Lê Mô Khải

21:00 - 26/10/2010

Lê Mô Khải một người con hết lòng vì dân, vì nước, được nhân dân làng Cao Lao Hạ lập đền thờ và tôn xưng là Thần Hoàng Bốn Thổ. Lăng mộ của Ông trên đỉnh núi Oằn được xếp hạng là tích lịch sử văn hóa.

 

Ông Lê Mô Khải (1836-1895), quê ở làng Cao Lao Hạ, nay là xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông còn có các tên là Lê Tuấn và Lê Ngọc Thành. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cụ thân sinh ra ông là Lê Văn Giản, đỗ cử nhân năm 1842, làm tri huyện dưới Triều Thiệu Trị.

 

Lúc nhỏ đi học ông có tên là Lê Ngọc Thành, năm 26 tuổi (1861) ông đã đỗ cử nhân. Ra làm quan ông lấy tên là Lê Mô Khải. Trong kinh ông giữ chức: Thị độc sung cử quán biên tu, Hồng lê Tựu Thiếu Khanh, Tá lý Bộ Lại. Ngoài địa phương giữ chức: Án Sát, Bố Chính tỉnh Hải Dương. Trong những năm ông Lê Mô Khải làm Án Sát ở Hải Dương, tình hình đất nước gặp khó khăn, các toán phỉ người Hán thường tràn sang cướp phá các tỉnh biên giới phía Bắc, thường được gọi là giặc Cờ Đen, Cờ Vàng. Ông đã tham gia nhiều cuộc chống phỉ. Là một quan văn, nhưng trấn trị ở vùng trọng yếu, nên công phải kiêm là võ tướng, xông pha nơi lửa đạn để ổn định an ninh nội địa và bảo vệ cuộc sống cho nhân dân. Đồng thời, người Pháp cũng bắt đầu xâm nhập nhiều nơi ở Bắc Kỳ.

 

Từ khi quân Pháp đánh chiếm Hải Dương, chúng đã gây ra biết bao vụ chướng tai gai mắt, ông đã chứng kiến biết bao cảnh nhục nhã. Tại khắp nơi, quân Pháp vượt quyền triều đình, giam cầm, chém giết quan quân ta một cạch vô cớ mà không ai dám thành động, sợ mang tội vì triều đình vẫn chủ trương nghị hòa, mềm dẻo. Lê Mô Khải còn chứng kiến biết bao cảnh tranh quyền cố vị, tham sống sợ chết của bọn tham quan ô lại giữa lúc đât nước đang đầy rấy quân thù. Vốn tính cương trực, ít chiều cấp trên. Với cương vị của mình, ông đã lên tiếng đàn hặc các quan lại có lỗi mặc dù người đó có phe cánh trong triều ra sức bảo về che chở.

 

Năm 1883, vua Tự Đức mất, quân Pháp thì đánh phá khắp nơi, trong triều thì lục đục chia phe, chia phái. Vua Kiến Phước cùng phái chủ hòa vẫn chủ trương nghị hòa. Trước tình hình đó, triều đình lại bị sức ép của Pháp nên ở Bắc Kỳ có hàng trăm quan trường đều bị giáng chức, tỏng đó có ông Lê Mô Khải vì chống lại quân Pháp, chống lại những hoạt động phản bội của bọn tay sai, nên ông bị triệu về kinh đợi tội. (Đại Nam thực lục chính biên –t36, tr 34). Trong khi các sĩ phu ngày đêm đổ máu, xông pha nơi lửa đạn thì triều đình coi những người chống Pháp là có tội.

 

Trở về Huế nhận tội lần này, ông Lê Mô Khải không những hiểu thêm nội tình của các quan lại mà còn thấy rõ sự nhút nhát đến trở thành hèn yếu của triều đình, lộ rõ ý chí cầu an, đầu hàng. Nhưng không phải ai trong triều cũng như thế mà vẫn có người chủ trương đánh Pháp để khôi phục lại chủ quyền quốc gia. Biết vậy, nên ông không nản lòng, vẫn cố gắng trình bày ý kiến của mình, phương sách đối phó với thời cuộc và ngỏ ý mong triều đình chấp thuận.

 

Đại diện cho phe chủ chiến có hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết rất có uy quyền và uy tín lớn. Trong tay Tôn Thất Thuyết lại nắm một lực sượng khá mạnh. Thấy ông Lê Mô Khải là người hiểu thời thế, biết lo nước, yên dân, tài năng, đức độ nên triều đình đã không xử tội mà còn thăng chức cho ông, điều bổ ông trở lại làm Bố Chính ở Hải Dương.

 

Năm 1884, triều đình Huế phải ký với Pháp hiệp ước Patenổte đã đánh dấu sự đầu hàng của giai cấp phong kiến Việt Nam trước sự tấn công hung bạo của giặc Pháp. Nhiều vị quan lại, sĩ phu yêu nước hết sức phẩn uất trước hành động đầu hàng của triều đình đã từ quan về quê ẩn dật, trong đó có Lê Mô Khải.

 

Về quê nhà, ông là quan tiên chỉ của làng Cao Lao Hạ, người ta thường gọi ông là Quan lớn Lê. Ông đóng góp nhiều việc có ích cho làng xã như xây dựng quê hương, chăm lo thuần phong mỹ tục và dốc lòng xây dựng cho làng quê một cuộc sống văn hóa, lành mạnh, cao đẹp. Ông muốn dân làng được no cơm, ấm áo, con em được học hành. Ông cho rằng muốn phát triển kinh tế trước hết phải truyền bá văn minh, mở mang dân trí nên ông quyết định mở trường dạy học. Học trò đến học rất đông. Trong thời gian dạy học, qua những bài giảng của mình, bên cạnh những nội dung kiến thức ông còn khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, khơi dậy lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược trong tầng lớp thanh niên học sinh. Trong số học trò có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao, có người làm đến chức thượng thư như ông Lưu Đức Xưng.

 

Năm 1885, sau vụ biến kinh thành, kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra Quảng Bình, xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân vũ trang giúp vua chống Pháp cứu nước.      Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông Lê Mô Khải đã đứng len kêu gọi nhân dân trong vùng nổi dậy tập họp thành đội nghĩa quân. Lúc đầu lấy đình làng và thành Khu Túc (Thiềng Kẻ Hạ) làm nơi huấn luyện và hội quân. Sau vào xây dựng căn cứ chống Pháp tại Trại Nái để có điều kiện chống Pháp lâu dài.

 

Trại Nái bây giờ gọi là Ba Trại nằm giữa núi rừng trùng điệp, địa thế rất hiểm trở, án ngự trước mặt làng Cao Lao Hạ. Ở thời kì đó, chọn một địa điểm như Trại Nái, xét về quân sự, về kỹ thuật tác chiến bằng giáo mác, đi chân đất, ứng dụng chiến thuật du kích, đánh mai phục chủ yếu thì đó cũng là một vị trí thích hợp. Tại đây nghĩa quân Cần Vương Lê Mô Khải đóng ba doanh trại: Trại trên, Trại giữa và Trại dưới. Cho nên Trại Nái còn có tên là núi Ba Trại hoặc đồn Ba Trại. Lực lượng nghĩa quân ngày càng đông, quân số lên đến hơn nghìn người, có hàng trăm nhân vật có tiếng, với một bộ chỉ huy gồm Đê đốc, Lãnh binh, nhiều suất đội, võ sư, võ sĩ tài giỏi. Các võ sư ngày đêm luyện tập võ nghệ cho nghĩa quân. Nghĩa quân tự rèn luyện vũ khí như gươm, đoản đao, mã tấu, cung tên.

 

Nghĩa quân Trại Nái được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, nghĩa quân hoạt dộng đến đâu đều được nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ. Nhân dân còn đóng góp tiền của, lúa gạo cho nghĩa quân. Nghĩa quân còn khai phá đất hoang, trồng nhiều cây lương thực, chăn nuôi lợn, gà để cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ. Hầu như không có người dân nào lại không coi cuộc kháng chiến chống Pháp này như là của chính mình.

 

Nghĩa quân liên tục chủ động tấn công hoặc đối phó với những cuộc hành quân đàn áp của địch, đã giành được thắng lợi quan trọng, như trận phục kích táo bạo ở Khe Nước. Nhiều tên tay sai Pháp đi lại trên quãng đường từ Hoàn Lão đến Quảng Khê đều bị nghĩa quân trừng trị. Nhất là trận tấn công vào đồn Quảng Khê tháng 11-1886 làm cho chúng hoang mang, hoảng sợ không dám ra ngoài đồn bắn phá cướp bóc tài sản của nhân dân.

 

Nghĩa quân tràn đầy lòng căm thù với quân xâm lược, lại được sự giáo dục về lòng yêu nước, thương đồng bào, sẵn sang kéo trở lại những người lầm đường lạc lối. Phát huy lòng yêu nước, nhân dân không cho con em mình đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng. Vận động gia đình có con em đi lính cho Pháp trở về với nghĩa quân. Chính họ đã chứng kiến giặc Pháp đã gieo giắc đầy tội ác với dân ta, nên đã có hàng chục lính ngụy ở Quảng Khê mang sung về gia nhập nghĩa quân Trại Nái. Họ còn nói với nhau: “ Thứ nhất theo Quan lớn Lê, thứ nhì trớ về làm ruộng”.

 

Nghĩa quân thường bí mật, bất ngờ mở những trận phục kích, bao vây, quấy rối, tập kích tiêu hao sinh lực địch và đã khống chế cả vùng từ Hoàn Lão, Lý Hòa, Khe Nước, Quảng Khê lên đến vùng trung lưu song Son thuộc sơn phận hạt Bố Trạch. Nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận, tiếng tăm ông đã lừng lẫy. Trong thời gian dựng cờ khởi nghĩa ở Trại Nái, Lê Mô Khải luôn luôn phối hợp với nghĩa quân Lê Trực, tổ chức nhiều trận đánh hợp đồng, đã đánh thắng nhiều trận, có khi đánh vào đồn Hoàn Lão và thành Động Hải (Đồng Hới) làm cho quân Pháp nhiều phen khiếp sợ, triều đình nhà Nguyễn khiếp sợ.

 

Tháng 9 năm 1886, dưới áp lực toàn quyền Pháp là Paul Bert, vua Đồng Khánh phải ra Quảng Bình phủ dụ và chiêu hồi các lãnh tụ Cần Vương, trong đó có ông Lê Mô Khải với chỉ dụ: Ai qui thuận quân Pháp sẽ được phong chức hàm (Đại Nam thực lục chính biên, tập 37, trang 203). Nhưng ông không bao giờ qui thuận, vẫn lãnh đạo nghĩa quân Trại Nái chiến đấu chống Pháp xâm lược đến cùng.

 

Năm 1887, quân Pháp mở cuộc hành quân tấn công vào Trại Nái. Chúng muốn tiêu diệt nhanh căn cứ Trại Nái vì Trại Nái vừa là yết hầu vừa là chắn đuôi con đường thủy hành quân tiện nhất cho họ mỗi khi họ tiến quân từ Quảng Khê lên Minh Cầm để đánh sâu vào Đồng Lê, Quy Đạt.      Lần này chúng huy động lực lượng rất đông tấn công vào Trại Nái, dựa vào sức mạnh của vũ khí, súng đạn , quyết chiếmTrại Nái cho bằng được. Lê Mô Khải thấy sức mình không trụ được, bèn cho lệnh lui quân về phía nam rừng Trường Sơn.

 

Căn cứ Trại Nái thất thủ, gần 300 nghĩa quân bị bắt, trong đó có 60 nhân vật nổi tiếng (Đại Nam thực lục chính biên – tập 37, trang 248). Trong số địch bị bắt có bà Nguyễn Thị Luyến, đệ tam phu nhân ông Lê Mô Khải và các con ông. Chúng đem vào giam tại nhà lao phủ Thừa Thiên Huế.

 

Sau trận thất bại ở Trại Nái, người thì về Chóp Chài theo nghĩa quân Lê Trực, người ra Hương Khê theo cụ Phan Đình Phùng, trong đó có đề đốc Lê Quang Chánh. Đa số tránh về quê làm ăn sinh sống. Ông Lê Mô Khải cùng một số quân tướng, lên Tuyên Hóa tìm gặp vua Hàm Nghi, được nhà vua phong chức Tán tướng quân vụ. Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (11-1888) ông Lê Mô Khải vẫn tập hợp một số nghĩa quân còn lại vào rừng sâu, tiếp tục kháng chiến.

 

Đã nhiều lần nghĩa quân Lê Mô Khải phối  hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng chiến đấu chống những trận càn quét của quân Pháp tấn công vào vùng tây Quảng Bình và Hà Tĩnh. Mấy năm sống trong rừng sâu, dù gian lao vất vả nhưng ông vẫn không hề nao núng. Trong chiến đấu ông là người dũng cảm, hết lòng vì nước vì dân. Tuy vậy, đeo đuổi một cuộc chiến không cân sức, lại thiếu thốn mọi bề, do điều kiện sống lâu năm giữa rừng nên ông bị bệnh sốt rét rừng nặng và qua đời.

 

Để tưởng nhớ người con, tận tụy gian khổ, một lòng vì dân, vì nước; nhân dân làng Cao Lao Hạ lập đền thờ và tôn xưng ông là Thần Hoàng Bốn Thổ.       

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Trung tướng Lê Văn Tri
Huyền thoại Thiếu tướng Lưu Bá Xảo
Gặp lại ân nhân
Ba ngày cho một trận đánh lịch sử
Liệt sỹ Lê Hải Đức

Video clip