10 bài thơ haiku và lời bình của con em làng Cao Lao Hạ (lần 1)

22:05 - 01/12/2015

Giới thiệu 10 bài thơ haiku sáng tác trong thời gian gần đây và lời bình luận của con em làng Cao Lao Hạ

 

 

Bài 1. Thơ Lưu Đức Trung

 

Đường về quê ta

bóng chiều tà

từ xa ngóng đợi.

 

Lời bình của Lưu Đức Hải: Bài thơ ra đời trên chuyến xe về quê dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập caolaoha.com. Trên xe hôm đó có GS.TS Lưu Đức Trung, chú Lưu Đức Thành, anh Lê Quang Quý, vợ chồng anh chị Lưu Văn Quỳnh - Nguyễn Thị Hằng, tôi và 2 cháu Tùng (Ngẫu Thư) và Linh. Lúc trở ra có thêm anh Sơn, đại tá công an mới nghỉ hưu ở Hà Nội. Suốt chuyến hành trình cả đi và về lúc nào trên xe cũng tràn ngập tiếng cười; mọi câu chuyện diễn đều xoay quanh chủ đề quê hương, ai cũng tranh nhau nói, tranh nhau kể về làng Cao Lao Hạ cứ như là sợ người khác nói mất phần. 

 

Dọc đường, điện thoại reo liên tục; chủ để các cuộc điện đàm loanh quanh cũng chỉ là đoàn về đến đâu rồi, ăn gì dọc đường, rồi thì tình hình ở quê ra sao, có mưa không, chuẩn bị lễ kỷ niệm đến đâu rồi?. Ấy thế mà sao ấm áp lạ lùng.


Lúc về gần đến làng là cuối chiều, bóng nắng đã dụi bớt, mọi người đang im lặng cảm nhận cái vui vì sắp đến quê thì bất ngờ chú Trung cất giọng đọc bài bài thơ Đường về quê ta/bóng chiều tà/từ xa ngóng đợi. Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh thực, một cảm xúc thực nên nó làm cho mọi người trên xe thổn thức. Cái hay của bài thơ là 4 chữ “từ xa ngóng đợi” bởi nó nhiều nghĩa có thể là những người trên xe đang ngóng đợi về quê hay những người thân ở quê đang ngóng đợi đoàn về, hoặc cũng có thể ai đó không về được cũng đang ngóng. Ngóng đợi cái gì?, mong gặp nhau, hay mong cái gì nữa, thật là đa nghĩa, nó mở ra cho người đọc tự ngẫm nghĩ cho mình

 

Bài 2. Thơ Lưu Đức Trung


Xe lên đèo ngang

mặt trời xuống núi

nhớ thơ Bà huyện


Lời bình của Lưu Đức Hải: Bài thơ diễn ra trong bối cảnh xe gần tới Đèo ngang, mặt trời đang dần xuống, đúng như bối cảnh “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà”. Cảnh Đèo ngang lúc đó đẹp tuyệt vời, và phải làm một bài thơ dài mới có thể diễn tả hết cái đẹp chiều hôm đó của đèo Ngang. Nhưng mà oái ăm thay, chắc gì bài thơ dài đó đã hay hơn bài thơ của bà Huyện, bởi đến nay chưa ai có thể tả Đèo ngang lúc chiều ta hay hơn bà. Thôi thì mượn ngay ý thơ của bà Huyện để nói hộ cái điều mình muốn nói. Dòng chữ "nhớ thơ bà Huyện" gợi cho mọi người thấy ngay cảnh đẹp của đèo Ngang trong bài thơ tả đèo Ngang lúc chiều tà của bà.

 

Bài 3. Thơ Lưu Đức Trung


Tạm biệt quê nhà

trời đổ mưa

nước mắt ai tiễn đưa

 

Lời bình của Lưu Đức Hải: Bài thơ tả thực, khi tạm biệt quê nhà, xe vừa qua khỏi cầu Gianh thì trời mưa tầm tả. Người đọc có thể tự mình cảm nhận lấy cái thần của mấy chữ “nước mắt ai tiễn đưa”, riêng tôi thì cứ nao nao, phải chăng đó là có thể là nước mắt của những người thân đã mất tiễn đưa qua những giọt mưa.


Bài 4.  Thơ Lê Văn Viên

 

Trà hoa nhài

xuân đang độ

vắng cành mai.

 

Lời bình của Lưu Đức Hải: Chỉ có 9 chữ thôi mà vẽ ra được một bức tranh tuyệt đẹp, đó là mùa xuân đang độ chín, làm người đọc liên tưởng đến bài “Mùa xuân chín” của Hàn Mạc Tử, hay là câu thơ “Bữa đó mưa xuân phơi phới bay” của Nguyễn Bính. Trong cái sắc khí mùa xuân đang độ đó, được thưởng thức từng ngụm trà hoa nhài nóng hổi, rót ra từ chiếc ấm sành xinh xinh thì thật là thú vị. Chỉ tiếc là thiếu mất cành mai để ngắm, để hàn huyên. Nhưng cũng chính cái thiếu đó đã làm cho bức tranh xuân đẹp hơn, ẩn dụ hơn.


Chú Lê Văn Viên, tác giả của bài thơ, năm nay 80 tuổi, chú không được khỏe nhưng lúc nào cũng lạc quan và tinh thần của chú thì còn trẻ lắm, như là mùa “xuân đang độ” ấy. Đọc bài thơ, tôi hình dung thấy cảnh chú ngồi một mình trong nhà, trên tầng 2 vừa nhâm nhi chén trà thơm vừa nhìn ra dòng sông Linh Giang xanh biếc. Khung cảnh đó, ước gì có “một cành mai” bên cạnh để cùng thưởng thức. Một ước mong bình thường đối với một người "xuân đang độ" như chú. Biết chú, hiểu chú, càng khâm phục chú nhiều.

 

Bài 5. Thơ Lưu Đức Hải

 

Võng đưa

lên xuống

cuộc đời


Lời bình của Lưu Đức Hải: Cuộc đời thú vị làm sao khi mà đi đâu về mệt ngả mình trên cánh võng hoặc giữa trưa hè được nằm lim dim đung đưa dưới tán cây xanh hưởng thụ ngọn gió trời tinh khiết. Hay như lúc nào đó nằm trên cánh võng đôi ở những quán cafe võng dọc các xa lộ tận hưởng những mơn trớn của gió. Những lúc như vậy, thả lỏng mình để mặc cho võng đưa lên, đưa xuống và cuộc đời vui đến thế là cùng.


Cuộc đời con người, ai cũng như ai, có thăng trầm, lên xuống, được mất; nó như cánh võng lên xuống ấy, cưỡng lại nó thì mệt mỏi mà cũng chẳng thể cưỡng được. Tốt nhất là kệ nó, ung dung tự tại chấp nhận nó, thế là vui

 

Lời bình của Đặng Văn Quang: Trong mỗi đời người ai cũng một lần nằm lên cánh võng, sự đung đưa lên xuống của võng, chao đảo con người ta. Hãy nhắm mắt tĩnh tại lắng nghe, hãy thả lỏng tâm hồn mà cảm nhận tiếng võng đưa, trọng lực của thân xác cùng với tâm hồn theo võng bay lên rồi hạ xuống xuống.


Cuộc đời của con người cũng vậy, khi lên, khi xuống, khi thăng khi trầm, khi được khi mất… Âu đó cũng là quy luật bù trừ trong kiếp sống nhân sinh. 


Nằm võng, ai cũng muốn cái cảm giác được đưa lên cao bởi trọng lực đưa lại cho ta cái cảm giác khoái cảm, mãn nguyện, cũng như cuộc đời ai cũng muốn “thăng”, muốn “được”. Nhưng nếu cứ đưa lên mãi thì cũng chán, phải có cái cảm giác từ từ hạ xuống để thay đổi trạng thái, thế mới thấy hay, thấy khoái. Được nhiều quá chưa hẳn đã hay, mất nhiều quá thì lại càng thêm dở. Có được, có mất mới thấy hết ý nghĩa cuộc sống, mới thấy được giá trị kết quả phấn đấu của chính mình. Thua, tôn thêm cái được; được, mới thấm thía cái thua.


Muốn võng đưa phải có một “cú ru” đầu tiên, thường thì ta đạp vào một vật cố định ngoài võng, hay một sợi dây kéo buộc vào vật nào đó ngoài võng, tạm gọi là tạo năng lượng.


Cuộc đời cũng vậy, muốn tiến bộ phải tự thân phấn đấu, phải tạo bước chạy đà ban đầu để lên cao (ví như chuyện học hành chẳng hạn). Và rồi có lúc phải dừng lại đánh giá quảng đường đã qua, rồi để xuống làm lại, tiếp thêm năng lượng để lên. (Chớ thỏa mãn với thực tại bởi: Cử nhân nhiều như vịt, Thạc sĩ nhiều như gà, cứ phải là Tiến sĩ).


Võng dừng, khi ta không ru thêm, hay không còn sức để ru, võng dừng, đời ngưng…


Một chi tiết rất ý nghĩa cuộc đời trong phim nói về Từ Hy Thái Hậu. Con người thao túng xoay chuyển một đế chế phong kiến Trung quốc, khi từ giã cõi đời bằng hình ảnh ngồi ghế xích đu, người hầu quên không ru, khi quay lại, võng dừng và Từ hy Thái hậu cũng đã viên tịch.
Bài thơ haiku của Lưu Đức Hải gợi cho ta một triết lý cuộc đời trong cõi nhân sinh.

 

Bài 6. Thơ Lê Quang Quý

 

Về Phương Độ

ngát hương quê

rợp bóng đa, đề 

 

Lời bình của Lê Quang Quý và Lưu Đức Hải: Làng Phương Độ, một làng quê ven sông Hồng vẫn giữ được những nét cổ kính xưa của một làng quê vùng đồng bằng bắc Bộ mặc dù hơi thở của đô thị hóa, của thị trường đang đến rất gần. Trong làng rợp bóng mát bởi có rất nhiều cây cổ thụ; cây đa, bến nước, giếng làng, đặc biệt là các nương dâu ven sông vẫn còn nguyên như thuở xa xưa.


Và nữa, làng có truyền thống hiếu học, trước kia cũng như hiện nay có nhiều người đỗ đạt thành tài, nhưng khi nghỉ hưu đều trở về quê hương sống gương mẫu, đức độ như những cây đa, cây đề làm gương cho con cháu. Bài thơ được anh Lê Quang Quý ứng khẩu trong một lần anh về thăm một người bạn ở làng Phương Độ.

 

Bài 7. Thơ Lưu Đức Hải


Pari
còi hú

Sơn Mỹ

 

Lời bình của Lưu Đức Hải: Dòng 1, chỉ có 1 chữ Pari thôi nhưng nó cũng đủ để gợi cho người đọc một nơi yên bình, thơ mộng và đáng sống, bởi vì Pari là thủ đô của cả Châu Âu; còn ở dòng 2 với 2 chữ “còi hú” nó lại gợi cho người đọc cảm giác cái chết chóc đang cận kề, bởi vì “còi hú” chỉ có thể là tiếng còi của xe cứu thương, xe cứu hỏa, hay là tiếng còi của xe cảnh sát, của dòng xe chạy trong cảnh náo loạn. Thậm chí “còi hú” còn có thể là tiếng còi báo động, báo hiệu sắp có chiến tranh, máy bay kẻ thù sắp đến...”Còi hú” báo hiệu sự bình yên của Pari không còn nữa; còn 2 chữ ở dòng 3 là “Sơn Mỹ”, nơi mà ai trên thế giới này cũng biết, một làng quê ở Miền Trung có những người dân vô tôi, không vũ khí bị lính Mỹ tàn sát dã man; hàm ý nói Pari cũng đã trải qua thảm sát như vậy, giống như thảm sát Sơn Mỹ. Vậy là chỉ có 5 chữ thơ haiku mà phần nào phản ánh được vụ thảm sát ở Pari mới diễn ra gần đây.

 

Bài 8. Thơ Lê Văn Viên

 

Cầu Gianh

sông neo giữ

nước trong xanh.

 

Lời bình của Lưu Văn Quỳnh và Lưu Đức Hải: Hay nhất của bài có lẽ là ở chữ “neo”, sông làm sao mà neo được cầu, không phải sông “neo” cầu mà sông chỉ là nơi cho cầu in bóng, neo cái bóng của cầu. Một bức tranh tuyệt đẹp về Cầu Gianh trong một thời điểm mà bầu trời thì trong, xanh và cao; nước sông Gianh thì xanh và có sóng nhẹ, rung rinh bóng cầu. Từ “neo” còn là sự khơi gợi tình cảm yêu thương, trìu mến trong tâm hồn người đọc mỗi khi nhắc đến hai tiếng Cầu Gianh.

 

Bài 9. Thơ Lê Quang Quý

 

Ba trại

suối thì thào

thông ru


Lời bình của Lê Quang Quý và Lưu Đức Hải: Độc đáo của bài là 2 chữ suối thì "thì thào" bởi nó như kiểu các cô gái "thì thào chuyện nhỏ chuyện to" về tướng Cần Vương, về các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống tại Ba trại, hay cũng có thể là thì thào về chuyện đất vùng này xã mình ít được hưởng lợi, đang có sự tranh chấp. Còn cây thông thì là cây mọc thẳng, như các chàng trai quân tử nên nó "ru" có ý như là an ủi, lạc quan về những chuyện mà suối đang "thì thào", cố gắng lên, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp


Ngoài thâm ý trên, thì bài thơ thực sự là một bức tranh tả cảnh tuyệt đẹp có suối, có thông trong một trưa hè trời xanh, mây trắng

 

Bài 10. Thơ Lưu Đức Hải


Trên đường làng

bóng tròn

nhớ con khéc khéc


Lời bình của Lưu Văn Quỳnh và Lưu Đức Hải: Hai chũ "bóng tròn" bởi gợi cho người đọc nhiều liên tưởng, có thể là giữa trưa, có thể là ban đêm nhìn thấy trăng tròn, cũng có thể là thu người lại một cách tròn trịa về tâm hồn, hay cũng có thể hiểu là một trạng thái viên mãn cũng được. Và trong cái bối cảnh” bóng tròn” đó mình nhớ con khéc khéc một con chim gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ Cao Lao Hạ, thời mà quê mình còn những rặng tre. Nhớ con khéc khéc là gợi nhớ về quê hương yên bình, về thời tuổi trẻ, nhớ rặng tre, bụi hóp, cánh diều bay.

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip