Giếng Hóc – Di tích lịch sử của làng Cao Lao Hạ

18:57 - 13/02/2020

Tin và ảnh của anh Nguyễn Chung Quý về giếng Hóc của làng Cao Lao Hạ xưa và thực trạng hiện nay

Giếng Hóc – Di tích lịch sử của làng Cao Lao Hạ

 Giếng Hóc hiện nay (Ảnh: Nguyễn Chung Quý)

Lời Ban Biên tập: Trong cuốn Địa chí làng Cao Lao Hạ, tác giả Lê Văn Sơn viết về giếng Hóc: “... Giếng Hóc cách Khe Hậu khoảng trên 100m về hướng bắc, giếng có hình tròn, to và sâu, giếng xây bằng đá kiểu (đá lèn). Nước mạch chảy mạnh, tuy vậy về mùa hè nhân dân đến gánh nước nhiều, có lần hàng chục người, với hàng chục gày nước múc liên tục nên nước giếng cũng có khi bị khô cạn, phải đứng chờ mạch nước chảy ra mới múc được. Nước giếng Hóc ngọt lịm, dùng pha trà rất ngon, được các cụ rành trà ca ngợi. Mọi người khi đến giếng Hóc, bất kỳ ai, đi làm đồng, đi kiếm củi, cắt cỏ, các em bé chăn trâu, chăn bò cũng như người gánh nước v.v… việc đầu tiên là lấy gàu múc nước lên, úp đầu vào gàu uống một hơi cho đã, cho mát ruột, đến no mới thôi, sau đó mới múc nước vào thùng gánh về, thế mà chẳng ai đau bụng...”

Giếng Hóc là một trong những di tích lịch sử còn sót lại sau chiến tranh chống Pháp với trận đánh nổi tiếng "ôm hè". Tuy chưa được các cấp có thẩm quyền công nhận di tích lích sử, nhưng đối với người dân Hạ Trạch thì Giếng Hóc là một di tích không thể quên, gắn với kỷ ức của nhiều thế hệ.

Hiện tại giếng đã bị lấp cạn, xung quanh giếng đang bị cây, cỏ che phủ. Đây là một trong những hạng mục cần sớm khôi phục. Ngày 26/12/2019 TVĐU, UBND xã Hạ Trạch giao cho BCH Đoàn TNCS xã làm vệ sinh, dọn khu vực giếng Hóc để chuẩn bị điều kiện tìm nguồn kinh phí, kêu gọi cộng đồng cùng góp sức, góp công khôi phục lại giếng Hóc.

 

GIẾNG HÓC – DI TÍCH LỊCH SỬ LÀNG CAO LAO HẠ


Cách đây nhiều chục năm hầu khắp các làng quê Việt Nam nơi nào cũng có giếng làng, là nơi cung cấp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho người dân.

Ở làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch), trước đây cũng có khá nhiều giếng: giếng xóm 3, xóm 9 và xóm 15. Do địa thế làng Cao Lao Hạ nằm trên vùng bãi bồi, giếng ở đây đa phần bị nhiễm phèn và nước có vị lợ, vì vậy người dân dùng nước này chủ yếu cho phục vụ sinh hoạt. Để có nước ăn uống bà con phải dùng nước mưa hoặc vào lấy tại các giếng trong rẫy, trong rú, như: giếng Hóc, giếng Kiệt, giếng Hung, giếng Bẩy, giếng Mây, giếng Khe Liêu, giếng Mới. Các giếng này nước rất ngọt, cho dù trải qua những mùa hè khắc nghiệt thì cũng ít khi bị khô cạn. Trong đó giếng Hóc có mạch nguồn rất dồi dào và quãng đường gần nên đa số người dân thường vào lấy nước ở đây để phục vụ ăn uống. Tùy vào mức độ sử dụng của từng gia đình, cứ độ vài ba ngày bà con lại đi gánh nước một lần. Tuy nhiên do tập quán sinh hoạt có nhiều đổi khác, đặc biệt từ khi có hệ thống nước ngọt lấy từ Vực Sanh, thì vai trò của giếng làng cũng như các giếng trong rẫy không còn được như xưa, dần bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm hoặc trở thành nơi tập kết rác thải. Và giếng Hóc không phải là ngoại lệ, theo thời gian cũng đã bị bỏ hoang, san lấp.

Một ngày đầu Thu năm 2019, theo lời kể của bác Lưu Trọng Uýnh, người trực tiếp tham gia trận đánh “Ôm hè”, mùa hè năm 1948, sau một thời gian theo dõi, thấy lính Pháp đóng đồn ở xóm 13 (làng Cao Lao Hạ) thường vào lấy nước giếng Hóc để về phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Cứ mỗi lần đi lấy nước bọn chúng thường huy động từ 8 đến 12 người, 2 người khiêng một chum, có lính đi theo bảo vệ. Bộ đội và du kích của ta họp bàn, lập kế hoạch cướp súng của giặc. Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Đăng Thái, là bộ đội chủ lực đã cùng du kích địa phương được ngụy trang nhiều vòng, vài người đóng vai đi hái củi về ghé lại uống nước, người giả vờ bứt cỏ gần giếng. Lợi dụng lúc bọn giặc chủ quan, một số tên đang tắm gội, bất ngờ hiệu lệnh “Ôm hè” được phát ra, quân của ta lập tức ập vào khống chế bọn giặc, nhiều tên hoảng loạn bỏ chạy, chúng ta thu được 3 khẩu súng. Với chiến công lập được, sau trận đánh du kích làng Cao Lao Hạ được cấp trên biểu dương, cá nhân ông Nguyễn Đăng Thái được Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công. Trận đánh “Ôm hè” là một dấu son, là niềm tự hào của người dân làng Hạ trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Năm 2019, một năm nắng nóng kỷ lục, nhiều tháng trời không mưa, hồ Vực Sanh khô cạn, đa số hộ dân trên địa bàn xã Hạ Trạch đều phải mua nước ngọt được bơm lấy từ các giếng trong rẫy và vận chuyển về bằng xe Công nông. Nhưng do hạn hán kéo dài, nên hầu hết các giếng ở làng rẫy cũng dần khô cạn, duy chỉ còn giếng của một vài hộ gia đình nằm trên mạch nguồn giếng Hóc là vẫn còn nguồn nước dồi dào.

Với sự biến đổi của khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng gay gắt, cùng sự thiếu ý thức của con người, nạn chặt phá, khai thác rừng bừa bãi dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn cung nước ngọt trong tương lai gần. Nhận thấy vai trò của giếng Hóc trong việc cung cấp nước, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử của giếng Hóc, được sự quan tâm của đông đảo bà con nhân dân, vừa qua lãnh đạo xã Hạ Trạch đã có kế hoạch, hướng tới nạo vét, tôn tạo nhằm khôi phục lại di tích giếng Hóc.

Hy vọng, với sự quan tâm của Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của bà con nhân dân ở quê cùng bà con xa quê, giếng Hóc – di tích lịch sử của làng Cao Lao Hạ - xã Hạ Trạch sẽ sớm được khôi phục, trước mắt cũng như lâu dài sẽ là nguồn cung cấp nước ngọt cho bà con nhân dân, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để mọi người được hiểu hơn, yêu quý hơn và càng thêm tự hào về miền quê Hạ Trạch anh hùng.

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip