Lời tác giả: Thầy Lương Ngọc Đệ lúc còn là cán bộ Ty giáo dục Quảng Bình, thầy rất tâm huyết với phong trào giáo dục của xã Hạ Trạch. Mặc dù về hưu nhưng khi trường THCS Hạ Trạch kỷ niệm 50 năm thành lập trường và đổi tên trường Lưu Trọng Lư thầy đã về dự, chia sẻ niềm vui với nhà trường. Thầy năm nay đã 84 tuổi, với căn bệnh hiểm nghèo thầy khó qua khỏi. Để thể hiện tấm lòng tri ân với người con làng Lệ Sơn, có cảm tình với người Cao Lao Hạ ( đã trở thành truyền thống giữa 2 làng). Sáu tháng qua Cảnh Giang đã biên tập sưu tầm chọn lọc những bài thơ viết tay của thầy, những bài thơ trên các báo để tập hợp lại tập thơ “Tiếng lòng” với 84 bài, NXB Thuận Hóa, để kỷ niệm cuộc đời của thầy, nhân dịp thầy thượng thọ tuổi 84 và 55 năm tuổi Đảng. Nhờ Cao Lao Hạ .Com chuyển tải bài viết giới thiệu về tập thơ của thầy trong mục “người Cao Lao với Làng Lệ Sơn”.
Vào lúc 7h sáng nay, Ban biên tập trang tin Cao Lao Hạ vừa nhận được thông tin Thầy giáo Lương Ngọc Đệ đã ra đi về cõi vĩnh hằng qua thông báo trên mạng Làng Lệ Sơn.com. Thay mặt BBT trang tin Làng Cao Lao Hạ, xin gửi đến quý gia quyến lời chia buồn sâu sắc trước mất mát to lớn này.
“TIẾNG LÒNG ” CỦA NGƯỜI CON NẶNG NỢ VỚI QUÊ HƯƠNG
Sinh ra và lớn lên nơi thượng nguồn sông Gianh lịch sử - Lệ Sơn (Văn Hoá, Tuyên Hoá), một làng quê văn vật, địa linh nhân kiệt trong “bát danh hương”của Quảng Bình: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ , Kim ”, thầy Lương Ngọc Đệ năm nay đã ngoài tuổi 84. Có thể nói 84 mùa xuân đã đi qua là những năm tháng thấm đẫm tình người, tình thầy trò, tình đồng chí, đồng đội, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, đến tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc, để rồi thầy chắt chiu, gom nhặt lại một tập thơ: “TIẾNG LÒNG” với 84 bài thơ thật xúc động.
Đọc thơ thầy ta thấy một tình cảm chân chất mộc mạc, dung dị, nhưng giàu lòng nhân ái, một tình yêu đậm đà sâu lắng. Hễ gặp “sự kiện” là tứ thơ dâng trào theo cảm xúc với tấm lòng nhạy cảm, đa mang của thầy. Tự hào quê hương Lệ Sơn văn vật, với tình yêu thiết tha, thầy viết: “Cũng dòng khoa bảng anh minh/ Cũng quan văn võ triều đình quý công …” (Nhớ về cội nguồn). Trong cuộc đời dạy học thầy luôn luôn trăn trở với quê hương nghèo khó, trăn trở với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đang còn thiếu thốn vất vả. Có lẽ chính vì vậy mà đề tài trong thơ thầy luôn nặng tình với quê hương, nặng tình với nghề dạy học: “Hai mươi năm trên vai nghề dạy học/ Qua nhiều trường nhiều lớp trẻ tươi vui / Tuyên Hóa thân yêu! Tươi trẻ cuộc đời/ Vinh dự lớn – tôi giơ tay tuyên thệ…” Thầy luôn nhắc nhở chính mình và nhắc nhở các thế hệ học sinh thân yêu: “Lịch sử nâng ta ngang tầm thời đại/ Biết mấy nghĩa tình ấm áp quê ta/ Các em mai đây chắp cánh bay xa/ Vẫn nhớ mãi ngôi trường làng yêu quý.” (Bài thơ tình văn hoá).
Từ tình yêu quê hương, yêu nghề dạy học, với tình làng nghĩa nước, mừng quê hương ngày càng đổi mới, thầy lại càng thấm thía công ơn của Đảng, Bác Hồ. Bởi vậy trong trái tim thầy luôn mang nặng một tình cảm thiết tha, lòng kính yêu Bác, vị cha già của dân tộc. Khi về thăm nhà Bác ở Kim Liên (Nghệ An), thầy đã xúc động viết: “Con nín thở nghe tim mình đập mạnh/ Bên bàn thờ phải ấn cột thêm tre/ Khách muôn phương lặng người rơi lệ/ Từ cảnh nón tơi mà cứu cả nhân quần…” (Về Kim Liên). Trong bài thơ nhớ Bác Hồ về thăm Quảng Bình, cảm xúc trước một tình yêu bao la, sâu đậm của Bác, khi nghe Bác nhắc đến bệnh chân voi ở Thanh Thủy và Hồng Thủy (Lệ Thủy): “Ôi! Lòng Bác bao la, dẫu bộn bề công việc/ Vẫn canh cánh nỗi lo nhắc nhở Quảng Bình/ Bác Hồ ơi! Nặng nghĩa nặng tình/ Lòng son sắt biết ơn Người mãi mãi.”
Một người đa mang giàu lòng nhân ái và bao trùm một tình yêu thường nhật, nên trong trái tim thầy luôn dành cho tình bạn, tình đồng nghiệp, tình thầy trò…Với bạn đồng niên khi tuổi cao, thượng thọ thầy đã vui mừng chúc: “Năm mới mừng nhau chén rượu nồng /Tuổi già đẹp lão thọ song song/ Cháu con hiếu thảo nhà phúc ấm /Nội ngoại sum vầy thỏa ước mong !..”( Mừng bạn…). Thầy thương bạn đồng niên đã vì dân vì nước hy sinh, trong bài “Nhớ bạn” thầy viết: “Đất Thành Cổ các anh nằm yên nghỉ /Hoa cỏ xanh theo sức sống trai làng /Văn Hóa quê mình thương tiếc bâng khuâng /Có máu xương anh trên bóng cờ thắng lợi…”. Khi nghe tin đồng nghiệp qua đời, đau đớn thương tiếc, thầy khóc: “Nhớ đồng chí Hòe ân tình quý mến /Trên ba mươi năm gắn bó với nghề /Tiết kiệm đồng tiền cho huyện cho quê / Thương thầy cô, học trò những ngày gian khó…”(Tưởng nhớ). Với bạn hiền tri kỷ, kỷ niệm những ngày công tác bên nhau, ký ức những ngày gian khó, cùng chung lưng đấu cật, dẫu bây giờ ai cũng đã bên con cháu, nhưng tình cảm đó vẫn theo thầy năm tháng: “Bốn mươi năm tuổi Đảng đang chờ/ Từ đồng nghiệp – đồng môn, ta thành người đồng chí/ Đôi bạn sắt son mối tình tri kỷ…”(Tâm sự).
Đọc thơ của thầy, ta còn thấy sự trọn đạo hiếu với ông bà, cha mẹ và tình cảm thủy chung son sắt với người bạn đời… Bởi vậy trong thơ thầy lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng:“Ngày giỗ tổ con thắp hương tưởng niệm /Tay run run nước mắt ứa lưng tròng /Chốn bồng lai mong Mẹ hiền an lạc/Về với tổ tiên nơi chốn vĩnh hằng…” (Như được gặp Mẹ). Hay là tình cảm của thầy đã dành cho con trai, con gái, cháu chắt nội ngoại, qua những vần thơ mộc mạc, chân chất, chứa đựng một tình yêu thương vô bờ bến, như bài thơ: Tiễn con vào cấp ba, Tiễn con vào trường đại học, Tâm sự với con gái đầu lòng, Mừng cháu vào đại học, Nhận thư cháu, Tâm sự với cháu, Cháu nội vào lớp một, Nhật ký mừng cháu ngoại…, thầy khuyên nhủ, dạy bảo cháu con, luôn nhớ công cha, nghĩa mẹ, luôn hướng về cội nguồn, để phát huy truyền thống gia đình và làm rạng rỡ cho quê hương.
Mặc dù đã quá tuổi xưa nay hiếm, nhưng thầy Lương Ngọc Đệ vẫn không lúc nào ngơi nghỉ, thầy vẫn luôn dành tình thương cho thế hệ trẻ, thầy vận động xây dựng quỹ khuyến học, để khuyến học khuyến tài; vẫn lăn lộn, trăn trở với phong trào của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức và câu lạc bộ thơ Lệ Sơn Xuân vọng…Có những lúc trên giường bệnh thầy vẫn cộng tác đều với các báo và lúc nào khỏe được thầy lại đi nhiều nơi để viết bài nêu gương “người tốt việc tốt”…
Khép lại tập thơ “TIẾNG LÒNG” của một thầy giáo nghỉ hưu, một nhà thơ không chuyên, dẫu còn nhiều hạt sạn, nhưng đúng như tên gọi của “TIẾNG LÒNG” đây là một sự tri ân của thầy, một người con suốt đời nặng nợ với quê hương; đồng thời, cũng là sự ghi dấu chặng đường hơn tám thập kỷ thầy Lương Ngọc Đệ đã đi qua. Tập thơ là món quà quý giá, được xuất bản đúng dịp thầy Lương Ngọc Đệ thượng thọ 84 tuổi và tròn 55 năm tuổi Đảng.
Thời gian rồi sẽ lùi xa, nhưng dư âm của “TIẾNG LÒNG” sẽ mãi mãi đọng lại trong ký ức và tình cảm đồng chí, đồng đội, các thế hệ học trò và con cháu của thầy