Nhà thơ trẻ Lưu Minh Hải
Tôi đến với văn chương một cách rất tự nhiên. Từ thời còn là học sinh phổ thông tôi đã thích đọc sách thuộc lĩnh vực văn học, thường tìm tòi và đọc rất nhiều thơ, truyện. Khi đó bản thân chỉ biết đọc vì sở thích chứ không nghĩ tới mục đích phục vụ gì cho việc học cả. Lên đại học, vào ngành sư phạm ngữ văn thì sở thích, niềm đam mê với văn chương được củng cố và đẩy xa hơn. Đọc và viết như đã trở thành một thứ nhu cầu tự thân trong tôi mỗi khi buồn, cô đơn, cảm thương, ẩn ức,…
Tôi đã xuất bản một tập thơ đầu tay nhưng không được thành công. Mặc dù vậy, tôi chắc chắn một điều rằng: có thể đứt đoạn nhưng niềm đam mê viết lách sẽ còn theo tôi, không dứt bỏ được. Dự định tạm thời phía trước của tôi đó là: 123 đoản thi khúc (tập thơ 1-2-3), Haiku thi tập (tập thơ haiku), Tập truyện ngắn.
Thực trạng xã hội hiện đại bây giờ cuộc sống thực dụng, dịch vụ – nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ, giải trí rất đa dạng vì vậy thẳng thắn mà nói thì văn chương dường như cũng đang bị lép vế, giảm sút trầm trọng về giá trị trong đời sống tinh thần của con người nói chung. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận vai trò của văn chương đối với đời sống. Văn chương có nhiều vai trò, tôi muốn nhấn mạnh đến mấy vai trò sau:
Thứ nhất, văn chương là một lĩnh vực khoa học vì vậy nó có vai trò cung cấp tri thức khoa học (khoa học xã hội & nhân văn) cần thiết cho con người để hiểu biết và dần hoàn thiện mình hơn. Từ văn chương chúng ta sẽ hiểu biết về văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, con người,… và ngay chính tâm hồn ta.
Thứ hai, văn chương có vai trò phản ánh hiện thực khách quan xã hội, tiếng nói đấu tranh bảo vệ những giá trị tốt đẹp của con người.
Thứ ba, văn chương là nơi phản ánh chân thực nhất đời sống tinh thần, thế giới tâm hồn của con người. Nó như liều thuốc tinh thần giúp xoa dịu nỗi buồn, nỗi đau,…; giải tỏa những ẩn ức; vun đắp, nuôi dưỡng tâm hồn người thanh sạch, thánh thiện hơn.
Xem bài viết gốc tại đây: