Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tấm lòng của nhân dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhận được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc nghẹn ngào. Vị tướng tài của dân tộc đã vĩnh viễn ra đi trong sự tiếc thương của biết bao người dân đất Việt.

Rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến chia sẻ thông tin về Đại tướng, bản thân tôi cũng như bao người con Quảng Bình đã rơi nước mắt, kính cẩn tiếc thương vị tướng tài của dân tộc và thế giới.

Dù chưa từng được gặp Đại tướng, nhưng qua các tư liệu, sách báo,… tôi đã hình dung được về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ, không chỉ riêng tôi và người dân Việt Nam mà cả thế giới đều biết về Đại tướng, đều giành cho ông một tình cảm hết sức sâu sắc và trân trọng nhất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là "linh hồn" của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), chiến thắng có ý nghĩa quyết định, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, buộc chính quyền nước này phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đại tướng quan sát Điện Biên Phủ trước giờ nổ súng (Ảnh tư liệu)
Đại tướng quan sát Điện Biên Phủ trước giờ nổ súng (Ảnh tư liệu)

Đại tướng sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, có con sông Kiến Giang hiền hòa, thơ mộng, nghĩa tình.

Ngôi nhà Đại tướng từng sinh sống là một ngôi nhà tranh đơn sơ và bình dị. Dù qua mấy lần bị bom đạn tàn phá, sau mấy lần phục dựng, ngôi nhà tranh ấy vẫn ấm áp và đậm chất thôn dã. Ngôi nhà cấp 4, với 3 gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh về hoạt động của Đại tướng... sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên. Vẫn còn đó cây khế, cây mít… nơi Đại tướng thường ra ngồi hóng mát và đọc sách lúc còn tuổi thơ.

Ngôi nhà ngói đơn sơ của Đại tướng bên dòng sông Kiến Giang
Ngôi nhà ngói đơn sơ của Đại tướng bên dòng sông Kiến Giang

Đại tướng lớn lên rồi tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi đất nước được hòa bình, thống nhất nên ít khi có dịp về lại quê hương. Dù công tác xa nhà nhưng miền quê Lệ Thủy đã in sâu trong tâm tưởng của Đại tướng, vùng quê với những làn điệu hò khoan chan chứa ân tình, đã nuôi dưỡng nên một con người kiệt xuất được người đời ngưỡng mộ.

Đại tướng thăm hỏi ân cần bà con ở quê nhà Lệ Thủy (Ảnh tư liệu)
Đại tướng thăm hỏi ân cần bà con ở quê nhà Lệ Thủy (Ảnh tư liệu)

Cũng vì lí do sức khỏe nên Đại tướng không thể về thường xuyên. Nhưng những lần về quê trước đó, việc đầu tiên Đại tướng làm là thắp hương lên bàn thờ gia tiên, sau đó ra mộ thắp hương cho các cụ thân sinh rồi mới đi thăm bà con, lối xóm. Lần nào về quê ông cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người dân, từ cụ già, em nhỏ cùng bà con lối xóm. Đi đến đâu ông cũng ân cần thăm hỏi bà con về tình hình sức khỏe, công việc làm ăn, sự đổi mới của quê hương, đất nước.

Dù sinh sống và làm việc xa quê nhưng Đại tướng vẫn luôn dõi theo sự phát triển của quê hương Quảng Bình. Mảnh đất chịu nhiều gánh nặng của thiên tai, cả sự khắc nghiệt của thời tiết. Cuộc đời Đại tướng luôn nghĩ cho nhân dân, cho đất nước, cho sự phát triển bền vững, cho nền hòa bình của toàn nhân loại…. Đại tướng đã không còn nữa, nhưng hình ảnh của ông vẫn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới!

Tác giả: L. Đ. Đ

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Mùa vàng trên quê hương

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2379

    Trong tuần: 5376

    Trong tháng: 69152

    Tổng số: 708047

    Đang online: 57

    quan_ly_thong_bao