Caolaoha.com một năm nhìn lại

07:57 - 16/10/2013

Những tâm tư và trăn trở của anh Lưu Văn Quỳnh như là bản tổng kết hoạt động năm 2013 của caolaoha.com

 

Còn một ngày nữa trang web làng tôi kỉ niệm ba năm ngày thành lập. Có lẽ đến lúc này tôi là một trong số các cộng tác viên tham gia muộn nhất.

 

Tôi không nhớ chính xác ngày giờ lần đầu tiên đặt tay lên bàn phím vi tính tập đánh những câu văn vụng về, lúng túng mà sau này được gọi bằng những từ rất sang: comment. Tôi chỉ nhớ mang máng vào một ngày đầu mùa Đông năm ngoái trên chuyến xe lên thăm quan làng văn hóa ở Sơn Tây cùng nhà thơ Đỗ Hoàng, Cảnh Giang, Lưu Đức Hải, Nguyễn Danh Lợi, Lê Quang Quý… Lê Quang Quý bảo tôi:

 

- Anh là dân văn chương, giờ nghỉ hưu rồi tham gia trang web làng đi. Vui lắm. À hình như Lưu Quang Vinh là người họ Lưu Văn của anh đấy. Ông Vinh là dân kĩ thuật mà tài hoa lắm. Thơ văn nhạc họa cái gì cũng giỏi.

- Lưu Đức Hải thì bảo: Tham gia với chúng em vừa được giao lưu gần gũi với bạn bè, vừa được gắn bó với quê hương. Anh không muốn sao?

- Ừ, muốn thì muốn lắm nhưng anh chịu. Đến đóng, mở máy vi tính còn chẳng biết nữa là. Mỗi lần truy cập là mỗi lần phải nhờ cháu con trợ giúp đấy chứ.

- Thế mới ngoài sáu mươi, anh sẽ làm gì với hơn bốn chục năm còn lại. Tham gia với chúng em không chỉ để giao lưu gặp gỡ mà còn được đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình cho quê hương đó anh – Lưu Đức Hải.

 

Ngồi trên xe, hình dung lại từng trang web caolao.com đã đọc, lòng suy nghĩ miên man: Làng mình sao lắm người giỏi thế… Lưu Hoa, Lê Mận, Nguyễn Thu Hà, Sương Trắng… là ai mà cô nào cũng văn thơ lai láng như những nữ sĩ trên văn đàn thực thụ. Rồi những cây bút trong chuyên mục Tiếng cười Cao Lao, mỗi ngày một chuyện cười, thơ con cóc nữa. Dí dỏm, trẻ trung, hài hước nhưng cũng thật trí tuệ.

 

Thế mà mình thì… Tối hôm đó tôi không sao ngủ được, lời của Lưu Đức Hải cứ ám ảnh mãi trong tôi. Thôi thúc, giục giã tôi: "Mới ngoài sáu mươi anh sẽ làm gì với bốn chục năm còn lại, tham gia với chúng em cũng là để góp phần xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển đó anh".

 

Ừ! Đúng rồi! Bốn mươi lăm năm xa quê, không quyền cao, chức trọng nhưng mình cũng đã gắn bó, cống hiến hết lòng cho quê hương thứ hai: nơi sinh cơ, lập nghiệp. Nay nhà cửa khang trang, con cái trưởng thành nhưng dẫu sao đó cũng không phải là nơi quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thời gian còn lại mình sẽ gắn bó hơn, gần gũi hơn với quê hương. Đó là tình cảm nhưng cũng là trách nhiệm. Mình sẽ làm công tác viên của caolaoha.com…

 

Thắm thoát nhìn lại mới đó đã gần tròn một năm trời. Một năm đến với caolaoha.com là một khoảng thời gian thật ngắn, nhưng cũng dài vô kể. Ngắn vì từ đó đến nay chưa tròn một vòng 365 ngày của thời gian cơ học. Dài vì từ đó đến nay tôi đã  biết được nhiều điều, làm được nhiều việc cho mình, cho quê mà cả hơn sáu chục năm qua chưa bao giờ được biết, chưa bao giờ làm được.

 

Từ một người mù vi tính, nay đã thành thạo mọi thao tác, đủ khả năng để diễn đạt, để trình bày những cảm xúc, suy tư của mình trên trang báo. 

 

Hơn sáu mươi năm qua có những điều, những việc tưởng như gần gũi, thân quen, tự nhiên như cơm ăn, nước uống, không khí hít thở hàng ngày: Hai tiếng Cao Lao mà đến tận hôm nay tôi mới hiểu ý nghĩa sâu xa của hai tiếng thân thương đó:

 

Cao Lao tiền thế đặt tên

CAO trông vời vợi LAO bền không xiêu

         

Quê tôi đó. Làng của Cửu khúc Long Khê, của Linh Giang, Lệ Đệ… Biết bao lần ngụp lặn bắt cá, mò cua, biết bao lần chặt củi, hái sim ở đó mà tôi nào đã biết. Đến với caolaoha.com, đọc Cao Lao hương sử diễn ca (Lưu Trọng Tuần), Lịch sử làng Cao Lao cổ (Lưu Đức Hải), Làng của Cửu khúc Long Khê (Phan Việt Dũng)… tôi mới hiểu được ngọn ngành về lịch sử của mảnh đất nguồn cội cha ông. Để rồi càng thêm yêu mến tự hào về mảnh đất có dáng hình chiếc thuyền rồng, nơi đã sinh ra biết bao người tài giỏi.

 

Viết những dòng này, tôi không sao quên được những ngày cuối tháng Năm, khi chương trình hoàn thiện bình phong sân đình làng kết thúc, tôi nhận được một tin nhắn từ số máy lạ: Chào anh! Em là lính biên phong ở Phú Quốc, là người xóm 2 cùng anh. Đọc Ôi quê tôi của anh thật là cảm động. Nhưng anh ơi! Con thuyền rồng quê ta nay đã mất phần bánh lái. Không khéo lại mất nốt cả cánh buồm (là Đồng Đớ, Đồng Giôn), cả Cột cờ là ngọn Kỳ Sơn (Chóp cờ) đó anh.

 

Nghe nói anh có bạn ở Cần Thơ, khi nào có dịp vào đây anh em mình sẽ gặp nhau dưới chân tượng đài Bác Hồ bên Bến Ninh Kiều anh nhé.

 

Bốn mươi năm xa quê cũng lắm bận đi về, nhưng tôi nào đã có đủ thời gian và trí lực để gặp gỡ thân quen, thậm chí không kịp để nhận ra cả bà con họ hàng, làng tên xóm dưới. Nay chỉ một lần kích chuột là anh em, bè bạn tuy ở muôn phương vẫn được gần nhau.

 

Một năm đến với Caolaoha.com, tôi đã được sống những giây phút thật hạnh phúc. Cũng như bao bà con xa quê “Vỡ òa ra vui sướng khi mình được đóng góp dù chỉ một vài viên gạch thôi để làm đẹp đình làng ở nơi quê cha, đất tổ” (Lưu Hoa). Được tự hào, hãnh diện là dân của một làng quê mà bạn bè đã bao lần ca ngợi: “Làng quê các bạn có cả thế hệ vàng, là niềm kích lệ động viên các làng khác phát triển trang mạng của mình”. “Tôi không phải là người Cao Lao nhưng thật hãnh diên khi huyện ta có một làng như làng các bạn. Các bạn có một tài sản vô giá: Sự đoàn kết, lòng yêu quê hương và một trang tin Caolaoha.com”. Chao ôi! Những tình cảm đó quý giá biết chừng nào. Không đến với Caolaoha.com làm sao có được.

 

Nhưng một năm đến với Caolaoha.com đâu chỉ có niềm vui mà cũng có cả nỗi buồn. Những ngày đầu tháng 10 mỗi lần vào mạng lại thấy lòng buồn rười rượi. Hết bão lụt hoành hành lại đến tin bác Giáp ra đi. Trong nỗi buồn đau chung đó còn có chút buồn riêng  khi trang web làng ta nay không còn một thời vang bóng như lúc tôi vừa mới đến. Đâu rồi cái thuở một bài thơ hay, một từ lạ trên câu đối tết có cả đến hàng chục, hàng trăm lời bình khen, chê, tán thưởng. Giờ đây càng ngày càng vắng bóng những gương mặt thân quen. Đó đây xuất hiện nhiều hơn những lời bình với ngôn từ, khẩu khí như rời xa sự chuẩn mực, tiêu chí của các trang báo ta: Kết nối tình cảm quê hương, quảng bá những nét bản sắc truyền thống, góp phần xây dựng quê nhà…

 

Vẫn biết rằng trang báo không chỉ thiên về sự tung hô, mà còn cần cả sự phê bình, cảnh báo.

 

Trang báo làng ta sắp tròn ba năm. Đứa trẻ lên ba tuy có những lúc vươn vai như chàng Phù Đổng để làm được những việc phi thường như trong sử thi huyền thoại. Đứa trẻ lên ba ở giữa cuộc đời thường cũng chưa qua thời sài đẹn. Một cơn mưa bất chợt, một ngọn gió đầu mùa có khi lại sinh ra chuyện lớn nếu các đấng sinh thành không biết cách bế ẵm, thuốc thang.

 

Caolaoha.com là đứa con đẻ tinh thần, là đứa trẻ lên ba của làng ta đó. Tất cả chúng ta những người sinh ra nó phải biết nâng niu, gìn giữ như “búp trên cành” để ngày càng lớn lên sum xuê xanh tốt, đơm hoa, kết trái quanh năm.

 

Một năm đến với Caolaoha.com tôi đã được gắn bó gần gũi hơn với quê hương nhiều lắm.

 

Từ trong sâu thẳm tâm hồn: Caolaoha.com thực sự là món ăn tinh thần, là tài sản quý giá của quê hương ta đó. Chúng ta phải biết giữ gìn, vun đắp để ngày càng dồi dào cảm xúc và trí tuệ, để phát huy hơn nữa những đóng góp nhiều mặt cho sự phát triển của quê hương.

 

Ngày 23 tháng 10 năm 2013

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Gặp mặt bà con yêu mến trang tin caolaoha.com tại Đồng Hới
Thông báo
Thông báo
Gặp mặt nhân kỷ niệm 12 năm trang tin caolaoha.com
Thư mời bà con yêu mến caolaoha.com giao lưu tại Đồng Hới

Video clip