Năm một nghìn chín trăm tám mươi tám, tôi xuất ngũ từ chiến trường “K” trở về đúng vào dịp thi tuyển sinh đại học. Tôi chỉ có hơn hai tháng để ôn thi, nhưng may mắn thế nào lại đỗ được vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, mà đỗ với điểm khá cao, nên trúng luôn “cái chân” đi học nước ngoài. Chắc chắn cũng bởi được cộng thêm điểm ưu tiên. Sướng thật!
Sau một năm dùi mài ngôn ngữ nước người, tôi lên đường sang Cộng hòa Dân chủ Đức học đại học. Chẳng bao lâu đất nước này sụp đổ, bao nhiêu xáo động trong xã hội như sóng dồn bão dập ngoài biển khơi, nhưng tôi và cả các bạn tôi vẫn được lên lớp đều đều. Nhờ tốt nghiệp đại học vào loại “ưu”, nên “ở nhà” cho tôi tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Sau khi nhận được tấm bằng xuất sắc với học vị phó Tiến sĩ, tôi đã bỏ ra mấy tháng liền lang thang thăm thú trên đất khách quê người, bù lại cho gần mười năm miệt mài sách vở đến nỗi mắt tôi vào loại bắn tỉa số một bây giờ phải đeo cặp kính với độ viễn thị số ba!
Thăm thú chán chê, đúng vào dịp Tết Kỷ mão tôi va ly túi xách lên đường vinh quay bái tổ.
Sau chín cái tết xa nhà, giờ được ăn tết cùng mẹ già và đồng bào ruột thịt ngay trên đất Hà Thành ngàn năm văn hiến mà lòng rạt rào hạnh phúc.
Những ngày sau Tết, niềm vui chưa hết dâng trào, tôi khấp khởi phóng chiếc xe máy “Mộng Mơ” (Dream) vào Thanh Xuân nhận việc với chức danh giảng viên đại học.
Dọc đường tôi dừng lại gần một cái ngõ trên phố Tôn Đức Thắng để mẹ tôi xuống xe vào thăm một bà bạn. Mẹ tôi nhúi vào tay tôi mấy tờ giấy bạc và thầm thì:
- Con cầm lấy nhỡ lúc cần! Tý nữa mẹ về bằng xe ôm. – Rồi bà bỏ đi.
Đang định cho xe vọt lên thì từ trong ngõ, tôi nghe thấy tiếng gọi của một giọng con gái:
- Anh xe ôm!
Tôi thoáng nghĩ cô gái vừa gọi một anh xe ôm nào đó, nên tôi tăng ga, nào ngờ cô gái xuất hiện ngay trước mũi xe làm tôi giật mình phanh kít xe lại nhìn cô chằm chặp. Cô gái cuống quýt nói:
- Xin lỗi, tôi gọi mà anh không nghe thấy! Anh cho tôi vào Trường Đại học Ngoại ngữ.
Nghe cô gái nói ngon ơ mà người tôi sững sờ. Mình giống những người lái xe ôm đến thế cơ à! Rồi tôi thấy hay hay, nên vội thay đổi vẻ mặt và nói với cô gái:
- Mời cô lên xe!
Cô gái ý tứ ngồi để hai chân về một phía và cách tôi một khoảng mười xên ti mét. Trời đất ơi! Từ thuở cha sinh mẹ để bây giờ tôi mới được đèo một cô gái đẹp trên một chiếc xe xịn chạy trên đường phố Hà Nội trước bàn dân thiên hạ!
Cô gái ngồi yên lặng. Tôi rất muốn bắt chuyện, nhưng chỉ sợ nói hớ hênh làm cô phật ý nhẩy xuống đi xe khác thì thật là tiếc. Vì tôi đã kịp thấy nhan nhản xe ôm đứng chờ hai bên đường. Với cái mũ cối trên đầu và cái áo bay tôi đang mặc – những thứ mẹ tôi cất giữ cho tôi gần chục năm nay – tôi tự thấy mình cũng giống nhiều người lái xe ôm thật. Chắc chắn cô gái còn thấy mẹ tôi đưa tiền cho tôi khi bà xuống xe, nên dưới con mắt của cô, tôi đích thị là một người lái xe ôm thứ thiệt. Tôi hy vọng cô gái không chú ý đến đôi giầy rất mốt và cái quần len đắt tiền trên người tôi…
Đến cổng trường Đại học Ngoại ngữ, tôi dừng lại, cô gái nhẩy xuống và cất tiếng hỏi:
- Anh lấy bao nhiêu?
Tôi ngẩn người chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì cô gái hỏi tiếp:
- Anh mới lái xe ôm phải không?
Tôi bật cười, hỏi lại:
- Sao cô biết?
Cô nhìn chiếc xe:
- Xe còn khá mới, người còn lớ ngớ!
Tôi sực hiểu ra phận sự của một anh xe ôm và nói:
- Cô trả bao nhiêu cũng được.
Sau một thoáng ngẫm nghĩ, cô nói như giải thích cho tôi:
- Hôm qua họ lấy của tôi năm nghìn. Hôm nay tôi cũng đi quãng đường như hôm qua, nhưng lúc ở Ngã Tư Sở đông người, anh phải đi chậm lại, tốn xăng xe hơn, nên tôi gửi anh thêm hai nghìn – cô gái vừa nói vừa rút từ ví ra một tờ năm nghìn đồng và một tờ hai nghìn đồng đưa cho tôi. Nhưng tôi chỉ nhón tờ năm nghìn và vui vẻ nói:
- Cô sòng phẳng quá, tôi lấy thế này là đủ rồi!
Cô gái không chịu, cố nhúi tờ hai nghìn vào tay tôi và nghiêm giọng:
- Sống ở đời phải biết sòng phẳng!
Rồi cô bước nhanh qua cổng.
Tôi quay xe trở lại đường cũ vì đã đi quá chỗ tôi cần đến. Trong đầu tôi lởn vởn câu nói: “Sống ở đời phải biết sòng phẳng”. Câu này nghe quen quá, nhưng không biết tôi đã nghe ở đâu?
* *
*
Tôi đã có việc nhưng chưa được làm, vì còn phải đợi người tôi thay thế làm xong thủ tục nhận sổ hưu.
Trong khi chờ đợi, tôi quyết định tiếp tục trò chơi làm người lái xe ôm cho cô gái. Bởi vậy, tôi đã có mặt ở đầu cái ngõ trên đường Tôn Đức Thắng sớm hơn ngày hôm qua gần một tiếng đồng hồ. Tôi cảm thấy thời gian chờ đợi như đọng lại. Cuối cùng cô gái cũng xuất hiện. Trông thấy tôi cô gật đầu chào. Tôi hý hửng đẩy xe xuống lòng đường, nhưng lạ chưa, cô gái vẫy tay gọi chàng trai vừa đến trước cô mấy phút và đẩy chàng trai lên ngồi sát tôi rồi cô leo lên ngồi sát anh ta. Trong khi tôi rất khó chịu thì cô gái vẫn hồn nhiên nói với giọng vui vẻ:
- Hôm nay anh chịu khó lái xe “ba cầu” nhé!
Tôi cố lắm mới nói ra được cái câu:
- Xin chiều anh chị!
Và tôi im lặng phóng xe đi. Ôi, vậy là tôi đã trở thành người lái xe ôm thật rồi! Bao nhiều điều ấp ủ định nói với cô gái giờ đây đã tiêu tan bởi cái anh chàng đang ghì sát vào tôi như sợ bị văng ra khỏi xe này. Liệu cô gái có ôm chặt anh ta như thế không nhỉ?
Mải suy nghĩ nên tôi giật mình khi nghe thấy giọng cô gái hét to quá mức cần thiết từ phía sau tôi:
- Anh xe ôm thông cảm cho bọn tôi luyện phát âm nhé!
Cũng chẳng cần đợi tôi trả lời, họ đã nói với nhau bằng tiếng Đức mà rõ ràng là nói về tôi. Dịch ra tiếng Việt đại khái như sau:
Chàng trai:
- Trông anh ta như một trí thức, tại sao anh ta lại làm nghề này?
Cô gái:
- Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp cũng làm nghề này.
Chàng trai:
- Anh ta đẹp trai nhỉ?
Cô gái:
- Anh ta đẹp hơn anh.
Nghe cô gái nói thế tôi loạng choạng xuýt đâm phải một bà cụ qua đường. Tôi phanh xe rất gấp làm chàng trai áp sát tôi hơn. Trong khi xe dừng lại, vô tình tôi nhìn thấy hình ảnh chúng tôi phản chiếu từ một cửa kính của ngôi nhà cạnh đường. Thì ra cô gái vẫn ngồi nghiêng và cho hai chân về một bên như hôm qua. Cô ta thật là ý tứ! Tôi khoan khoái nghĩ bụng. Tôi đã hiểu lý do tại sao chàng trai ngồi sát vào tôi đến như vậy, anh ta bị ép từ cả hai đầu! Lúc này tôi mới cảm thấy thương thương anh ta.
Sau cú phanh gấp của tôi, họ không nói với nhau bằng tiếng Đức nữa, họ chuyển sang nói tiếng mẹ đẻ, nhưng giá tôi không nghe được họ nói thì hay hơn.
Cô gái:
- Hường về quê ra có mệt lắm không?
Chàng trai:
- Không. Nhưng nhớ.
Cô gái nghiêm giọng:
- Nhớ gì?
Chàng trai lúng túng:
- …Nhớ trường
- Tối nay chị gái Lâm về Nghệ An, sáng mai mình lại có xe rồi – cô gái nói.
- Tố Lâm vẫn cho mình đi nhờ chứ? – Chàng trai hỏi nhỏ nhẹ.
- Cho Hường tiếp tục làm xe ôm – Cô gái nói, rồi cười khúc khích.
Vậy là hết! Nói như bọn trẻ bây giờ là “Hết phim!” Tôi buồn quá, đến nỗi lúc họ vừa xuống xe tôi đã vội quay xe và dơ tay chào một cách miễn cưỡng rồi vút đi. Chắc chắn cả hai người đều ngẩn tò te trước thái độ rất không bình thường của tôi!
Tôi về nhà nằm ườn ra giường.
Có ai cân được thời gian đâu nhỉ? Vậy mà tôi đã cân được đấy! Một giờ nặng một tạ, một ngày hơn hai tấn. Mười ngày trôi qua đè nặng lên vai tôi hàng chục tấn! Ngày nào tôi cũng ngồi lỳ trong nhà cố mà nghiên cứu giáo án. Sáng nay tôi đang gắng tập trung vào công việc này, thì có điện thoại của Trường, bạn cùng đơn vị với tôi thời ở chiến trường “K”. Bây giờ Trường đã là đại úy lục quân. Trường hẹn tôi tối nay đến nhà cậu ta để cùng đi thăm thủ trưởng Kham, tiểu đoàn trưởng cũ của chúng tôi mà tôi là cận vệ của ông. Vì thời gian được ở bên ông rất ngắn, chưa đầy sáu tháng trước khi xuất ngũ, nên tôi rất ít nhớ về ông, ngoài ấn tượng ông là một con người khô khan. Tuy vậy, tôi vẫn đi thăm ông. Đi để giải tỏa nỗi buồn.
Tôi theo Trường đi ngoằn nghèo qua các ngõ ngách, cuối cùng dừng lại trước một ngôi nhà cấp bốn khang trang.
Thủ trưởng Kham nhận ra chúng tôi ngay. Mặc dù đã là đại tá về hưu, nhưng ông Kham vẫn giữ tác phong hồi ở chiến trường. Ông vẫn gọi chúng tôi là đồng chí, vì vậy chúng tôi phải bỏ ngay cách xưng hô “chú-cháu” và trở lại với “thủ trưởng – tôi”. Ngoại trừ cách xưng hô có vẻ hơi cứng đó, ông bà Kham tiếp đón chúng tôi rất thân tình. Có gì trong tủ lạnh, ông bà mang ra hết để khoản đãi chúng tôi. Đặc biệt bà luôn miệng xuýt xoa vì biết chúng tôi đã sau mười năm rồi mà vẫn còn nhớ đến chồng bà và đến thăm.
Chuyện trò được một lúc tôi đưa mắt ngắm nghía cách bài trí trong nhà và bất ngờ nhận ra trong một bức ảnh có cả hình của Tố Lâm. Có lẽ vì thấy tôi nhìn chăm chăm vào bức ảnh đó, nên thủ trưởng Kham vội đứng lên đến bên bức ảnh rồi chỉ tay vào từng người và giải thích:
- Đây là cháu Nguyệt, con gái lớn của chúng tôi. Còn đây là cháu Lâm, con út, hiện đang học năm cuối Đại học Ngoại ngữ.
Nhìn ông đứng giải thích trước bức ảnh treo ở tường, tôi có lại cái cảm giác ngày nào ông đứng trước tấm bản đồ quân sự và trình bày kế hoạch phối hợp với quân đội bạn giúp dân xây dựng lại Thị xã Xiêm Riệp. Và tôi sực nhớ đến câu nói: “Sống ở đời phải biết sòng phẳng” từ miệng ông nói ra cùng với một vài câu chuyện về ông. Nhưng tôi sẽ xin kể lại sau. Còn bây giờ tôi phải cùng cậu Trường trả lời các câu hỏi của ông bà Kham. Họ rất ngạc nhiên khi biết tôi chưa có gia đình, nhưng rất mừng vì chúgn tôi đều đã trưởng thành. Trong câu chuyện không hiểu do vô tình hay hữu ý mà bà Kham nhắc đến hai lần, rằng “cái Lâm nó phải đi học nhóm để ôn thi, nếu không thì hôm nay vui biết mấy!”.
Cứ theo trí nhớ của tôi, thì hồi ở chiến trường ông Kham cho tôi biết là vợ chồng ông hiếm hoi, nên chỉ có một đứa con gái. Sao bây giờ lại “tòi” ở đâu ra cô thứ hai đã học gần xong đại học. Tôi đang phân vân có nên hỏi ông hay không, thì ông Kham đã giải thích cứ như ông đọc được ý nghĩ trong đầu tôi:
- Có lẽ đồng chí Hải đang thắc mắc tại sao tôi có thêm cháu Lâm, phải không? - Ông dừng lại nhìn hai chúng tôi và cười, rồi nói tiếp: Lâm là con gái Tiểu đoàn phó Trực. Có thể đồng chí Hải không biết, nhưng đồng chí Trường và tôi đã chứng kiến cảnh thương tâm khi đồng chí Trực hy sinh trên đường trở về nước năm tám chín, vì xe đồng chí ấy trúng mìn của tàn quân Pol Pốt.
Năm chín hai trên đường vào nam công tác tôi tranh thủ ghé thăm gia đình đồng chí Trực, mới biết vợ đồng chí ấy vì quá đau buồn sinh bệnh tật và mất năm chín mốt. Lúc đó cháu Lâm mới mười lăn tuổi, ở với bà dì và phải bỏ học để đi làm thuê với bà. Được gia đình bà dì đồng ý, tôi đưa cháu Lâm ra đây để cháu có điều kiện tiếp tục đi học.
- Tội nghiệp con bé được sinh ra trong rừng vào một đêm mưa gió, lúc má nó đang trên đường đến nhà hộ sinh. Vì thế mới có cái tên Tố Lâm – bà Kham nói thêm.
Vừa lúc đó Nguyệt – vâng, đúng là Nguyệt, rất giống với người trong ảnh – dắt xe đạp vào nhà. Cô chào ông bà Kham và chúng tôi, rồi đi thẳng vào phòng trong. Trong đầu tôi bỗng hiện lên hình ảnh tương phản giữa một Tố Lâm ăn mặc gọn gàng, ngồi trên chiếc xe máy xịn với một cô Nguyệt thụng thịnh trong bộ quần áo bảo hộ lao động và chiếc xe đạp cà tàng. Chừng như để lấp chỗ trống trong khi ông Kham đang nói chuyện điện thoại với người nào đó vừa mới gọi đến, bà Kham kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xẩy ra với gia đình ông bà cách đây khoảng ba năm. Bà nói:
- Hồi đó vợ chồng tôi cùng đổ bệnh một lúc. Ông ấy bị đột quỵ, liệt một nửa người còn tôi thì đi lại khó khăn vì hai đầu gối sưng vu. Hai cháu Nguyệt và Lâm lo lắng lắm. Biết chúng tôi rất cần một đứa phải bỏ học để thay tôi chăm nom việc nhà cả hai chị em đều tranh nhau xin bỏ ôn thi vào đại học. Trong khi chúng tôi đang phân vân không biết chọn đứa nào, thì Lâm đã tự động đến lớp học thêm xin gạch tên mình. Ông Kham giận lắm, gọi hai đứa đến bên giường và bảo: “Bố mẹ đối xử với Lâm như con đẻ, nhưng dù sao Lâm cũng bị thiệt thòi nhiều, hãy để bố mẹ thực hiện được tâm nguyện của bố mẹ với ba má của Lâm, Lâm phải tiếp tục học lên đại học. Còn Nguyệt không phải là không chịu thiệt thòi, nhất là trong thời gian bố ở chiến trường, nhưng Nguyệt là chị, học lực lại yếu hơn Lâm, bố mẹ đồng ý để con thôi học”. Vậy là bây giờ một đứa sắp tốt nghiệp đại học, còn một đứa đã trở thành công nhân dệt. Được cái cháu Nguyệt rất thương em và yên tâm với công việc hiện tại. Nhưng bà con và bạn bè ông Kham nhiều người chê trách cách ông ấy giải quyết. Họ bảo phải chọn cách ngược lại mới đúng. Ông Kham không tranh luận gì với họ, nhưng ông ấy buồn lắm. Có một lần ông ấy than thở với tôi: “Để sống sòng phẳng, khó thật!”.
Ông Kham đã trở lại từ chỗ bàn đặt điện thoại, ông vui vẻ lên tiếng:
- Bà lại nói xấu tôi phải không? – Rồi ông cười rất thoải mái.
Chúng tôi đứng dậy xin phép ông bà ra về.
Ông Kham tiễn chúng tôi ra cổng và bảo chúng tôi đi về hướng đường Tôn Đức Thắng thì dễ hơn là đi đường cũ ra Ô Chợ Dừa.
Tôi về nhà nằm mãi không ngủ được. Buổi viếng thăm ông bà Kham để lại nhiều suy nghĩ trong tôi. Thì ra hồi ở đơn vị, tôi chỉ mới hiểu được một nửa con người của thủ trưởng Kham.
Tôi nhớ lại một lần ông hết thuốc hút, ông đã hỏi vay tôi một bao. Rất may là tôi còn bao nguyên và một bao tôi đang hút giở. Tôi đưa bao nguyên biếu ông. Ông có vẻ không hài lòng, nhưng vẫn nhận và bóc ra hút mà không nói gì.
Hai hôm sau ông trả lại tôi một bao thuốc. Tôi kiên quyết từ chối và bảo là tôi biếu ông. Ông lắc đầu nói:
- Nếu tôi xin đồng chí thì là chuyện khác, đằng nằy tôi chủ động vay đồng chí. Hóa ra tôi gợi ý vay để được biếu hay sao? - Ông nhìn tôi cười và nói tiếp: - Ở đời phải biết cách sống sòng phẳng…
Tôi nhận lại bao thuốc với một tâm trạng khá nặng nề.
Lần thứ hai xẩy ra trong một chuyến tháp tùng ông đi kiểm tra các đơn vị hành quân dã ngoại. Đến một đại đội vào lúc nửa đêm trời mưa gió rầm rập.
Một chiếc lều bạt đã được dựng lên, một nửa dành cho hai đồng chí chỉ huy đại đội, nửa còn lại dành sẵn cho thủ trưởng Kham và tôi. Ông biết vậy nhưng không nói gì mà đi thẳng xuống chỗ ngủ của các chiến sĩ. Họ nằm dưới những tấm ni lông được căng sơ sài, mưa hắt vào ướt như chột lột. Ông thấy dưới một tấm ni lông có hai người nằm, một người thì rên khe khẽ, còn người kia trùm kín chăn nhưng hình như vẫn còn run. Thấy tiểu đoàn trưởng dừng lại nhìn hồi lâu, đồng chí phó đại đội trưởng buột mồm:
- Báo cáo thủ trưởng đồng chí này lúc nãy dựng lều bạt vô ý để gió làm bật tung một góc lều làm cái cọc nhọn đập vào phần mềm của cánh tay. Còn đồng chí kia đang hành quân thì lên cơn sốt rét.
Ông Kham ngồi xuống bấm đèn pin xem qua bệnh tình của hai người rồi bảo tôi và mấy người đi theo đỡ họ dậy và đưa họ vào lều bạt. Đợi hai người nằm yên trên chỗ được dành cho ông và tôi, ông quay lại nói với đại đội trưởng:
- Các đồng chí đi nghỉ, khuya rồi đấy!
Nói xong ông ra hiệu cho tôi theo ông đến nằm dưới cái tấm ni lông của hai chiến sĩ kia.
Thấy thế hai đồng chí chỉ huy đại đội vội đến nhận lỗi với thủ trưởng Kham và đề nghị ông cùng tôi vào nghỉ ở lều bạt, đổi chỗ cho hai người. Nhưng nghe họ nài nỉ mãi mà mà ông vẫn kiên quyết từ chối, làm tội tôi suốt đêm nằm dưới trời mưa gió.
Sau hôm đó tôi càng có ấn tượng không hay về ông. Tôi đem hai chuyện này kể cho Trường nghe. Nghe xong, Trường vỗ vai bảo tôi:
- Cậu mới về đơn vị chưa hiểu biết hết ông Kham đâu. Lúc đầu tớ cũng đã ngầm đổi tên lại cho ông ấy: Đặng Kim Kham thành Đặng Khô Khan. Nhưng tớ đã nhầm.
Tôi chưa kịp tin lời Trường thì tôi đã phải xuất ngũ. Và hôm nay sau buổi đến thăm ông, tôi nghĩ lại có lẽ Trường nói đúng.
Hết nghĩ về ông Kham tôi lại hối tiếc vì đã “rút cầu” quá sớm với cô gái Tố Lâm mà tối nay tôi mới biết là con gái nuôi của ông. Bây giờ nếu tôi tìm cách nối lại nhịp cầu tự tôi đã đánh sập thì thật dở hơi. Thôi đành chấp nhận cái gì đã qua, cho qua!
* *
*
Có ai hiểu hết chữ “ngờ”? Sau một tuần tập sự lên bục giảng, sáng nay thứ bảy, tôi đến Rạp Tháng Tám xem phim. Hết phim khán giả lũ lượt kéo nhau ra về. Tôi định len lên trước thì đụng phải Tố Lâm. Cả hai trông thấy nhau, không thể lánh mặt được, tôi đành lên tiếng trước:
- Chào cô!
- Chào anh!
Nghe giọng Lâm trong trẻo quá, tôi đưa mắt có ý tìm Hường, nhưng khong thấy, rồi tôi lùi lại để Lâm bước hẳn ra ngoài. Tưởng cô đi thẳng, ai dè cô nép sang bên và dừng lại hỏi tôi:
- Dạo này anh bỏ nghề rồi sao?
Tôi lúng túng không biết nên trả lời thế nào, đành làm kế hoãn binh:
- Tôi có chuyện muốn nói với Lâm, liệu cô có thời gian không?
Lâm cười, hỏi lại:
- Anh đã biết tên tôi? Cô chỉ tay về phía trái – Ta lại đằng gốc cây kia được không?
Tôi ngập ngừng:
- Tôi muốn mời Lâm đi uống nước – Tôi chỉ quán giải khát cách Rạp Tháng Tám mấy bước – Ta vừa uống vừa nói chuyện.
- Nhưng với một điều kiện là anh cho tôi giả lại tiền còn nợ anh – Lâm nói.
Phải một lúc sau tôi mới hiểu ra mình đã trở thành chủ nợ khi nào và vội vàng gật đầu đồng ý cho qua chuyện.
Vừa gọi hai cốc nước cam thì một chú đánh giầy đã lẻn vào, tôi đành tháo giầy đưa cho cậu ta, rồi không nhịn được lâu hơn nữa, tôi hỏi Lâm:
- Hường đâu, sao Lâm đi xem phim một mình?
Lâm lại cười, nụ cười của cô thật là quyến rũ. Cô nói:
- Tôi đi xem cùng một đứa bạn, nhưng nửa chừng nó bị gọi về vì chị nó vừa sinh cháu bé. Còn Hường dạo này bận bịu lắm, cậu ấy đã có bạn gái.
- Tôi cứ tưởng …
- Tưởng tôi là bạn gái của cậu ấy chứ gì? – Lâm ngắt lời tôi, cô nheo một bên mắt nói thêm: - Hường không phải là “tuýp” người của tôi. Cậu ấy dát quá!
- Ờ, tôi cũng nghĩ vậy. Cái tên rất hợp với cậu ấy.
Nói đến đây thì cậu bé đưa giầy vào trả và đòi tôi hai nghìn đồng. Tôi lục mãi trong ví chỉ có nghìn rưỡi, còn lại toàn tờ năm mươi nghìn. Tôi trao nghìn rưỡi cho cậu bé, mặt cậu hơi buồn nhưng đành chấp nhận. Cậu đang định bỏ đi thì Lâm cúi xuống bàn, trong tay cầm sẵn tờ năm trăm đồng vờ như nhặt được ở dưới ghế tôi ngồi và nói với tôi:
- Anh đánh rơi tiền - Rồi quay gọi cậu bé và đưa tờ năm trăm cho cậu
Tôi cảm ơn Lâm và buột mồm:
- Lâm thật là sòng phẳng!
- Tội nghiệp, năm trăm đồng đối với nó là một khoản tiền không nhỏ-Lâm nói như để thanh minh.
Tôi cảm thấy xấu hổ. Hóa ra Lâm không hoàn toàn giống như mình nghĩ. Mãi đến lúc này tôi mới sực nhớ đến lời ông Kham nói với tôi cách đây mười một năm, nhưng vì định kiến mà hồi đó tôi đã bỏ qua: “Muốn sòng phẳng trước hết người ta phải sống có tình”.
Có thể hiểu ông đã kết hợp rất khéo léo giữa “lý” và “tình”, nhưng bọn trẻ chúng tôi hồi đó không cảm nhận được ngay, có lẽ vì chúng tôi đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, lại phải xa gia đình lâu ngày, nên lúc nào cũng khát khao tình cảm và rất ngại tiếp xúc với những người mà chúng tôi cho là khô khan, cứng nhắc.
Cô Lâm thật là may mắn vì đã hiểu được điều đó ở ông sớm hơn tôi!
- Anh nghĩ gì mà thừ người ra thế?
Tôi giật mình nghe Lâm hỏi, đang tìm cách trả lời thì Lâm đã hỏi tiếp:
- Hình như anh đã làm nghề khác, trông anh có vẻ khấm khá hơn trước?
Có lẽ đã đến lúc phải nói thật hết với Lâm. Tôi bắt đầu bằng một câu hỏi thăm dò:
- Nếu tôi không phải làm nghề xe ôm thì Lâm nghĩ sao?
- Tôi chưa rõ anh nói gì? – Lâm nhăn nhó hỏi lại.
- Thực ra ngay từ đầu Lâm đã nhầm tôi là người lái xe ôm. Hôm đó tôi hơi bị bất ngờ, nhưng lại thấy hay hay, nên quyết định đùa lại.
- Và anh đã đánh lừa chúng tôi? – Lâm có vẻ bực lắm. Tôi cố nhũn nhặn:
- Nói đánh lừa có nặng nề quá không? Quả thật hôm đó tôi đang rất phấn chấn, vì lâu lắm mới được trở về Hà Nội.
Lâm ngạc nhiên, hỏi:
- Anh ở đâu chuyển về?
- Tôi ở nước ngoài về - Tôi thú thật.
Lâm hoảng hốt:
- Không phải từ Đức chứ?
- Đúng là từ Đức – Tôi buồn bã trả lời.
- Vậy là anh hiểu hết chuyện chúng tôi nói với nhau hôm ngồi trên xe của anh?
Tôi gật đầu:
- Đáng tiếc là như vậy!
- Anh thật là ác! – Lâm nói và vùng đứng dậy, cô nhìn tôi với đôi mắt tròn xoe mọng nước – cảm ơn anh về cốc nước cam! Gửi lại anh số tiền chúng tôi nợ anh – Lâm nói tiếp và móc tờ mười ngàn đã được để sẵn trong túi áo đặt lên bàn, rồi đi nhanh ra cửa. Tôi bàng hoàng không nhúc nhích được một chút, mà cũng chẳng nói thêm được một lời.
Tôi chua chát nghĩ bụng: “Bây giờ không chỉ “hết phim” mà còn hết gì gì nữa quý gấp ngàn lần phim!”.
* *
*
Một tháng trôi qua. Tôi đã nguôi ngoai nỗi buồn. Công việc giảng dạy cuốn hút tôi rất nhiều.
Một buổi chiều vừa ở trường về nhà, tôi chưa kịp cởi áo ngoài đã nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, tôi mở cửa và sửng sốt khi thấy Tố Lâm đứng trước mặt. Lâm cũng có vẻ kinh ngạc không kém, cô không nhìn tôi, chỉ lúng búng trong miệng:
- Tôi đến tìm chú Hải.
- Tôi là Hải đây!
Nghe tôi nói thế, Lâm ngước nhìn tôi rất nhanh, rồi đưa mắt nhìn quanh và nhìn vào mẩu giấy trên tay, cô hỏi:
- Quanh đây có ai tên Hải lớn tuổi hơn anh không?
Tôi đoán chắc ông Kham sai Lâm đến tìm tôi, nên nói đùa:
- Năm sau chắc chắn ở đây sẽ có một người tên Hải lớn hơn tôi bây giờ một tuổi!
Lâm lại ngước nhìn tôi và hỏi:
- Tôi đáng để anh trêu đùa lắm hay sao?!
Thấy Lâm định bỏ đi, tôi vội nắm tay giữ cô lại và nói:
- Thủ trưởng Kham bảo cô đến tìm tôi phải không?
Lâm ngạc nhiên:
- Anh biết bố tôi?
Tôi mỉm cười:
- Không những biết mà còn cùng cậu Trường vừa đến thăm ông bà.
- Thảo nào! – Lâm kêu lên rồi nói như phân bua với tôi: - Chỉ tại bố tôi “một, chú Hải phó tiến sĩ, hai, chú Hải phó tiến sĩ”, thành ra tôi tưởng…
- Tưởng là một chú Từ Hải máy râu tua tủa thân mười thước cao chứ gì?! – Tôi nói chen ngang và cười rất thích thú.
Lâm lườm tôi:
- Không ngờ anh ác thế!
- Xin lỗi Lâm! – Tôi trở lại nghiêm chỉnh – Thực ra hôm đó tôi đã định nói hết với Lâm, nhưng Lâm đã bỏ đi.
- Chỉ tại anh! – Lâm bướng bỉnh nói.
- Thì tôi đã xin lỗi rồi thôi! – Tôi đành nhịn và lấy lon cô ca mời Lâm uống. Cô nhấp một ngụm rồi nhìn lướt qua nhà tôi và hỏi:
- Dạo này không thấy anh đội mũ cối và mặc áo bay nữa?
- Tôi vẫn dùng đấy chứ, trừ những lúc đến trường, vì tôi cảm thấy những thứ đó không phải những thứ thích hợp nhất cho một giảng viên của một trường đại học dân sự.
Lâm thở dài và buột miệng thốt lên:
- Tiếc nhỉ! – Rồi cô vội cúi xuống nhìn mẩu giấy cô vẫn cầm trong tay và đứng dậy, nói:
- Lâm phải đến một người nữa ở mãi tận Cổ Nhuế.
Thấy Lâm đổi cách xưng hô, tôi đánh bạo đề nghị:
- Cổ Nhuế khá xa, nắng nôi thế này Lâm để tôi làm xe ôm được không?
- Lại xe ôm! – Lâm nói và nhìn tôi đầy thiện cảm, cô cười và rụt rè nói tiếp: - Với điều kiện anh bỏ cravát ra!
- Lâm thích ra điều kiện nhỉ! – Tôi nói thế nhưng vẫn vào buồng trong cởi cravát và áo sơ mi thay bằng chiếc áo bay.
Khi tôi bước ra, Lâm nhìn tôi chăm chú, rồi cúi mặt xuống cười khúc khích. Thấy thế, tôi thắc mắc hỏi Lâm:
- Lâm cười gì vậy?
Lâm ngước lên nhưng không nhìn tôi và nói:
- Anh mặc áo bay trông khỏe khoắn hẳn ra!
Nói xong, mặt Lâm đỏ bừng.
- Nhiều người cũng nhận xét như Lâm – Tôi nói bịa chỉ để Lâm bớt ngượng, không ngờ Lâm hỏi lại:
- Chắc giảng viên Hải được nhiều nữ sinh quan tâm lắm nhỉ?
- Chết, chết, vợ tôi mà nghe nói thế thì tôi mất đầu với bà ấy!
Lâm che miệng cười ngặt nghẽo:
- Anh phịa giỏi thật! Đã có lần Lâm nghe mẹ Lâm than thở với bố: Tội nghiệp chú Hải mải mê học hành quên cả lấy vợ! – Rồi bất ngờ Lâm cuống lên: - Chết thật, Lâm xin lỗi anh, mải chuyện Lâm xuýt quên mục đích đến đây: Ngày kia là ngày giỗ lần thứ mười của ba Lâm, bố mẹ Lâm mời anh sáu giờ chiều đến nhà uống chén rượu.
- Ờ nhỉ! – Tôi nói và vỗ vào trán – Tôi vô tâm quá! Hôm rồi thủ trưởng Kham cho biết thủ trưởng Trực hy sinh đúng vào dịp này.
- Anh ở cùng đơn vị của ba Lâm có lâu không? – Giọng Lâm buồn buồn. Tôi nói:
- Rất tiếc là tôi chỉ được phục vụ các thủ trưởng có năm tháng mười bảy ngày trước khi xuất ngũ năm tám mươi tám! Thủ trưởng Trực rất quý tôi, ông hay quan tâm đến cấp dưới – Tôi đột ngột hạ giọng, nói rất chân thành: - Mới chỉ gặp Lâm có mấy buổi, nhưng tôi đã thấy ở Lâm có những đức tính quý báu của các thủ trưởng. Quả thật hôm Lâm đưa thêm cho đứa bé đánh giầy năm trăm đồng, tôi rất cảm động và thấy xấu hổ.
- Ôi, anh khen Lâm làm gì! Chẳng phải vì Lâm bộp chộp mà làm anh khó xử đấy thôi! – Lâm nói rất thật thà, thấy rõ Lâm rất ân hận. Tôi vội an ủi cô:
- Nhiều khi tôi cũng ao ước được cái hồn nhiên của tuổi trẻ như Lâm.
Lâm nhìn tôi mắt sáng long lanh, cô mỉm cười và trêu tôi:
- “Chú Hải” còn định làm xe ôm cho “cháu” nữa không đây? – Nói rồi Lâm chúi đầu vào tường cười khúc khích.
- Có ngay, có ngay! – tôi nói và bước nhanh đến bên chiếc xe máy của tôi, nhưng Lâm chạy lại níu lấy tay tôi, khẽ nói:
- Đã có xe của em ở dưới sân.
Tiếng “em” thốt ra từ miệng Lâm làm tim tôi như muốn bật ra khỏi lồng ngực. Tôi lập bập:
- Ừ nhỉ, anh đoảng quá!
Và Lâm để tôi nắm tay em kéo đi.
* *
*
Năm tháng sau, chúng tôi líu ríu chuẩn bị đám cưới. Nhưng chỉ còn một tuần trước lễ đính hôn, Lâm tất tưởi đến gặp tôi, mặt em tái mét nói như người hụt hơi:
- Hủy đám cưới đi anh!
Nói xong, em òa khóc và ôm mặt chạy ra cửa. Tôi đuổi theo giữ lại, nhưng càng giữ em càng khóc to hơn và giẫy giụa mạnh hơn. Sợ làm phiền đến những người chung quanh tôi đành để em ra về.
Tôi cố bình tĩnh nghĩ lại xem mình có làm điều gì sơ xuất dẫn đến tình trạng này không? Cả đêm tôi không ngủ được. Sáng hôm sau tôi đến nhà Lâm. Mẹ Lâm thấy tôi liền chạy ra đón. Tôi hỏi bà:
- Lâm có ở nhà không mẹ?
Bà ngơ ngác:
- Cái Lâm không nói với con à? Nó vừa vào Viện Quân y. Các thầy thuốc bảo em nó bị nhiễm chất độc mầu da cam.
Tôi quay xe phóng ra cổng mà quên cả chào bà.
* *
*
Tôi viết lại câu chuyện này bên giường bệnh của Lâm trong những ngày Lâm ngủ. Chúng tôi đã cưới nhau được một tuần. Những người bà con và bạn bè thân thích đều hiểu rằng, vì quá lo lắng chuẩn bị cho đám cưới mà Lâm bị rối loạn tiền đình. Còn Lâm thì được bác sĩ đính chính là do ông sơ suất nên đã đọc nhầm kết quả chẩn bệnh của người khác.
Chỉ có bố Kham và tôi cùng một vài thầy thuốc biết chắc rằng, cuộc sống của Lâm kéo dài được một năm nữa là cùng! Mấy hôm nay bố Kham suốt ngày im lặng, phần vì thương con gái nuôi, phần vì cảm thấy bất lực do không cản được tôi cưới Lâm. Nhưng có một lần tôi tình cờ nghe lỏm được ông nói với bà: “Thằng Hải thế mà giống tôi!”. Tôi vừa sung sướng vừa thông cảm với ông vì hiểu rằng với bản tính tốt đẹp của ông, trong lòng ông đang có những giằng xé không dễ gì giải tỏa.
Còn giờ đây, Tôi chỉ cầu mong một phép lạ thần kỳ nào đó sẽ cứu giúp vợ tôi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo này!
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2005.