Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Cây mai dương và tác hại đối với môi trường

Bài viết của anh Nguyễn Chung Quý về những tác hại của cây mai dương và giải pháp hạn chế sự phát triển của cây mai dương

Tác giả Nguyễn Chung Quý

Lời Ban biên tập: Cách đây nhiều năm caolaoha.com đã đăng bài của anh Lưu Văn Lộc cảnh báo về tác hại của cây mai dương đối với Hạ Trạch (https://caolaoha.com/can-som-ngan-chan-hiem-hoa-tu-cay-mai-duong.html). Trong bài viêt của mình anh Lưu Văn Lộc cũng đã đề xuất “Để ngăn chặn sự lây lan của cây mai dương, UBND xã Hạ Trạch cần sớm có biện pháp tiêu diệt, ngăn chặn mối nguy hại này. Hiện nay, do chưa có một loại hóa chất đặc hiệu nào tiêu diệt triệt để cây mai dương nên người nông dân sử dụng phương pháp thủ công là chủ yếu. UBND xã nên tuyên truyền về tác hại của cây mai dương và phát động nhân dân tự giác tiêu diệt: chặt cây trưởng thành, nhổ bỏ cây con, tất cả gom lại đốt đi. Việc làm này phải được tiến hành thường xuyên và liên tục, kéo dài trong nhiều năm bởi không thể một sớm một chiều mà tiêu diệt hết ngay được”.

Tuy nhiên, hiện tại cây mai dương vẫn tiếp tục phát triển mạnh ở Hạ Trạch gây ra nhiều tác hại đối với sản xuất, thổ nhưỡng. Caolaoha.com xin giới thiệu tiếp bài viết rất hữu ích của anh Nguyễn Chung Quý để các cấp Chính quyền và nhân dân quê nhà tham khảo

CÂY MAI DƯƠNG VÀ NHỮNG TÁC HẠI ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG

Cây mai dương có tên khoa học Mimosa pigra (tên khác: Trinh nữ trâu, Trinh nữ tây, Móc mèo mỹ). Theo tìm hiểu, cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ, là một loài cây bụi, mọc dày đặc, được xem là một trong số những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước nhiệt đới. Thân cây có chiều dài lên đến 6 m, nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn. Hạt khi chín có màu nâu hay xanh ô liu, kích thước hạt 4-6 mm. Một cây sản sinh được 9000 hạt, hạt nhẹ, có lông do đó rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước. Hạt có thể giữ sức nẩy mầm đến 23 năm.

Các nhà khoa học đánh giá mai dương là loài cây rất nguy hại. Từ năm 2000, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong những loài sinh vật ngoại lai xâm lấn gây hậu quả nguy hiểm nhất trên thế giới.

Cây mai dương xâm nhập vào nước ta khoảng những năm 1980. Sự hiện diện của cây này đã tác động nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng khác, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người nông dân. Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung, xã Hạ Trạch nói riêng, cây mai dương đã xuất hiện khoảng vài chục năm nay. Hiện nay mai dương đã phát triển, lan tràn khắp nơi, dọc bờ mương, bờ ruộng, bãi đất hoang, đây chính là nguồn gốc để cây có nguy cơ phát tán lây nhiễm và gây hại trên diện rộng. Cây mai dương mọc tại các kênh mương, ao hồ gây cản trở đường nước chảy. Chất độc trong lá cây (một loại axit amin) sau phân hủy sẽ tiêu diệt một số loại sinh vật trong nước, làm giảm đi sự đa dạng, phong phú của các loài trong hệ sinh thái tự nhiên. Cây mai dương mọc đến đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị hủy diệt, các loại động vật không dám đến gần, đất đai sẽ cằn cỗi, bạc màu.

Trước sự lây lan nhanh chóng của cây mai dương, nguy cơ làm ảnh hưởng đến nền nông nghiệp của tỉnh nhà, Phòng VH & TT huyện Bố Trạch có công văn về việc tổ chức phát dọn diệt trừ cây mai dương. Để phòng trừ cây mai dương đạt hiệu quả cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

- Nhổ tiêu hủy thường xuyên: Đối với cây còn nhỏ có thể dùng các loại dụng cụ thô sơ hoặc bằng tay, nhổ tiêu hủy giống như nhiều loại cỏ dại khác;

- Đối với cây lớn: Dùng biện pháp cưa, chặt và gom tàn dư lại đốt tiêu hủy. Sau khi cây mọc tái sinh lại có chiều cao 20-25 cm dùng thuốc cỏ phun để diệt tận gốc.

- Những nơi đất trống chưa có kế hoạch sản xuất, nên trồng các loài cỏ có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía,… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh.

KẾ HOẠCH LÂU DÀI

- Phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành có liên quan và ở mọi nơi mà cây mai dương xuất hiện, chủ động tổ chức phòng trừ không để lây lan. Đặc biệt là khu vực các lòng hồ, mương thủy lợi nơi có nguồn gốc phát tán hạt cây mai dương.

- Các bờ đường, khu công cộng, bãi đất hoang hóa, nếu bị nhiễm cây mai dương, chính quyền địa phương huy động các lực lượng đoàn viên, hội viên hội nông dân, phụ nữ, CCB, Đoàn thanh niên tổ chức ra quân theo đợt để từng bước diệt trừ.

Với tốc độ phát triển rất mạnh, cây mai dương đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa nguy hiểm đối với các hệ sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Vì vậy, để ngăn chặn sự lây lan của cây mai dương, cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của cây mai dương đối với môi trường sinh thái, đồng thời phát động toàn dân chung tay diệt trừ loài sinh vật ngoại lai này.

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2282

    Trong tuần: 9860

    Trong tháng: 60862

    Tổng số: 11701239

    Đang online: 161