Vớt ánh trăng thanh

16:44 - 04/01/2016

Giới thiêu tập thơ "Bốn mùa hoa" của Lưu Đức Trung

Người Trung Hoa có câu: “Phù sinh nhược mộng, cổ nhân bỉnh chúc dạ du” nhưng có lẽ đâu chỉ có cổ nhân mới tiếc nuối cuộc đời ngắn ngủi để rồi phải đốt đuốc dạo chơi trong đêm, ở thế kỷ XXI này cũng có người luôn ý thức “thời hồ bất tái lai” và quý trọng từng sát – na của kiếp người. Người ấy rong chơi trong suốt “trăm năm trong cõi người ta”, trong suốt bốn mùa hoa không bỏ lỡ khoảnh khắc ngàn vàng nào thuộc về mình. Đó chính là hình ảnh  người lữ thứ trong thi tập Bốn mùa hoa [1] của nhà thơ Lưu Đức Trung.
 
 
Cuộc đời là mộng, cuộc chơi cũng là mộng. Cho nên, cuộc đời là cuộc chơi và là cuộc mộng. Tất cả đều là mộng vậy thì người ta đi tìm điều gì trong cuộc mộng ấy, chắc chắn phải có một thứ gì đó là chân thực và phi mộng.
 
 
Có câu: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”, từ lời nói này ta có thể khái quát rằng tất cả hạnh phúc, bình an, giải thoát… không thể có được ngoài thế gian đau khổ này. Điều này đã được Phật giáo khẳng định từ hai ngàn năm trăm năm trước: “Phật pháp bất ly thế gian giác” (Phật pháp không rời thế gian mà có giác ngộ), một thí dụ rất thường gặp để minh chứng tư tưởng trên đó là hình ảnh hoa sen sinh ra từ bùn. Và trên thực tiễn, người lữ thứ đã tìm được niềm vui tịch tịnh trong cuộc chơi của mình:
 
 
“Dưới ánh trăng trong/ bóng người lữ thứ/ nhẹ bước vườn hồng”. (Bài 12)
 
 
Đến với thơ Lưu Đức Trung, nếu biết hướng lòng theo cách “tư vô tà” thì bạn đọc sẽ nhận được sự bình an vô lượng từ những dòng chữ ngắn ngủi mà ông sẻ chia. “Nhẹ bước vườn hồng” hay nhẹ bước vào trạng thái an như của cõi tâm, đâu phải ai cũng đạt được điều đó khi ngồi “dưới ánh trăng trong”! 
 
 
Ta không thể khẳng định nhà thơ an trú trong niềm an lạc vĩnh hằng nếu như lòng ông chỉ một lần tận hưởng trạng thái ấy và kết thúc trong một hoàn cảnh nhất định. Trạng thái bình yên dường như luôn hiện hữu trong ông:
 
 
“Đêm/ hương buởi/ tóc em”. (Bài 9)
 
 
Nếu bài thơ trên, sự bình yên lắng đọng trong làn hương và tụ lại trong thời gian và không gian riêng tư thì bài Haiku dưới đây, sự bình yên tồn đọng trong thanh âm và màu sắc, đồng thời nó cũng được mở rộng theo dòng chảy của thời gian và không gian:
 
 
“Tiếng hát/ khua mái chèo/ ánh trăng theo”. (Bài 80)
 
 
Và “Sáng sao/ đôi mắt ông lão/ ánh trăng cao”. (Bài 70)
 
 
Rõ ràng, dưới trăng niềm an lạc đang trải dài theo cái nhìn, theo tiếng hát và theo tiếng mái chèo. Sức gợi của bài thơ ở chỗ tầm nhìn càng mở rộng, tiếng hát và tiếng mái chèo vang xa đến đâu thì niềm an lạc được kéo dài đến đó và cuối cùng đỉnh điểm của nó lan rộng ra theo thời gian của đêm và không gian bao la của biển cả: 
 
 
“Trăng sáng/ biển vàng/ đêm tịch lặng”. (Bài 92)
 
 
Cõi trần vốn dĩ luôn tồn tại những trái ngang cho nên nhiều khi ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ để cuộc chơi được suôn sẻ nhưng vẫn không thoát khỏi những chướng ngại ngoài ý muốn:
 
 
“Trăng mờ/ leo đồi/ vướng gai trinh nữ”. (Bài 8)
 
 
Tuy cuộc chơi gặp trở ngại nhưng vì mến chuộng chân thiện mỹ nên người ta không quản khó khăn. Thiết nghĩ, lúc bị “vướng gai” cũng là lúc người lữ thứ nhận được làn hương từ nhành trinh nữ trao tặng. Mới hay rằng đâu phải trong thuận cảnh – “trăng sáng” mới tận hưởng được vẻ đẹp của đất trời – “biển vàng” mà trong nghịch cảnh – “trăng mờ”, “vướng gai” ta vẫn có thể tiếp nhận được tinh hoa từ cuộc sống – “hương trinh nữ”. Được như vậy là do người lữ thứ biết xem những điều bất như ý mà ông gặp phải trong cuộc chơi như người bạn đồng hành, nói khái quát hơn là khách chơi biết điều phục tâm mình để đạt được trạng thái “tâm an xứ xứ an” hay “tâm tịnh Phật độ tịnh”:
 
 
“Bên tai/ muỗi vo ve/ bản nhạc đêm hè”. (Bài 31)
 
 
Chỉ cần một cái nhìn thông thoáng, bao dung hơn thì sự quấy nhiễu của ngoại cảnh – “đàn muỗi” trở thành trợ duyên tốt cho ta – “bản nhạc đêm hè”, điều đó không nhiệm mầu lắm sao! Và cuộc chơi lại tiếp tục:
 
 
“Mảnh ngói rơi/ giật mình/ ánh trăng soi”. (Bài 57)
 
 
Bài thơ toát lên sự bình yên lạ thường! Dùng hình ảnh động là tiếng ngói vang khiến ai đó “giật mình” để làm nổi bật sự vắng vẻ và bình yên của đêm trường. Bước đường dạ du của người lữ thứ phần lớn đều có sự hiện diện của vầng trăng, trăng trở thành bạn tri kỷ của khách chơi, chính vì thế dù độc hành nhưng người ấy vẫn chưa lần nào cảm thấy cô đơn hay trống vắng:  
 
 
“Bên cửa sổ/ gối trăng vàng/ mộng tan”. (Bài 37)
 
 
Ba chữ “gối trăng vàng” đủ để thấy mối tương giao thắm thiết giữa người lữ thứ và trăng! Chính vì sự nồng nàn và hòa điệu như một ấy nên mỗi khi bình minh đến, khách chơi cảm thấy nuối tiếc bởi đây là thời điểm phải biệt ly vầng trăng:
 
 
“Tan mộng/ gối không/ nuối tiếc”. (Bài 86)
 
 
Và “Xa Hồ Tây/ con thuyền nhỏ/ nuối tiếc ánh trăng”. (Bài 78)
 
 
Bình minh đến khiến cho trăng ra đi, mộng đẹp tan biến, bỏ lại khách chơi một mình bên gối chiếc. Hồ Tây còn đó, con thuyền nhỏ còn đó nhưng trăng thì không còn nữa.
 
 
Ngoài ra, người đọc còn thấy trong những đêm tối trời không trăng hay trăng non, người lữ thứ lại phải lặn lội đi tìm:
 
 
“Tìm trăng/ không thấy/ một ánh sao băng”. (Bài 27)
 
Và “Trăng khuyết/ thao thức/ chờ trăng tròn”. (Bài 73)
 
 
“Thao thức” và “đợi chờ” sẽ không chấm hết với khách chơi nếu như bầu thái hư mãi thiếu vắng vầng trăng. Thế mới biết, lòng khát khao sự bình an và chân thiện mỹ ở nhà thơ Lưu Đức Trung lớn lao và mãnh liệt đến dường nào!
 
 
Hợp tan là lẽ thường nhiên của tạo hóa, có mối quan hệ nào vĩnh hằng trong cõi mộng này đâu, lúc kết duyên càng thân thiện và hạnh phúc bao nhiêu thì khi từ giã càng xót xa và đau khổ bấy nhiêu:
 
 
“Đêm Vu lan/ có tiếng gọi/ nước mắt ứa tràn”. (Bài 63)
 
 
Trăng tan rồi và tiếng đồng vọng của nó gửi lại – “có tiếng gọi”. Chẳng biết trăng có ghi nhớ hình ảnh của ai đó trong lòng không, chứ còn người lữ thứ thì lưu tình trong dòng lệ – “nước mắt ứa tràn”. Trăng tan, điều đó có nghĩa là cuộc chơi sẽ thiếu vắng đi một nét đẹp diệu huyền, người ta sẽ không còn nhận được nguồn năng lượng mát dịu nữa, thay vào đó là sự ngự trị của niềm cô đơn trống vắng:
 
 
“Tiếng rao đêm/ gió lạnh/ lòng nôn nao”. (Bài 95)
 
 
Biết đâu đó là khởi điểm, là dấu hiệu báo trước cho hàng loạt chuỗi ra đi:
 
 
“Đêm thâu/ dế rền rỉ/ nhớ em thơ”. (Bài 46)
 
 
Tiếp theo là “Đêm nay/ còn say hoa sữa/ mai lạnh bàn tay”. (Bài 70)
 
 
Trăng tan, tình thơ ra đi, hoa sữa giã từ… chỉ còn lại cơn “gió lạnh”,”bàn tay lạnh”,  ”tiếng rao đêm” và tiếng “dế rền rỉ” ưu buồn bên đường.
 
 
Cuộc chơi của kiếp phù sinh là vậy đó, không bao giờ đầy đặn và thỏa mãn cho bất kỳ ai. Nhưng đó không là kết quả chung cuộc cho khách chơi, dĩ nhiên người ta sẽ có được nhiều điều hơn trên bước đường dạ du, đó là sự bình an, niềm hạnh phúc, sự thể nghiệm lẽ thường nhiên trong cõi mộng:
 
 
“Đêm đông/ căn nhà trống/ ngọn lửa hồng”. (Bài 99)
 
 
“Ngọn lửa hồng” chẳng phải là niềm hạnh phúc giữa cái giá lạnh của mùa đông sao? Dù căn phòng chỉ mình ta nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và sức sống vì bên ta đã có ngọn lửa bằng hữu. Hơn hết:
 
 
“Giấc mộng tan/ căn buồng trống/ đợi đêm tàn”. (Bài 93)
 
 
Sự thiếu vắng của trăng, của hoa… giờ đây không còn là niềm đau hay sự mất mát mà là trợ duyên tốt để người lữ thứ ngồi lại một mình trong “căn nhà trống”, “căn buồng trống” phản quan và suy nghiệm lại chính mình. Lúc này cuộc chơi vẫn tiếp tục nhưng là cuộc chơi trong cõi tâm. An tọa, chính niệm trong từng nhịp thở… khách chơi từng bước xa rời cơn mộng – “giấc mộng tan”, ngọn lửa tuệ giác bừng lên – “ngọn lửa hồng”, mọi ưu phiền và bất an tan biến.
 
 
“Đợi đêm tàn” có nghĩa là đợi bình minh đến, tôi tin rằng ánh bình minh chân lý sẽ đến với khách chơi bởi lẽ người không chỉ từng trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm trong cuộc chơi nơi trần thế huyễn mộng này:
 
 
“Gá thân mộng. Dạo cảnh mộng”. (Thiền sư Thích Thanh Từ)
 
 
Mà còn từng đặt chân “dạo chơi” trong cõi tâm nhiệm mầu của mình để nhốm lên ngọn lửa tuệ giác, xua tan đại mộng:
 
 
“Mộng tan rồi. Cười vỡ mộng”. (Thiền sư Thích Thanh Từ)
 
 
Mộng tan, có phải cuộc chơi dừng lại chăng? Đúng vậy, dừng lại! Nhưng dừng cuộc chơi trong cõi mộng để mở màn cho cuộc chơi trong cõi tâm vĩnh hằng.
 
Sài Gòn, cuối hạ năm Nhâm Thìn
Tác giả : Đông Tùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip