10 bài thơ haiku và lời bình (lần 3)

22:57 - 04/03/2016

Giới thiệu 10 bài thơ haiku tiếp theo được sáng tác trong thời gian gần đây và lời bình luận của con em làng Cao Lao Hạ

 

Bài 1: Thơ Lê Quang Quý

 

Cánh đồng xanh

bóng cò liệng

giọt mồ hôi lăn


Bài thơ là sự tương phản giữa cánh đồng xanh bát ngát, cánh cò chao lượn, một làng quê yên bình, sung túc với hình ảnh người nông dân đã phải một nắng hai sương, chống chọi với thiên tai, những giọt mồ hôi lăn qua năm tháng. Đó cũng là lời nhắn nhủ, khi cuộc sống sung túc hãy nhớ đến những người đã giúp đỡ ta.

 

Bài 2: Thơ Lê Quang Quý

 

Dắt nhau lên động

Thiên Đường

mở ra


Trong những lần về quê, cùng bạn bè, anh em lên tham quan động Thiên Đường. Khi leo lên động người trước người sau do đường lên quá dốc. Đến nơi, vào động, thật là cảnh thiên đường mở ra trước mắt, chỉ trong phim ảnh hay truyền thuyết về "Chốn thiên đường" mới có. Một nghĩa vui nữa thì mọi người cùng suy ngẫm


Bài 3: Thơ Lưu Văn Lộc

 

Thuỷ binh dàn trận

cọc gỗ dựng

hải chiến


Bài thơ phác hoạ trận chiến bạch đằng năm 938 khi Ngô Quyền dựng cọc gỗ dưới sông Bạch đăng đánh tan đội thuỷ binh tinh nhuệ của quân Nam Hán và sau này, năm 1288, Trần Hưng Đạo vận dụng để đánh tan quân Nguên Mông cũng ngay chính trên con sông này. Bài thơ gợi cho chúng ta niềm kiêu hãnh trong chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Còn nghĩa khác, không biết bài thơ có gợi được tên ai không, mong người đó “chiến” cho mạnh với cọc gỗ dựng?

 

Bài 4: Thơ Đặng Văn Quang

 

Mai nở

hồng ở chợ

thẫn thờ.


Hồng là người chăm Mai, nhưng khi Mai nở thì Hồng đi chợ sớm thành ra phải thẫn thờ ngắm Mai một mình. Hai chúng tôi là người yêu cây, yêu hoa, người trồng người tưới. Mai nở là thành quả của hai người trong một khung cảnh yên tĩnh, thanh bình, vắng lặng, tĩnh tại khác với ngoài kia cuộc sống đang xô bồ hối hả đầy bon chen nhục dục; nếu biết điều chỉnh tâm hồn mình, lắng lại một chút suy tư thì bụi trần kia không thể đến. Thẫn thờ bởi ngắm Mai bởi trông Hồng đi chợ về để cùng chia sẻ niềm vui.


Bài 5: Thơ Lưu Đức Hải

 

Tuyết bay

hoa tam giác mạch

đôi bờ môi yêu


Tui đã có nhiều dịp ngắm tuyết rơi ở Mỹ, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc và một số nước khác nhưng cái ấn tượng lần đầu tiên nhìn thấy tuyết rơi ở Budapest khi đang thả bộ dọc bờ sông Duna, phía Buda về ký túc xá nó cứ đọng mãi, chẳng thể nào quên được. Không phải tuyết rơi mà bay, hoa tuyết bay ngang trời, khẽ khàng đậu lên các nóc nhà, hàng cây, đậu lên tóc, lên áo, lên… môi của những cô thiếu nữ Hungary xinh đẹp.


Đợt rồi, có dịp lên vùng cao, tui thật sự ngỡ ngàng trước những vạt hoa tam giác mạch tuyệt đẹp; những bông hoa nhỏ xinh, sáng màu len lỏi mọc trên nương, dưới khe suối, dọc những dải đất nhỏ ven đường, thậm chỉ cả trên những hốc đá tai mèo lởm chởm. Ngắm cánh đồng hoa tam giác mạch, với những cặp bạn trẻ, tay trong tay, cười nói, tung tăng trong đó, bất chợt tôi liên tưởng đến những hoa tuyết đầu mùa ở trời Âu. Thế rồi, vô tình được ngắm bức ảnh chụp một đôi bạn trẻ du học xa quê, ôm chặt nhau, đứng trên sườn núi nhìn tuyết rơi trên thung lũng mà bất chợt nẩy ra mấy câu haiku trên.

 

Bài 6: Thơ Lưu Đức Hải

 

Chiều đông

chú bé đánh giày

chân không giày

 

Chiều cuối tuần, ngồi đầu ngõ nhâm nhi ly cà phê đá chờ một người quen. Trời se lạnh, nhìn dòng người, dòng xe chen chúc qua lại trên đường. Rồi nhìn chú bé đánh giày đang bước về phía mình, chân chú đi một đôi dép lê mòn vẹt, không tất thế là nẩy ra mấy dòng haiku trên. Phận người nào ai giống ai

 

Bài 7: Thơ Lưu Đức Hải

 

Đuổi bắt

con bướm bay

bám đầy hoa cỏ may


Mấy câu thơ trên ra đời khi đọc bài thơ ”Chạm vào/em xấu hổ/khép mình” của chú Lưu Đức Trung. Thế rồi, tự nhiên liên tưởng đến hoa cỏ may, một loài hoa đã vào thơ ca khá nhiều, trong đó có 2 câu lục bát của Nguyễn Bính và những câu thơ của Xuân Quỳnh, Dã Quỳ mà nhiều người đã thuộc từ thời nảo thời nào.


“Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều cả gió bám đầy áo em” (Nguyễn Bính)

 

 “…Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may 

Áo em sơ ý cỏ găm đầy” (Xuân Quỳnh)


“Vướng víu chân em mỗi bước đi

Lạ không, hoa cỏ này qúa kỳ…” (Dã Quỳ)


Biết là sẽ bị bám đầy hoa cỏ may, ấy thế mà thấy bướm đẹp ai mà chẳng đuổi...

 

Bài 8: Thơ Lưu Đức Hải

 

Mưa rào

sao giăng mặt nước

thuyền mờ trong mây


Mưa. Cơn mưa mùa hạ giăng trước mắt. Đứng ngắm làn mưa ào ào, trắng xóa đổ xuống dòng sông chẳng khác gì những hạt sao nhảy nhót, làm mờ mờ ảo ảo những con thuyền như đang trôi trong mây. Thấy lòng sao mà rộn ràng lạ


Mưa rào thường chợt đến rồi chợt đi. Tuổi thanh xuân thường được ví như cơn mưa rào, ai cũng muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy thêm lần nữa. Còn gì vui hơn khi được làm cơn mưa rào mùa hạ


Mặt nước, con thuyền vốn đang trôi yên ả giống như cuộc sống, cứ an nhiên làm các công việc theo chức phận của mình, thế rồi bất ngờ mưa rào đến. Thế là thăng hoa.

 

Bài 9: Thơ Lưu Văn Quỳnh

 

Cá vàng ngúng nguẩy

cuốn chiếu thu mình

trời xanh chớp mắt.

 

Trời lạnh. May quá, nắng vàng rải khắp. Xách ghế ra vườn, vừa sưỏi nắng, vừa ngắm cảnh, vùa ngẫm nghĩ cảm ơn những lời động viên của các bác, các anh về mấy bài Haiku đã viết. Bất chợt nhìn xuống bể: Chú cá vàng lặng lẽ nhìn con cuốn chiếu trước mặt. Há miệng, khẽ quẫy đuôi trườn lên. Cuốn chiếu nhanh hơn vội thu mình lại. Mặt nước có chút xao động khẽ khàng, rồi lại phẳng như gương khi cá vàng mất mồi. Chộp được cái khoảnh khắc đó, tôi đã viết mấy câu haiku trên

 

Bài 10: Thơ Lê Chiêu Phùng


Hằng ngúng nguẩy

Quỳnh thu mình

Vờn quanh, chớp chớp

 

Đêm thu trăng sáng, bóng trăng (chị Hằng) soi mình xuống trần gian lắm lúc chập chờn, nghiêng nghiêng mỗi khi làn mây nhẹ bay qua và dưới con mắt của "kẻ si tình" thì bóng trăng đu đưa, ngúng nguẩy nhất là giữa đêm khuya tĩnh mịch. Dưới trần gian, Hoa Quỳnh hé nụ khép mình chờ trăng một hình ảnh đẹp đã đi vào thơ ca. Không có gì đẹp bằng "Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên". Cái cảm giác lãng mạn diễn ra lúc nửa đêm nó "vờn vờn, chớp chớp".

 

Bài thơ ngắn nhưng độ nén thông tin, độ nén hình tượng rất cao kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...Cũng có người cho rằng bài thơ dùng hình tượng "chị Hằng- trăng", "Quỳnh- hoa Quỳnh" nhưng cũng có thể ở đâu đó có người lại cho rằng bài thơ "có chủ" hẳn hoi- Chủ của nó đang ở một miền xa, nơi đó có một tổ ấm với một "vầng trăng" và một "đóa hoa Quỳnh" cũng vào những đêm thu trăng sáng...họ thật hạnh phúc, thật yêu thương mỗi khi hoa Quỳnh thu mình, vờn vờn, chớp chớp nhìn "chị Hằng" ngúng nguẩy yêu thương...

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip