Quảng Bình trong cơn đại hạn: Hồ cạn, mương khô

17:05 - 28/06/2019

Thông tin về đợt nắng hạn kéo dài trên quê hương qua bài đăng trên báo Quảng Bình ngày 13 tháng 6 năm 2019

Quảng Bình trong cơn đại hạn: Hồ cạn, mương khô

(Hồ Vực Sanh ngày 26 tháng 6 năm 2019: Ảnh Lê Kim Liên)

 

Lời Ban biên tập: Theo số liệu chính thức thì Hồ Vực Sanh quê mình có dung tích thiết kế 3,2 triệu m3 nước. Đến đầu tháng 6, mực nước trong hồ đã cạn tấp về mực nước chết. Đi xuống lòng hồ, cửa cống xả áp bê tông đã lộ trên mực nước hơn 1m. Tình hình này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đế cuộc sống của bà con quê mình. Dự báo 10 ngày tới nhiệt độ tại quê mình vẫn rất cao. (xem tại đây https://weather.com/vi-VN/weather/tenday/l/Bo+Trach+24+VMQB0026:1:VM)

Thiên tai thật là khắc nghiệt

 

(Ảnh Lưu Bá Lâm)

 

QUẢNG BÌNH TRONG CƠN ĐẠI HẠN: HỒ CẠN, MƯƠNG KHÔ

 

Cuối năm 2018, do lượng mưa ít nên các hồ đập ở Quảng Bình đều trong tình trạng chỉ đạt từ 40 – 70% dung tích.

Hồ Vực Sanh thấp dưới mực nước chết.

 

Thời tiết khắc nghiệt từ đầu năm đến nay với nắng nóng gần 40 độ kéo dài khiến lượng nước dự trữ ngày càng khô cạn. Một số hồ chứa đã dưới mực nước chết…

Căng mình chống hạn

Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi thủy Quảng Bình cho biết, chỉ có 3/17 hồ chứa thuộc đơn vị quản lý đạt dung tích thiết kế (hồ Vực Tròn, hồ Sông Thai, hồ Thanh Sơn), 14 hồ còn lại dung tích chỉ đạt từ 40-50%. Trong thời tiết bình thường qua cân đối lượng nước đủ đảm bảo cho sản xuất vụ ĐX, còn vụ HT 2019 dự kiến không phục vụ được trên 2.630 ha.

“Tuy nhiên do nắng nóng đến sớm và kéo dài, nhiều nơi nhiều tháng không có mưa nên đã xảy ra hạn hán cục bộ một số nơi. Một số hồ, đập đã cạn nước”, ông Quảng nói.

Hồ Vực Sanh (huyện Bố Trạch) có dung tích thiết kế 3,2 triệu m3 nước. Đến đầu tháng 6, mực nước trong hồ đã cạn tấp về mực nước chết. Đi xuống lòng hồ, cửa cống xả áp bê tông đã lộ trên mực nước hơn 1m. Cách cửa cống một quãng, bà con đào sâu xuống để kéo máy bơm lấy nước về.

Ông Quảng giải thích: “Hiện nước trong hồ ở vùng sâu còn lại khoảng 0,4 triệu m3 nên không thể lấy nước tưới được mà chỉ ưu tiên bơm về dùng nước sinh hoạt cho nhân dân các xã Bắc Trạch, Mỹ Trạch…”.

Huyện Quảng Trạch có 3 hồ chứa nước lớn là Vực Tròn (Quảng Châu), Tiên Lang (Quảng Liên), Trung Thuần (Quảng Thạch). Đây là những công trình thủy lợi quan trọng phục vụ nước tưới tiêu cho nông nghiệp các xã trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, ngoài hồ Vực Tròn còn đủ khả năng tưới cho các xã vùng Roòn thì hồ Tiên Lang, Trung Thuần mực nước chỉ đạt 10-15% dung tích và không thể cung cấp đủ nước tưới cho vụ HT của các xã vùng trung và phía tây huyện.

Phục vụ tưới cho gần 100 ha của xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) có hồ Nước Sốt. Khi chúng tôi đến thực địa thì hồ cũng đã cạn nước. Đáy hồ chỗ sâu nhất cũng chỉ còn nước không quá đầu gối người lớn.

Hồ Nước Sốt cũng cạn đáy.

Ông Phan Văn Trí, cán bộ Phòng NN-PTNT Quảng Trạch cho hay: “Nếu nắng nóng còn kéo dài thì hồ Nước Sốt sẽ cạn trơ đáy”.

Tuyến kênh Kênh Kịa chạy xuyên qua giữa trung tâm huyện Quảng Trạch dài trên 10 km. Kênh này có nhiệm vụ thoát lũ và tích nước hồi quy của các hồ lớn để phục vụ các trạm bơm tưới cho các xã vùng giữa. Tuy nhiên, do mực nước các hồ xuống quá thấp nên kênh Kênh Kịa cũng khô nước. Dưới cái nắng gắt, đáy kênh đã bắt đầu nứt nẻ.

“Bắt” nước vào mương

Từ đầu vụ HT đến nay, Cty đã triển khai việc chống hạn khẩn trương và gấp rút. Xác định nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt nên giải pháp tưới hợp lý và tiết kiệm tối đa nước được đưa lên hàng đầu.

Tại các huyện phía bắc của tỉnh, Cty đã triển khai 7 cụm bơm (12 máy bơm) dã chiến để đưa nước ở các hói, rào nhỏ vào hệ thống kênh chính dẫn về ruộng.

Tại cụm trạm bơm dã chiến cầu Đồng Cửa (xã Bắc Trạch), 2 máy bơm liên tục thay nhau bơm nước từ hói Bờ Rào xả vào tuyến kênh chính chảy về vùng đồng 260 ha của xã Bắc Trạch. Mỗi ca trực luôn có 2 công nhân vận hành.

Kênh Kênh Kịa khô nứt.

Ông Nguyễn Văn Quang, công nhân thuộc Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch từ trong lều bạt đi ra vớt rác ở lưới chắn lòng mương rồi nói: “Bơm để bổ sung nước chứ không nước dưới hói cũng sẽ cạn”.

Cũng như cụm bơm dã chiến này, nhiều cụm khác như cầu máng Sơn Vạn, cầu máng Vực Ngọc, hói Sác Rộc, cụm bơm bơm Rào Sau… đang vận hành hết công suất để “bắt” nước từ các hói, đầm lạch… vào các tuyến kênh chính. Ông Trần Hòồng Quảng cho biết, kinh phí vận chuyển lắp đặt và nhiên liệu dầu… ở mỗi cụm bơn gần 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Viết Sỹ, Trưởng chi nhánh thủy nông huyện Bố Trạch cho biết, trước tình hình bất lợi này, đơn vị đã thống nhất với UBND huyện, các địa phương để thống nhất kế hoạch cho công tác chống hạn.

“Chi nhánh chúng tôi quản lý có 5 hồ. Do lượng mưa năm nay đạt 1/3 so với bình thường mọi năm nên dung tích nước các hồ chỉ đạt 20% thôi. Vì vậy, lượng nước không đủ tưới tiêu cho 3 xã Bắc Trạch, Hạ Trạch và Mỹ Trạch. Chi nhánh đang khai thác các luồng lạch, hói, ao hồ để tận dụng lượng nước tại chỗ, bơm chống hạn”, ông Sỹ nói thêm.

Huyện Quảng Trạch cũng đang căng mình chống chọi với thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết, theo kế hoạch vụ này SX 3.400ha lúa. Tuy nhiên, các địa phương chỉ gieo trồng được 2/3 diện tích. Nguyên nhân là do hạn hán, nguồn nước phục vụ tưới tiêu thiếu.

Cụm bơm dã chiến ở Bố Trạch.

Huyện Quảng Trạch cũng đã chỉ đạo với những địa phương bị ảnh hưởng nặng của hạn, như xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Liên… vận động bà con tích cực chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp có khả năng chịu hạn.

Ngay từ đầu vụ HT, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường các giải pháp tích trữ nước chống hạn, xâm nhập mặn. Tích cực dùng các cụm bơm dã chiến, tận dụng nước của ao hồ, sông suối tự nhiên để bơm tưới. Phải có biện pháp điều tiết nước cho từng đợt tưới, đảm bảo hiệu quả.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Sở đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị phải có biện pháp tích trữ nước, thực hiện tưới tiêu bằng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, các trạm thủy nông điều hành tránh làm rò rỉ, thất thoát nguồn nước.

“Sở tham mưu cho UBND tỉnh làm báo cáo gửi ra Bộ NN-PTNT xin kinh phí hỗ trợ chống hạn, giống cây trồng, vật nuôi chống chịu hạn cho bà con, nhằm giảm thiểu tối đa tác động của hạn hán, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp”, ông Phan Văn Khoa cho biết thêm.

Nguồn bài viết: https://tinquangbinh.com/2019/06/756064/quang-binh-trong-con-dai-han-ho-can-muong-kho/
Tác giả : Tâm Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Trồng cây trên các tuyến đường vào Cồn Cui
Thư chúc tết
Thư kêu gọi ủng hộ kinh phí lát gạch sân Đình và tôn tạo một số hạng mục Đình làng
Dự án nâng cấp đường Quan hoàn thành trước Tết nguyên đán 2024
Đổ bê tông mặt đường Quan

Video clip