Nhắc đến tuổi thơ tôi là nỗi nhớ những tiếng rao kem. Hồi đó, kem mút là món ăn vô cùng ưa thích của bọn trẻ chúng tôi, đặc biệt là trong những ngày hè nóng nực. Tôi còn nhớ, một que kem giá chỉ có 200 đồng - một cái giá rất phù hợp với túi tiền của nông dân nghèo. Đứa nào có 1000 thôi là đủ tiền cho cả xóm ăn kem rồi. Những bạn nào sinh ra và lớn lên ở thành phố thì đa phần không được biết cái âm thanh đó thú vị như thế nào. Nhưng đối với những người sống ở vùng nông thôn như tôi, âm thanh ấy đã trở thành một phần không thể thiếu được của tuổi thơ - tiếng rao của hàng kem bán rong.
Nếu ai từng được nghe thấy cái âm thanh dễ thương này thì chắc chắn cũng không thể quên được hình ảnh người bán kem miệt mài đạp xe, đằng sau chở theo một thùng kem được làm bằng gỗ, kèm theo 2 bên sườn xe là những mảnh sắt vụn, đồng nát, những túi đựng lông ngan, lông vịt, chai bia, nhựa... Và trên tay họ, luôn cầm theo một thiết bị rất đặc biệt mà chính nhờ nó mà cái thứ âm thanh kia mới được phát ra.Thiết bị đó được thiết kế rất đơn giản. Nó gồm 2 bộ phận chính: một chiếc kèn bằng đồng dài khoảng 15 cm và một cái chai nhựa dẻo có thể là một cái lọ dầu gội đầu, một chai dầu rửa bát đã dùng hết hay bất kỳ cái gì tương tự như thế. Chiếc loa đồng được nhét vào miệng cái chai nhựa kia rồi quấn chặt lại bởi dây chun. Đơn giản vậy đó! Khi lấy tay bóp vào cái chai nhựa, âm thanh sẽ phát ra. Thú vị hơn nữa, khi ta thả tay ra, vẫn có tiếng phát ra nhưng âm thanh thứ hai này nhỏ và dài hơn âm thanh trước đó: "Kem mút, kem mút, kem mút, kem..".
Không hề có một từ ngữ nào hết, ấy vậy mà mỗi lần nghe thấy nó, hình ảnh một chiếc kem màu trắng mát lạnh lại hiện ra. Khi đưa que kem đó gần tới miệng, hơi lạnh của nó tỏa ra. Mềm mại và nhẹ nhàng, nó lan quanh vùng miệng, từ đôi môi xuống tới cằm rồi ùa qua hai bên má. Hương thơm từ sữa phảng phất luồn vào cánh mũi, len lỏi, len lỏi, chậm rãi... Hương thơm và hơi lạnh của nó tạo nên một thế gọng kìm không thể công phá, nó quyến rũ bất kỳ ai một khi đã cầm nó ở trên tay. Rồi khi ta đưa nó vào miệng, hàm răng và đôi môi ta chạm vào của nó, lưỡi áp sát vào cơ thể trắng nõn nà của nó... Vị ngọt thẩm thấu sâu vào từng tế bào lưỡi, hơi lạnh bắt đầu lan tỏa khắp hai hàm răng và đôi môi, rồi lan xuống lợi từ đó lan tỏa ra khắp khoang miệng. Một cảm giác mát lạnh, sảng khoái bao trùm y hệt như cảm giác đứng dưới một thác nước giữa một rừng cây xanh mát.
Hồi ấy, cuộc sống người dân còn nghèo, rất ít hộ gia đình có tủ lạnh nên giải nhiệt bằng kem là sự lựa chọn tuyệt vời trong mùa hè nóng bức. Cứ mỗi lần nghe thấy cái âm thanh quen thuộc đó, sự thèm muốn lại dâng lên trong mỗi đứa trẻ chúng tôi. Đứa nào có tiền thì chỉ việc chạy ra mua. Còn những đứa không có tiền mặt, thì bắt đầu lùng sục khắp nhà, khắp vườn xem có nhôm nát, sắt vụn, nhựa hỏng, chai bia thủy tinh gì không để đem ra đổi kem.
Tuổi thơ bọn tôi còn là những lần nhảy lên xe tải trộm mía, trộm dưa. Hồi ấy ở Nạp Thành người ta trồng nhiều dưa nhiều mía lắm, cứ đến mùa là xe tải chạy qua đường Quan ùn ùn nối dài thành đoàn thu mua mía, dưa. Thế là chúng tôi thường núp ở bên đường, đợi xe tải chạy qua là 2,3 đứa nhảy lên thùng sau xe bưng vài bó mía, vài quả dưa hấu vứt xuống, 2, 3 đứa ở dưới sẽ có nhiệm vụ nhặt và chạy :d. Gặp những đợt cao điểm, xe chạy vội, chúng tôi nghĩ ra cách xếp gạch, xếp đá giữa đường, xe không qua được thì lái xe phải nhảy xuống để dọn gạch đá qua một bên, và chúng tối thừa cơ hội đó nhảy lên thùng xe và trộm mía, trộm dưa.
Ôi tuổi thơ dữ dội của tôi! Nhớ lắm.Tuổi thơ của tôi còn gắn liền với những đêm hè trăng sáng, không phải là tìm xem chú Cuội đang ngồi ở đâu dưới gốc cây đa cũng không phải là chị Hằng xinh đẹp trong đầu óc non nớt toàn những câu chuyện cổ tích mà đó là những trò chơi dưới đêm trăng. Hè về, rơm rạ phơi đầy đường và đây cũng là chỗ lý tưởng để bọn trẻ con chúng tôi chơi trò trốn tìm. Dường như tất cả những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong các vùng nông thôn đều biết đến trò chơi này… “5…10…15…20…100 cấm trốn sau lưng cấm trốn trước mặt, cách xa 3 mét mở mắt đi tìm”. Mắt đang nhắm bỗng mở to tròn. Nhìn xung quanh mình, mọi thứ vắng tanh, trống trơn. Cả đám bạn mình đâu hết rồi? Hồi ấy mùa hè tôi mặc mỗi cái quần xà lỏn nhưng vẫn chui vào trong đống rơm khô rồi phủ rơm lên kín hết người, có đứa thì chui vào bụi cây, đứa thì trèo lên trên cây cao.
Hồi đấy còn nhỏ cứ thấy vui là chơi hết mình chứ có nghĩ gì đến bẩn bựa gì đâu, thế là về nhà phải tắm mới được không thì ngứa chết. Chơi trốn tìm chán hoặc ít người chơi thì hôm sau chúng tôi lại chơi rồng rắn lên mây… Những đêm trăng sáng còn là thời điểm lý tưởng để bọn tôi tìm ra sân bóng thôn 7, chúng tôi đá hết mình với quả bóng nhựa không khác gì đang đá buổi ngày. Những đêm trăng sáng đấy không thể thiếu cái đêm trung thu được. Trung thu không dành riêng cho bất kỳ ai. Ngày bé, cứ mỗi dịp Trung Thu, chỉ cần nhìn thấy đèn ông sao, đèn lồng đỏ, mặt nạ hoạt hình treo đầy ở các cửa hàng là đã thấy không khí Trung thu rạo rực lắm rồi. Cả ngày chỉ ngồi chờ đến khi trăng sáng, chị Hằng lên để đi rước đèn cùng chúng bạn rồi đợi để nhận được những túi kẹo, những cái bánh Trung thu và những phong bì cho những ai có bằng khen về thành tích học tập tốt.
Hồi đấy trung thu lũ trẻ chúng tôi thường vác đèn ông sao ra địa điểm phát quà của thôn (thường là nhà của một cô chú nào đó trong thôn vì hồi đấy trụ sở thôn chưa xây) nhận kẹo sau đó mấy đứa bọn tôi thường đi bộ ra cầu Gianh, tung tăng rước đèn hóng gió, đến khoảng 10h tối thì về. Nhớ hồi đấy mấy đứa con gái nhỏ nhỏ trong xóm thích chạy theo bọn tôi lắm, nhưng chả bao giờ chúng tôi cho chúng nó theo cùng, với bọn tôi hồi đấy con gái là một lũ phiền phức, chỉ làm vướng tay vướng chân những trò nghịch ngợm của bọn tôi, nên dù cho chúng nó khóc lóc, mách ba mẹ bọn tôi cũng cứ thế chạy đi và bỏ rơi chúng nó, món mà chúng tôi thích nhất trong những mùa trong thu là cái loại bánh mà 500đ một cái, một gói 10 cái là 5000đ, làm bằng bột gạo hay bột sắn gì đấy, nhân là một ít trứng và thịt mỡ, ăn sao mà ngon lành đến thế, bây giờ nhiều loại bánh ngon, đắt tiền nhan nhản trên thị trường nhưng phải thừa nhận không tìm đâu ra loại bánh ngon lành như cái loại bánh 500d 1 cái mà chúng tôi thưởng thức thưở ấy. Ôi tuổi thơ của tôi!