Trần đã yêu cầu tất cả các thành viên hoàng tộc nhà Lý phải đổi họ thành họ Nguyễn. Thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần vì thế sau khi nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn.
Tương tự, năm 1592 khi triều đại nhà Mạc suy tàn, một số thành viên họ Mạc đổi họ thành họ Nguyễn để được an toàn. Vào những năm đầu thế kỷ 19, khi Triều Nguyễn thống nhất đất nước, một số con cháu họ Trịnh sợ bị trả thù cũng đã đổi họ sang họ Nguyễn.
Bên cạnh đó, dưới triều Nguyễn những người có công trạng cũng được Nhà Nguyễn ban thưởng mang họ vua, chúa.
Từ kết quả của những sự kiện lịch sử nói trên dẫn đến số lượng thành viên họ Nguyễn hiện là dòng họ đông nhất trong các dòng họ ở Việt Nam (Theo Bách khoa toàn thư 2011, họ Nguyễn chiếm khoảng 40% dân số Việt Nam).
Lịch sử phát tích dòng họ Nguyễn Phúc, theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả” do nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế ấn hành năm 1995: Ngài Đức Định Quốc Công huý là Nguyễn Bặc (hiện lăng mộ ở làng Đại Hữu, Gia Viễn, Ninh Bình) con cháu của Ngài di cư đến làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là thuỷ tổ của dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn là dòng họ chính gốc họ Nguyễn (theo các gia phả họ Nguyễn ở Gia Miêu có 5 vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại đã về Gia Miêu để tế bái tổ tiên).
Năm 1558, do mâu thuẫn Trịnh Nguyễn, Nguyễn Hoàng được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho lời khuyên "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", theo đó Nguyễn Hoàng mang gia quyến và đoàn tuỳ tùng gồm quan quân hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đóng đô ở Phú Xuân, lấy sông Gianh làm ranh giới lập nên xứ Đàng Trong, chống lại họ Trịnh ở phía Bắc.
Tương truyền khi Gia Dụ Hoàng hậu Nguyễn Thị có thai chiêm bao có vị thần đưa tờ giấy đề chữ PHÚC, quần thần chúc mừng và đề nghị bà lấy chữ phúc để đặt tên cho thế tử, nhưng bà cho rằng nếu đặt tên cho con thì chỉ có một người được hưởng nên bà lấy chữ Phúc làm tên đệm để con cháu về sau cùng được hưởng. Vì vậy bà đặt tên cho con là Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đó, con cháu của Chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu từ đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) trở đi dùng chung tên đệm chữ Phúc, tên họ Nguyễn Phúc của dõng dõi Hoàng tộc bắt đầu có từ đó.
Vậy, ngoài dòng tộc nhà Nguyễn có tên họ Nguyễn Phúc còn có dòng họ Nguyễn nào khác có tên họ Nguyễn Phúc nữa không?
Theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả” vào cuối tháng 11 năm Canh Thìn (năm Minh Mệnh thứ nhất -1820) Vua ban chỉ dụ: “...Thái tổ ta khi mới gây dựng, tỏ đức dày đối với thân thuộc, xưng quốc tính là Nguyễn Phúc...lại dụ cho quan dân trong ngoài nếu không phải tôn thất thì không được mạo dùng chữ Nguyễn Phúc, làm trái thì có tội”.
Từ đó có thể khẳng định: từ năm 1563 trở đi tại Việt Nam chỉ có dòng họ Nguyễn của Triều Nguyễn mới được mang chữ đệm Phúc.
Qua tìm hiểu các nhánh của dòng họ Nguyễn Phúc ở Đàng Ngoài, theo Wikipedia có các nhánh họ Nguyễn Phúc ở Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...gia phả các chi họ nói trên đều ghi nhận thuộc dòng dõi của Chúa Nguyễn và các vị thủy tổ Nguyễn Phúc ở các chi nhánh nói trên là các vị tướng lĩnh Nhà Nguyễn. Thời điểm các vị thủy tổ họ Nguyễn Phúc di chuyển ra Đàng Ngoài cách nay khoảng 300 năm, trùng với thời điểm Chúa Nguyễn Phúc Chu cho một số người con bí mật trở ra phía Bắc định cư phục vụ cho kế sách lâu dài của Nhà Nguyễn.
Nguồn gốc dòng họ Nguyễn Phúc ở làng Cao Lao Hạ
Làng Cao Lao Hạ có 24 dòng họ trong đó có 12 họ Nguyễn (có hai họ thuộc dòng tộc Nguyễn Phúc là Nguyễn Phúc và Nguyễn Công). Theo gia phả dòng họ Nguyễn Phúc thì tên họ Nguyễn Phúc ở làng Cao Lao Hạ bắt đầu từ Ngài Thuỷ tổ Nguyễn Phúc Bích là tướng Nhà Nguyễn đến định cư ở làng Cao Lao Hạ (chưa rõ năm nào) tính đến tại thời điểm năm 2022 con cháu của Ngài đã sinh sống đến đời thứ 18 (ước khoảng 400 năm) tức khoảng sau thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Do vậy, để có thể được mang dòng họ Nguyễn Phúc thì nhiều khả năng Ngài Nguyễn Phúc Bích là con cháu thế hệ sau của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Vì chỉ có con cháu dòng dõi nhà Nguyễn mới được mang họ Nguyễn Phúc nếu không là phạm trọng tội.
Mặt khác, vì Ngài Nguyễn Phúc Bích là tướng nhà Nguyễn mà thời phong kiến để bảo toàn ngôi vị, các triều đại thường trọng dụng và bổ nhiệm các vương gia, quí tộc thuộc dòng họ thống lĩnh quân đội nhằm bảo vệ vương quyền.
Từ những căn cứ trên bước đầu nhận định nhiều khả năng Ngài Thuỷ tổ dòng họ Nguyễn Phúc ở làng Cao Lao Hạ thuộc dòng dõi Chúa Nguyễn.
*
* *
Nhìn lại lịch sử thăng trầm của dòng họ Nguyễn Phúc, có thể nhận thấy trải qua nhiều thế kỷ, con cháu dòng họ Nguyễn Phúc dù ở bất cứ nơi đâu, giữ bất cứ cương vị gì đều đã một lòng “trung quân ái quốc” với nhiều bậc trọng thần của các triều đại nhưng cũng đã phải chịu không ít thảm cảnh. Tuy vậy, nhờ tinh thần đoàn kết, yêu thương của cộng đồng con cháu có cùng huyết thống, con cháu dòng họ Nguyễn Phúc đã vượt qua mọi gian nan thử thách, giữ trọn ân đức, tạo dựng nên cơ nghiệp.
* * *
Nhân dịp Cụ tộc trưởng Nguyễn Phúc Hoà ra lời kêu gọi con cháu trong dòng tộc đóng góp kinh phí nâng cấp nhà thờ Họ, đây là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vừa là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Việc tôn tạo, xây dựng lại nhà thờ họ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhằm tri ân, tôn vinh công đức của tổ tiên và các bậc tiền nhân qua đó khơi dậy niềm tự hào, chắp nối, gắn kết cộng đồng con cháu có cùng huyết thống, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau, bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của dòng tộc là việc làm có hết sức cần thiết.
Với tấm lòng thành của con cháu dòng họ Nguyễn Phúc bước đầu tìm về cội nguồn dòng họ. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên có thể còn có những nhận định chưa chính xác mong được sự góp ý, bổ sung.