Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Tình quê trong thơ Lưu Đức Trung

Bài viết của chị Hoàng Kim Oanh, học trò của PGS Lưu Đức Trung nhân 8 năm giỗ của Thầy

Tác giả Hoàng Kim Oanh và thầy Lưu Đức Trung

TÌNH QUÊ NỖI NIỀM TRONG CHÙM THƠ HAIKƯ CỦA PGS. LƯU ĐỨC TRUNG

 

Bỗng nhớ đến quê hương, gửi chút tình quê qua mấy bài haiku của thầy Lưu Đức Trung trong tập thơ "Hoa bìm bìm"

1.

 Bên giậu mồng tơi

chú chó vẫy đuôi

đón tôi trở về. 

2.

Hoa bưởi rụng

gánh nước đầy

mắt lúng liếng. 

3.

Ao sen trắng

bên ngôi chùa

đêm trăng thanh. 

4.

Tôi kéo cần câu

con cá đâu mất

chỉ còn chiếc phao.

5.

Hái đầy mơ

trượt ngã

hai bàn tay không.

 Tôi chưa biết và cũng chưa đến quê thầy, và cũng không phải người am tường về thể haiku ngoài những lý thuyết chung chung sách vở nào click Google cũng có… Nhưng, đọc chùm thơ haiku này cảm thấy như gặp lại làng quê nội Thái Bình xa xôi của tôi, cái làng quê bao năm tôi chỉ biết qua những hồi ức của ba tôi, mãi gần đây, tôi mới đôi phen tìm về…

Cũng những dây mồng tơi đó, quấn quýt bên bờ giậu xanh rờn… Cũng hoa bưởi trắng thoảng hương đung đưa trong nắng đó…Cũng ao cá, ao bèo đầu ngõ, ao sen bên sân chùa đó…như bức tranh quê của thầy trong dòng hồi nhớ mảnh đất quê hương chôn rau cắt rốn…Bình dị, quen thuộc mà da diết biết bao. Nhưng cảnh cứ là cảnh, đứa con bao năm lạc loài tận phương Nam như tôi, dù từng cảm thức được về mảnh đất quê nội gốc gác thiêng liêng:

Có một chốn bình yên

Tôi đi khắp muôn nơi

Vẫn mơ về nguồn cội…

(Hoàng Kim Oanh)

vẫn không sao có cái nỗi nhớ cháy lòng đẫm trong hồn cảnh vật như thầy.

Từ “chú chó vẫy đuôi” đón người chủ cũ trở về đến đôi “mắt lúng liếng” nào đó sóng sánh “gánh nước đầy” “đêm trăng thanh” ngạt ngào hương bưởi… Cả cái “ao sen” với màu trắng dịu mát thanh thoát đặc biệt ấy như cũng gợi lên bao kỉ niệm thanh xuân một thời…

“Ao sen trắng

bên ngôi chùa

đêm trăng thanh”.

Haikư coi trọng thiên nhiên trong mối tương thông kỳ diệu của nó với vũ trụ và con người. “Cảnh vật trong thơ haiku bao giờ cũng là của một khoảnh khắc thực tại chợt hiện ra trước mắt nhà thơ. (…) Đây là một dấu ấn của Thiền tông. Bởi vì Thiền đề cao vai trò của khoảnh khắc thực tại đối với việc tu tập, giác ngộ. Hành giả có thể giác ngộ trong một khoảnh khắc (đốn ngộ). Khoảnh khắc thực tại là tài sản quý giá nhất mà mỗi người chúng ta có được.” (Nguyễn Thị Mai Liên, Đặc điểm thơ Haiku)

Đọc lần nữa các bài 1, 2, 3, tôi lại lan man nhớ những câu ca dân dã “Hôm qua tát nước đầu đình…”, “Đêm thanh anh mới hỏi nàng”…(Ca dao); lại mênh mang… “nhà nàng ở cạnh nhà tôi…” (Nguyễn Bính); rồi nghe ngan ngát cả mùi hương “hoa bưởi thơm cho lòng bối rối…” (Phan Thị Thanh Nhàn)…Xâu chuỗi những hình ảnh và cả những liên văn bản (intertextuality) thú vị các “điển” văn chương kim cổ ấy, tôi tưởng như “đọc” được cả một mối tình quê thật đẹp, vừa đằm thắm vừa thiết tha, say đắm và trong vắt như một bài ca dao muôn thuở…

Đó là kí ức.

Đó là kỉ niệm.

Một thời, lứa đôi…

Hai bài cuối 4 và 5 trong chùm thơ mà tôi tạm mạn phép tác giả mượn một từ để đặt tên theo cách cảm của tôi là “Tình quê” này (dẫu biết thơ Haiku không có nhan đề), dường như lại vẽ lên một bức chân dung khác. Tôi gặp nỗi niềm cô đơn của Nguyễn Khuyến trong “Thu điếu” khi GS Lưu Đức Trung ngơ ngác ngậm ngùi:

“tôi kéo cần câu

con cá đâu mất

chỉ còn chiếc phao”…

Cả một tâm sự đau đáu của người trí thức yêu nước…Nguyễn Khuyến còn có chút hy vọng mong manh “cá đâu đớp động dưới chân bèo”, dù chỉ một xao động cực khẽ cũng là một sự hiện hữu, một thoáng tương thông… Còn bài haikư của thầy là một sự trống vắng đến tuyệt nhiên, đối tượng chờ đợi “con cá” xuất hiện chỉ để nói về cái vắng mặt, “chỉ còn chiếc phao” phập phồng trên mặt nước-như dòng đời lặng lờ, vô nghĩa, không chút niềm vui, không chút ủi an, không chút hy vọng. Hình ảnh “con cá”- thành quả lao động mà nhà thơ thảng thốt: “đâu mất” còn khiến tôi lan man nghĩ tới con cá kiếm đẹp đẽ, con cá mơ ước của bất cứ người đánh cá nào một lần trong đời có thể câu được để chứng minh cho danh dự một người câu cá của Hemingway: “You did not kill the fish only to keep alive and to sell for food, he thought. You killed him for pride and because you are a fisherman. ” Thế mà thành quả ấy đã bị đàn cá dữ xâu xé chỉ còn lại bộ xương trắng…! Ở bài thơ này, không có cái hiện thực dữ dội như của Hemingway, mà là một hiện thực được miêu tả rất nhẹ nhàng, tự nhiên ở hai dòng đầu, để rồi sang dòng thơ thứ ba cảm giác hụt hẫng, mất mát, thất vọng, tiếc nuối cứ lan toả khắp bài. Một sự bất lực đầy kiêu hãnh. Ôi, ai đã từng hy vọng vào một điều gì đó đẹp đẽ, chắc chắn sẽ hiểu thế nào là thất vọng như nỗi thất vọng trìu trĩu trong câu cuối bài thơ này.

Tôi thích cách dùng từ đa nghĩa, nhiều ám dụ của thầy trong bài cuối cùng. “Hái đầy mơ”. Quả mơ? Ước mơ? Giấc mơ? Mơ mộng?… Tiếng Việt có những trường hợp đồng âm khác nghĩa thú vị lạ lùng cho mảnh đất thi ca, mở rộng biên độ khoảng cách không cùng giữa tác phẩm và người đọc! Cả bốn đều có thể lắm chứ! Nghĩa hiển ngôn của cả bài: hái thật nhiều đến đầy hai tay những quả mơ chín mọng, bất chợt trượt ngã, chỉ còn hai bàn tay không. Giống cái cô hàng sữa của La Fontaine thế! Hình như cô đã ảo tưởng quá nhiều? Mơ mộng quá nhiều? Tham lam quá nhiều? Viễn vông quá nhiều? Nhưng kiếp vô thường ngắn ngủi của chúng ta ai mà không từng tham lam, không từng ảo tưởng, mơ ước viễn vông? Phải hiểu chữ “tham” ở nghĩa tích cực của nó, đối lập với kiểu sống dửng dưng mọi sự, nhàn nhạt, không ước mơ, không hy vọng… kiểu hai cô gái của Xuân Diệu trong “Toả nhị Kiều” phải không thầy? Có những tâm hồn bao giờ cũng “tham” cái đẹp. Mơ ước cái đẹp. Mong muốn cái đẹp. Cho con người, cho cuộc đời…Những quả mơ, những giấc mơ, những ước mơ…hay trạng thái mơ màng mộng mị vời xa. Ôi, chỉ phút giây, chỉ một cái “trượt ngã” vô tình của số phận, không còn gì cả: “hai bàn tay không”…như lúc ta đến với thế gian này, như lúc ta rời bỏ cõi mộng mong manh này…

Bìa tập thơ Hoa bìm bìm của thầy Lưu Đức Trung

Tác giả: Hoàng Kim Oanh

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Mùa vàng trên quê hương

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 4934

    Trong tuần: 20435

    Trong tháng: 60708

    Tổng số: 699603

    Đang online: 51

    quan_ly_thong_bao