Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Trường cấp 2 Hạ Trạch ngày ấy

Hồi ký của Đỗ Hoàng, nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban thơ Tạp chí Nhà văn

 

 

Trường Phổ thông Trung học cơ sở Hạ Trạch vinh dự mang tên nhà thơ nổi tiếng Lưu Trong Lư. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng thật vinh hạnh khi tên mình được đặt cho trường trung học cơ sở quê nhà.

 

Nhớ lại hơn 5 năm trước khi trường chuẩn bị buổi lễ trọng thể đổi tên trường, thầy giáo hiệu trưởng của trường Nguyễn Tiến Chung, đồng  thời là nhà thơ Cảnh Giang, hội viên Hội Văn nghệ Quảng Bình vừa có thư mời, vừa điện trực tiếp cho tôi sắp xếp làm sao về dự buổi lễ.

 

Tôi không chút đắn đo, chần chừ, nhận lời ngay và cố gắng sắp xếp để vệ dự buổi lễ đổi tên trường hiếm có này.

 

Tôi theo chuyến xe tốc hành chuyên chạy ban đêm từ Hà Nội vào Quảng Bình, đến quá cầu sông Gianh thì dừng lại đi bộ về trường Hạ Trạch nằm bên bờ nam sông Gianh.   Đến trường tôi gặp rất nhiều đại biểu quan khách, giáo viên, học sinh cũ của trường về dự lễ, có cả con cháu gia đình nhà thơ Lưu Trọng Lư. Tôi nhận ra anh Lưu Trọng Hải, còn trai trưởng của nhà thơ, anh Lưu Trọng Tường, Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Bình. Chỉ vắng có người con gái và đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang bận đi làm phim.

 

Anh Hải, anh Tường tôi không biết, chứ Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Bình đều là anh em đồng nghiệp. Lưu Trong Bình còn thân hơn vì tôi và Bình đều làm báo hồi ở tỉnh Bình Trị Thiên. Tôi ở bên báo Dân, Bình ở bên Đài phát thanh Bình trị Thiên. Anh em gặp nhau hàn huyên đủ thứ chuyện. Anh Cảnh Giang cho biết ngoài kinh phí trên cấp, anh em nhà Lưu Trọng Lư và dòng tộc họ Lưu ở Hạ Trạch cũng có đóng góp thêm phần kinh phí giúp cho buổi lễ.

 

  - Thật vinh dự cho nhà thơ các anh ạ - Cảnh Giang trầm trồ - Hạ Trạch nhiều nhân vật nổi tiếng, nhà chính trị, nhà quân sự, danh sỹ. Ai cũng xứng đáng được đặt tên trường. Cấp trên, nhân dân và chúng tôi cân nhắc mãi và cuối cũng ai cũng đồng ý lấy tên nhà thơ Lưu  Trọng Lư đặt tên trường.

  - Đó là phần thưởng tinh thần rất xứng đáng cho nhà thơ. Nhà thơ được quê hương tôn vinh, còn vinh dự nào bằng! - Tôi nói thêm.

 

                                                   *

                                                 *  *

 Buổi lễ khá long trọng theo nghi lễ học đường. Các đại biểu ngồi trên đài cao, học sinh diễu hành đi qua lễ đài trong tiếng nhạc vang lừng. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chung thay mặt Ban giám hiệu, thay mặt nhà trường đọc bản tống kết thành tích năm học và quá trình xây dựng phát triển trương phổ thông trung học cơ sở Hạ Trạch.

 

Báo cáo nêu rõ: Hạ Trạch anh hùng là một làng quê nghèo nhưng hiếu học; là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong các triều đại phong kiến. Hạ Trạch là một trong những địa phương có phong trào văn hoá giáo dục phát triển sớm nhất của tỉnh Quảng Bình. Từ 1920 làng Hạ Trạch đã có trường sơ học yếu lược; sau cách mạng  tháng 8/1945 có trường cấp I Hạ Trạch. Năm học 1959 – 1960 trường cấp I Hạ Trạch do thầy Nguyễn Đức Bảo quê ở xã Cảnh Dương làm hiệu trưởng mới có 1 lớp nhô là lớp 5 gồm 53 học sinh nhưng sang năm học 60 - 61 trường đã có thêm một lớp 5 và một lớp 6 gồm hơn 100 học sinh, tách ra thành lập thêm trường cấp 2 Hạ Trạch do thầy Hoàng Nghĩa Châu quê Nghệ An làm hiệu trưởng.

...

Ngày 5/8/1964 đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cả nước có chiến tranh, các hoạt động dạy và học của nhà trường chuyển qua thời chiến. Các lớp học phải sơ tán vào nhà dân, mỗi ngày học 3 ca: sáng, trưa, chiều, mỗi ca không quá 25 em nhằm giảm thiểu thương vong khi máy bay địch điên cuồng bắn phá. Học sinh đi học phải đội mũ rơm, hệ thống hầm chữ A, lớp học ngầm, giao thông hào hối liền từ nhà đến lớp… Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhưng phong trào thi đua “Hai Tốt” vẫn được duy trì và phát triển. Khẩu hiệu của nhà trường lúc này là: “Đi học là đánh Mỹ, học giỏi là thắng Mỹ”; “Một điểm 5 là một viên đạn bắn vào đầu thù…” Thiếu giấy các em lấy vở, giấy đã viết, ngâm nước vôi nước gạo phơi khô để dùng, lấy đất sét trắng làm phấn viết… Việc học tập cá nhân, tổ nhóm phải chuyển xuống hầm, chiếc đèn phòng không đã giúp cho các em học sinh làm bài tập, thầy cô soạn giáo án… Nhà trường vượt qua mưa bom bão đạn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

 

Đặc biệt 5 năm qua nhà trường vẫn không ngừng phát huy những thành quả và truyền thống của tổ đội lao động XHCN của trường tiên tiến cấp huyện cấp tỉnh, là xã giáo dục toàn diện, là đơn vị phổ cập tiểu học xoá mù chữ, phổ cập đúng độ tuổi sớm nhất của huyện Bố Trạch, là đơn vị đạt phổ cập THCS với các chuẩn khá vững chắc. Thực hiện cuộc vận động “Hai không với bốn nội dung” của Bộ giáo dục, nhà trường đã đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cấp tỉnh từ năm học 2005 - 2006 đến nay, với đội ngũ HSG, GVG cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng nở rộ; các cô giáo Nguyễn Thị Hoài Phúc, Lê Thị Thắm, Hoàng Thị Thắm, Hoàng Thị Hà.v.v… liên tục nhiều năm là GVG cấp huyện cấp tỉnh, cùng nhiều thầy cô khác có công trong việc bồi dưỡng HSG cho trường, cho huyện và cho tỉnh. Đơn vị công đoàn liên tục nhiều năm thực sự là tổ ấm, là đơn vị công đoàn vững mạnh xuất sắc được Liên Đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen. Nhà trường hai năm liên tục 2006 - 2007, 2007 - 2008 tỷ lệ học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT đứng thứ 2 của Huyện Bố Trạch.

 

Năm học nay (2008 - 2009) Đảng bộ HĐND, UBND xã Hạ Trạch đã được huyện uỷ và UBND huyện Bố Trạch ra quyết định số: Ngày 28/8/2008 đổi tên trường THCS Hạ Trạch thành Trường THCS Lưu Trọng Lư. Đó là một vinh dự lớn cho trường. Trường  từng bước tích cực hoàn thiện các chuẩn của trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2005 - 2010 ...

 

                                                   *

                                                 *  *

 

Tôi được mời về dự buổi lễ ngoài tình thi hữu với nhà thơ Cảnh Giang, tôi còn là thầy giáo cũ của trường phổ thông trung học cơ sở Hạ Trạch. từ thập kỷ 70 thế kỷ trước.     Đầu năm 1970, khi những cơn mưa giêng hai vẫn còn dai dẵng trên núi lèn Cao Mai, nơi trường sư phạm Quảng Bình sơ tán, lớp Cao đẳng Sư phạm 10 + 1 cấp hai của chúng tôi rục rịch chuẩn bị đi thực tập ở các trường cấp 2 phía bắc tỉnh. Sau khi tôi dạy thực tập gờ tốt xuất sắc "Ánh sáng truyền theo đường thẳng" cho lớp thực nghiệm của trường Sư phạm, tôi được bổ sung vào danh sách giáo sinh thực tập trường cấp 2 Hạ Trạch - một trường tiên tiến nổi tiếng nhất của Quảng Bình thời đó.

 

Nghe thực tập trường cấp 2 Hạ Trạch không chỉ tôi mà tất cả các anh chị em khác đều rất vui và tự hào. Tôi đã nghe tên Hạch Trạch qua đọc tiểu sử và thơ của nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến Lưu Trọng Lư. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đi thao Cách mạng nhưng thơ tiền chiến của  nhà thơ không được dạy trong trường phổ thông. Chúng tôi chỉ đọc chui và học lãm các anh chi đi trước. Nhưng tôi thuộc nhiều bài thơ trong tập thơ Tiếng Thu của nhà thơ. Tôi biết Hạ Trạch là làng Cao Lao hạ từ đó. Thơ Lưu Trọng Lư có vẻ đẹp sang trọng mang mác ru hồn người:

 

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

        
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ?
 
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô ?
 
hay:

 

Mỗi lần nắng mới hắt bên sông

Xao xác gà trưa gáy nảo nùng

Lòng rợi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại giữa tầng không...

 

Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới ra ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước dậu phơi...

 

Tôi sẽ về quê nhà thơ dạy học. Thật vinh dự bao nhiêu!

 

Hạ Trạch, làng Cao Lao lúc đó tuy máy bay Mỹ ngừng băn đã hai năm nhưng vẫn còn xơ xác lắm. Giêng hai tre phéo vàng vọt, lá rụng đầy đường còn trơ cành khô khẳng khiu. Trong các vườn, chuối lau lá cũng vàng vọt không kém. Hố bom trong làng nham nhở không khác gì hố bom ngoài bãi phà Gianh.

 

Làng Cao Lao Hạ không khác gì cái làng Thuận Trạch tục gọi là làng Trạm của tôi. Sau máy bay Mỹ ngưng ném bom đâu đâu cũng xơ xác, tang thương. Trường cấp 2 Hạ Trạch nhà tranh vách đất, nhiều lớp học sơ tán trong dân vẫn ở nửa nổi, nửa chìm trong lòng đất. Ban giám hiệu làm việc ở trường cũng làm trong nhaà hầm. Quanh trường là một tường rào bằng trền kết lại từng tấm vừa ngăn người lạ, vừa ngăn trâu bò vào phá trường.

 

Đoàn giáo sinh thực tập của chúng tôi độ mươi người dược Ban giám hiệu đón tiếp niềm nở, chan hoà. Thầy hiệu trưởng trường tiên tiên của tỉnh tên là Trọng, lúc đó độ 30 tuổi. Thầy mặc quần ka ki màu đất, áo pôpơlin (loại vải hồi đó) trằng, bò vào thùng rất lịch sự, nha giáo. Buổi lễ đổi tên trường ông có về dự. Anh Cảnh Giang chỉ cho tôi một ông già râu tóc bạc phơ, người to đậm đang ngồi trên ghê đại biểuvà nói : thầy Trọng từng làm trưởng phòng giáo dục huyện đã về hưu lâu rôi.

 

Tôi được phân công làm chủ nhiệm lớp 6A (tương đương lớp 8 hiện nay), cô giáo Bùi Thị Hồng Vĩnh dạy văn làm chủ nhiệm lớp 6B. Vĩnh thon thả rất xinh đẹp, người Đồng hới. Hồi đó con gái thị thành cao sang lắm. Chúng tôi là những anh nhà quê đặc sệt làm sao mà mơ được. Tuy thế tôi cũng rất si mê Hồng Vĩnh. Hồng Vĩnh cũng đáp lại trên tình nồng thắm rất mô phạm của mình. Sau này trường tinh giảm biên chế, Bùi Thị Hồng Vĩnh phải rời trường Sư phạm đi lao động nơi xa. Hồng Vĩnh có một lần gửi thư cho tôi lúc đang về ở Đồng Hới chưa đi làm việc. Chữ của Hồng vĩnh rất đẹp, mạnh mẽ như chữ con trai. Một lần đóng quân gần bãi đá Vĩnh lao động, tôi có đến thăm người đẹp một lần và từ đó cho đến nay không biết mỹ nhân đi đâu. Thật tiếc nuối!

 

Không chỉ tôi, các thầycô trong đoàn thực tập rất say sưa soạn bài, giảng bài. Tuổi mười chín đôi mươi tràn đầy nhiệt huyệt. Lòng yêu nghề mến trẻ được nhân lên khi những giờ dạy có chất lượng được học sinh, phụ huynh tin yêu, nhà trường, đồng nghiệp biểu dương.

 

Ai cũng đem hết kiến thức mình học được truyền thụ lại cho các em.

 

Ngoài toán ra, tôi rất thích môn tâm lý và giáo học pháp. Tôi mơ ước mình sẽ làm công trình tâm lý với chuyên đề Chú ý. Tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm 10, 15 đứng lớp để làm công trình khoa học này. Và sẽ công bố cho ngành biết " nếu học sinh chú ý học thì sẽ tiếp thu được 90 đến 95% bài giảng trên lớp".

 

Lớp tôi chủ nhiệm có em Phương hay em Phượng làm lớp trưởng rất quán xuyến nên tôi đỡ đần cho tôi nhiều việc.  Học sinh Hạ Trạch rất nghèo nhưng chăm học vô cùng , ngoan vô cùng và học khá, nhiều em rất giỏi cả văn và toán. Các em đến lớp hai phần ba mắc áo vá, đi chân đất, nhiều em còn mặc quân đùi đi học. Nhiều em cả năm chỉ có một bộ quần áo đi học cơ cảnh như tôi hồi học cấp hai. Tôi hết sức chia sẻ sự nghèo hèn của các em. Rồi chỉ biết động viên các em cố gắng học đừng bỏ học giữa chừng.

 

 Một lần tôi đang giảng bài thì học sinh cả lớp la thất thanh:

- Bạn Hải ngất thầy ơi!

Tôi bỏ phấn chạy xuống bàn Hải đang ngồi và cũng luống cuống như học sinh.

- Vì sao ? - Tôi hỏi không ra hơi

- Bạn say sắn thầy ạ! - Học sinh nói.

  Lúc ấy tôi mới bình lại vì biết say sắn cho ăn mía hoặc uống đường là khỏi ngay. Tôi lệnh cho học sinh đi xin mía đem về giả nước cho Hải uống.

  Hơm giờ sau thì em tỉnh lại.

  Quê tôi nhiều em bé đói ăn phải sắn dắng ngộ độc dẫn đến tử vong rất nhiều.

 Học sinh cho biết nhà Hải nghèo lăm. đi học nhịn đói, ăn phải sắn đắng nên nhiều lần suýt chết.

  Tôi lên lớp dặn các em khi ăn phải chọn sắn. Sắn dùng mài lấy bột, lộc chất đắng, làm bánh ăn không chết, ăn cả củ có khi tử vong.

  Hải là tay quản ca của lớp. Em hất rất hay bài Chú ếch con. Lúc nào lớp 6A cũng mở màn Chú ếch con.

"Kìa chú là chú ếch con/ có hai là hai mắt tròn/ Chú ngồi học bài một mình bên cạnh kề vườn xoan/Bao chú rô ron/ Có bao chú chim ri/ Nghe tiếng hát mê li/ Cùng vui thích chí cười khì..."

  Hải hát xuất sắc, học toán rất giỏi. Cậu ta làm tôi một lần phải thán phục.

  Nhân giờ ngoại khoá, (tiêu chuẩn chấm điểm giáo sinh thức tập) tôi kể chuyện nhà toán học Gau xơ (đức) cho học sinh nghe. Tôi nói rằng: "Gau xơ là một thiên tài toán học. ông biết làm tính trước biết nói. Khi Gau xơ đang học cơ sở, thầy giáo ra đề bài tính tổng các số từ 1 đến 100. Cả lớp cặm cụi làm. Nhiều em cứ cộng 1 vào 2 rồi cộng vào 3... Còn Gau xơ giơ tay lên nói đáp số ngay. Thầy giáo hết lời khen ngợi nói: - Con lớn lên sẽ là một nhà toán học thiên tài. Quả đúng như vậy."

  Hải giờ tay xin phép:

- Em cũng tính ra rồi.

- Em tính như thế nào? - Tôi hỏi.

- Em nhóm tổng thứ tự số đầu và số cưối lần lượt - Hải trả lời - Tổng là 5050

 Tôi khen động viên hết lời:

- Em là một thiên tài Gau xơ thứ 2

 

Hôm chia tay lớp để về thi tốt nghiệp ra trường, học sinh viết cho tôi rất nhiều lưu bút. Riêng Hải tặng tôi một bài thơ:

 

Thời gian trôi như cánh én bay

Đứng trên quê Hạ, mảnh đất này.

Chúng em học tập và khôn lớn

Nhờ công chăn chút, nhớ ơn thầy!

 

 Đọc thơ Hải tôi hết sức khâm phục. Mới lớp 6 mà em đã làm bài thơ tứ tuyệt không lỗi vận, ý tứ hàm súc, rất khá

- Sau này em sẽ là một nhà toán học và một nhà thơ có tài! - Tôi thành thực khen.

 

                                                  *

                                                *  *

 

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, không biết các em học sinh lớp 6A ngày ấy bây giờ ở đâu, làm gì, em nào đi xa, em nào ở lại quê nhà, có em nào học lên không? Nhưng chắc chắn các em là những người con tốt của gia đình người công dân tốt của quê hương đất nước.

 

Tôi không thực hiện được ước mơ của mình là trở thành nhà khoa học Tâm lý Sư phạm. Ra trường tôi vào bộ đội chiến đâu cho đến ngày thống nhất đất nước. Cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác. Tuy thế kỷ niệm những ngày là thầy giáo thực tập ở trường cấp 2 Hạ Trạch không bao giờ phai mờ trong tôi.

 

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2013

Tác giả: Đỗ Hoàng

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Không có video nào mới

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 1501

    Trong tuần: 22951

    Trong tháng: 16738

    Tổng số: 11757542

    Đang online: 64