Thương cha nhớ chú
08:19 - 09/05/2024
Cảm xúc của anh Đặng Văn Quang về bác Lê Quốc Sơn, một người con nặng tình với gia đình, quê hương
Lời Ban biên tập: Bác Lê Quốc Sơn, nguyên là Thượng Tá, Bí thư Đảng ủy, Viện phó viện Kỹ thuật cơ giới Quân sự Bộ Quốc Phòng; bác là thành viên Ban liên lạc Đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội trong nhiều khóa; đồng thời bác còn là cộng tác viên của trang tin caolaoha.com ngay từ những ngày đầu thành lập; bác đã viết nhiều tin, bài đăng trên caolaoha.com, những bài viết, đặc biệt là những bài viết góp ý cho quê hương của bác rất sâu sắc, đầy tâm huyết và thể hiện tầm nhìn rất thuyết phục. Xin trân trọng giới thiệu 2 bài viết đã đăng trên caolaoha.com của bác
https://caolaoha.com/dieu-uoc-nho.html
https://caolaoha.com/may-dieu-uoc-dau-nam.html
Bác Lê Quốc Sơn ra đi, để lại một nỗi thương tiếc rất lớn cho bà con đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội. Hôm nay là ngày cúng tuần của Bác, trang tin xin trân trọng đăng tải bài viết về Bác của anh Đặng Văn Quang. Mong Bác được siêu thoát về cõi Cực lạc.
THƯƠNG CHA NHỚ CHÚ.
Chú tôi Lê Quốc Sơn đã về với ông bà Tổ tiên trong dịp lễ Thống nhất đất nước, 30/4 vừa qua. Đau buồn, thương nhớ, tôi xin viết đôi dòng về cuộc đời Cha và Chú tôi.
Cha tôi họ Đặng, Chú tôi họ Lê Chiêu đều do bà nội tôi đẻ ra nơi cội nguồn làng Cao lao hạ. Bà nội kể: Ông nội tôi mất sớm (khi ông mới 33 tuổi), ông là Thừa phái của làng ( một chức việc, giúp lý trưởng thảo văn bản, như văn phòng ngày nay).
Lần đó, sau hơn một ngày, khi ông viết xong bản sớ gửi lên quan huyện, nghe bà nội tôi kể tờ sớ đó to như chiếc chiếu, ông chùm hum viết ở đình làng, khi ngồi dậy bị choáng, ngã xuống, khiêng về đến nhà, ba ngày sau thì mất.
Bà nội tôi góa bụa lúc còn rất trẻ, khi đó đã có 2 người con, cha tôi và cô tôi.
Trong cái xã hội phong kiến, mẹ góa con côi là lớp người tận cùng dưới đáy của xã hội. Bà đành đi làm lẽ với một ông Cửu của làng để nương nhờ, con cái không bị ai bắt nạt.
Phận lẽ mọn đã đẻ ra chú tôi Lê Quốc Sơn, cùng mẹ khác cha với bố tôi.
Cha và chú tôi lớn lên bên nhau, cũng trong cảnh nghèo hèn, cùng cực, bà nội tôi bắt ốc mò cua, làm thuê, làm mướn nuôi các con.
Tả về mẹ mình, chú tôi viết:
“Con nhớ đời mẹ khổ lắm rồi
Mò cua bắt cây rét thâm môi
Sác trên, hói dưới in bóng mẹ
Cả cuộc đời gắn với cái Oi.*
Con nhớ đời mẹ khổ lắm rồi
Phú Riềng, Tuyên hóa mảnh áo tơi
Khương Hà, Quy đạt, hay Chuông Thảng
Bươn chải sớm trưa, sống với đời.
Hết cấy thuê mẹ đi gặt mướn
Chỉ mong sao kiếm bát cơm thừa
Dù khoai hà, củ chuối qua loa
Nuôi chúng con sống qua năm tháng”
Rồi cách mạng thành công, cha tôi đi tham gia kháng chiến, chú tôi đi bộ đội. Ơn cách mạng đã giải phóng đời mình, cha và chú tôi phấn đấu hết lòng vì Đảng vì cách mạng. Cha tôi được kết nạp vào Đảng năm 1950, sau làm chủ tịch bí thư xã Hạ Trạch, cán bộ Huyện Bố Trạch rồi hy sinh khi mới 44 tuổi. Chú tôi trở thành sĩ quan quân đội, bí thư Đảng ủy, phó viện trưởng Viện kỹ thuật cơ giới quân sự Bộ Quốc phòng .
Cuộc đời những con người nô lệ dưới ách áp bức thực dân phong kiến đã được đổi thay, vinh hoa Phú quý thì chưa, nhưng đầy vinh Quang rạng rỡ.
Cha tôi chết, cách đây 57 năm, khi đó để lại một đàn con nheo nhóc 8 đứa, lại trong cảnh trên bom dưới đạn.
Chú tôi chết, cách đây 7 ngày, để lại người vợ bi tai biến và một đàn cháu còn thơ dại (con trai và con dâu thì đã mất sớm).
Hai con người, hai cuộc đời sao mà gian truân, trầm luân đến thế.
Ngày vui non sông đi qua, ngày buồn gia đình lắng lại. Trong tôi, lòng thương cha, nhớ chú cứ canh cánh đượm nỗi buồn giữa thế gian.
Cầu mong cha chú gặp gỡ nhau nơi miền cực lạc, siêu linh tịnh độ, phù trì phù hộ cho con cháu mãi được an lành.
Nam Mô A Di Đà Phật.
P/s: (*) cái Oi là cái giỏ đựng cua cá.