Quảng Sơn, ngày tôi trở lại

21:47 - 28/11/2013

Bút ký của tác giả Lê Chiêu Phùng, đạt giả ba tại Liên hoan Phát thanh - Truyền hình năm 2013 do Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình tổ chức

 

Lời Ban biên tập: Với gần 80 tác phẩm tham gia Liên hoan Phát thanh- Truyền hình năm 2013 do Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình tổ chức tại TP Đồng Hới. Đây là dịp để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong tỉnh giao lưu, học hỏi nâng cao nghiệp vụ và tôn vinh các tác phẩm đạt chất lượng cao tham gia Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quốc. Bút ký “Quảng Sơn- ngày tôi trở lại” của tác giả Lê Chiêu Phùng đã vinh dự đoạt giải ba. Xin giới thiệu nội dung bút ký.

 

QUẢNG SƠN NGÀY TÔI TRỞ LẠI

Bút ký dự thi của Lê Chiêu Phùng

 

Quảng Sơn một xã miền Tây nghèo của Huyện Quảng Trạch- Quảng Bình nằm trong khúc ruột miền Trung, hàng năm phải đối mặt thường xuyên với sự cuồng phong của thiên tai bão lũ .Thế nhưng chưa có năm nào mà trời đất lại giáng xuống Quảng Sơn một đòn nặng nề đến vậy, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10 năm 2013, nơi đây phải oằn lưng chịu đựng và  chống đỡ cơn bão số 10, rồi tiếp đến hoàn lưu của bảo số 11 gây ngập lụt khắp nơi, chưa kịp vực dậy thì cơn lốc xoáy kinh hoàng lại kéo về trong đêm không những gây tang tóc cho người mà cuốn phăng đi tất cả những gì còn sót lại mà bà con phải chắt chiu góp nhặt dựng xây tự bao đời bằng mồ hôi và nước mắt mới có được. Thế rồi qua  phong ba trời lại sáng, bão tan rồi còn lại tình thương, được sự quan tâm giúp đở của các cấp, các ngành trong Tỉnh, cũng như  tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã đến với bà con cả về vật chất cũng như tinh thần động viên chia sẽ, đùm bọc yêu thương để từ đó người dân Quảng Sơn đứng dậy và bắt đầu cuộc sống mới hồi sinh

 

Đến xã Quảng Sơn khi trời vừa hửng nắng. Cái nắng đầu đông còn sót lại sau những ngày mưa tầm tả của hai cơn  bão và trận lốc xoáy kinh hoàng vừa càn quét qua đây. Cảnh đổ nát hoang tàn của làng quê sau những ngày bão lũ làm đau lòng người khi tận mắt chứng kiến những gì đã diển ra ở nơi rốn lũ. Đâu đó còn phảng phất mùi khét lẹt của những làn khói bay lên từ các đống rác đốt cháy ven đường, mùi của áo quần ngâm nước lâu ngày lẫn với rác và bùn non. Bên kia đường, bà con nông dân đã vác cuốc ra đồng tìm lại ruộng vườn để chuẩn bị sản xuất vụ Đông vừa bị lũ cào bằng không còn ranh giới. Những đống rác lớn nhỏ tuy đã được dọn dẹp nhưng vẫn còn chất đống ngổn ngang…

 

Xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, như hình một lưỡi liềm uốn lượn theo sông Rào Nan nơi thượng nguồn của dòng Linh Giang huyền thoại. Những ngôi nhà ngói đỏ khép mình trong những mảnh vườn hoa trái xum xuê soi mình xuống dòng sông hiền hòa mát rượi. Bến nước Rào Nan là nơi nâng niu, chăm ẳm bao ký ức của các thế hệ tuổi thơ người ở quê nhà cũng như người làm ăn nơi xa xứ. Ai đã một lần về Quảng Sơn, về với sông nước Rào Nan chắc chắn cầu mong một ngày quay trở lại...Thế mà chốc lát Rào Nan trong xanh hiền hòa trở nên hung thần dữ dội cuốn phăng tất cả những gì mà bà con chắt chiu xây dựng từ ngàn đời nay. Dẫu biết rằng, không chỉ người Quảng Sơn, Quảng Bình mà cả khúc ruột Miền Trung hàng năm đều phải đối mặt với thiên tai bão lũ, nhưng chưa bao giờ người Quảng Sơn lại hứng chịu thiên tai nặng nề đến như thế.

 

Cách đây không lâu, tôi có đọc bài thơ Bến nước Rào Nan của tác giả Lê Thị Hường một người con gái làng Cao Lao Hạ xưa, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch ngày nay đăng trên caolaoha.com có câu: “Tôi sinh ra trên quê hương đất Hạ/ Lấy chồng về bên bến nước Rào Nan… Rào Nan ơi bến nước yêu thương/ Đã ôm ấp từ khi tôi mới đến”…Với 4 khổ 16 câu, bài thơ chứa đầy cảm xúc và gây ấn tượng trong lòng đọc giả với những commens xúc động lòng người. Và khi tin lũ, bão về nơi đó, nơi có người con gái làng Hạ, đang cùng bà con quê chồng gồng mình với bão lũ thiên tai. Không riêng gì tôi mà ai đã đọc thơ chị chắc cũng sẽ tìm về quê chị.

 

Trong căn nhà chưa được dọn dẹp còn bừa bộn rác, bùn và mùi ẩm mốc của những gì còn sót lại sau trận lốc và lũ quét, rồi mưa kéo dài chưa kịp phơi khô. Bộ bàn ghế tiếp khách tuy đã lau chùi nhưng cũng không thể xóa hết những vết loang lổ vì ngâm nước nhiều ngày. Anh Phan Thế Lực chồng chị Lê Thị Hường đã có nhiều năm gắn bó giảng dạy ở trường Tiểu học xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch trước khi về nghĩ hưu gạt vội nước mắt, kể lại rằng: “Bão số 10 càn qua quét lại, cây cối, nhà cửa ngả nghiêng, chưa kịp trở tay thì lốc xoáy, rồi lũ quét lại tràn về lúc nữa đêm kéo đi tất cả. May cả nhà kịp cổng tôi lên gác, không thì tôi bị lũ cuốn trôi rồi còn đâu nữa”. Anh Lực cho biết thêm, mấy hôm nay, nhờ có các chú bộ đội lợp lại nhà, bà con các nơi về cứu trợ, nếu không e chết đói cả làng. Anh Phan Thế Lực nói không được rỏ lời bởi cách đây 2 năm, căn bệnh tai biến đã để lại di chứng liệt nửa người nên mọi việc trong nhà đều nhờ vào vợ và con. Trên bức tường vẫn in rõ ngấn nước ngập chớm đến gần nóc nhà cấp 4. Tài sản của gia đình anh chị Hường không còn thứ gì đáng giá ngoài những bao gạo 5 kg, 10 kg và những thùng mỳ tôm của các nhà hảo tâm cứu trợ được cậu con trai thay mẹ kê cao sợ nước lũ lại bất chợt tràn về. Quanh nhà, vườn tược, hàng rào, cây cối sập đổ đè lên nhau chưa biết bao giờ dựng lại. Không thấy chị Lê Thị Hường, hỏi ra mới biết, sau bão lụt vì sức khỏe yếu lại nhiều lần ngâm mình trong nước nên chị bị bệnh nặng hiện đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Và “một núi” công việc gia đình sau bão chắc vẫn chờ bàn tay của chị về sắp đặt.

 

Từ xa xưa, làng quê Quảng Sơn không chỉ đẹp bởi dập dìu trên bến, dưới thuyền, mà trù phú bởi các vườn cây hoa trái quanh năm, là địa chỉ hấp dẫn không chỉ những người sống xa quê mà còn của những du khách gần xa mỗi khi đã đến nơi đây vẫn mong một ngày trở lại. Thế mà bây giờ…nhà này nhìn qua nhà khác trống trơ, chỉ còn lác đác những khóm tre lá vàng xơ xác oằn mình theo dòng nước mà vẫn mang trên mình rác bẩn và màu đất phù sa. Con đường từ UBND xã Quảng Sơn qua chợ rồi đến nhà văn hóa thôn Linh Cận Sơn dài gần 2km, vết tích lốc xoáy, bão lũ và mùi khen khét, nồng nặc của bùn, rác bốc lên đến ngột ngạt.

 

Ngồi bần thần trong căn nhà vừa mới quét bùn đất ra sân, ông Trần Năm kéo khăn mặt đen ngòm lau nước mắt nói: “Thời cha sinh mẹ đẻ đến chừ, chưa có khi mô chứng kiến bão to, lũ lớn và lốc xoáy dồn dập đến như ri. Người mất đã đành, sắp tới người sống mần chi mà ăn đây”.

 

Chiếc ghế băng sót lại sau trận lũ quét, ông Năm lau vội mời khách ngồi. Trên cái gường cũ nát còn dính đầy bùn đất là những bát đũa, nồi, niêu méo mó… Không riêng gì nhà ông Năm mà nhà nào cũng thế, tài sản duy nhất của họ sau bão lũ là những gói mỳ tôm, gạo, áo quần, chăn màn mới mới nhận từ các nhà cứu trợ mang về. Những ngày này, người dân Quảng Sơn “bổng dưng” thẩn thờ, không cười, ít nói, mà cười nói sao được khi trước mắt họ là nhà tan, cửa nát, biết đến bao giờ mới xây dựng lại. Sau hơn một tháng, những nhà tốc mái đã được lợp phòng mưa, che nắng, những nhà sập đổ đã có các đơn vị bộ đội, đoàn viên thanh niên dựng lại, còn ruộng vườn, cây cối thì hầu như vẫn còn nguyên sự tàn phá xác xơ, hậu quả nặng nề như thế, chắc không thể khắc phục ngày một, ngày hai được.

 

Tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã cũng như ở các gia đình, vẫn còn tiếp tục nhiều đoàn đang chuyển hàng cứu trợ đến với bà con Quảng Sơn. Những thùng mỳ tôm, những cân gạo, gói lương khô, dầu ăn, chai nước…là tấm lòng của bà con khắp mọi miền đất nước mang đến hơi ấm, sẽ chia khó khăn với đồng bào nơi thiên tai bão lũ. Không chỉ hàng cứu trợ của bà con trong tỉnh Quảng Bình, con em Quảng Sơn sống xa quê mà còn có nhiều đoàn, cá nhân từ thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Đồng Tháp, từ Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Dương…Những tấm lòng tương thân tương ái của người Việt đã vượt hàng ngàn km để đến với bà con Quảng Sơn, đến với Quảng Bình, đến với miền Trung yêu thương đang phải gánh chịu đau thương mất mát để sẽ chia .Những gói quà nhỏ nhưng nghĩa tình thật lớn lao của bà con khắp mọi miền Tổ quốc, trong và ngoài nước sẽ là nguồn động viên cổ vũ ân tình giúp người dân Quảng Sơn, người dân miền Trung vượt qua đau thương, để từng bước ổn định sản xuất và đời sống.

 

Trong các đoàn, tổ chức, cá nhân đến với Quảng Sơn, Quỹ vòng tay nhân ái- Bộ Y tế cùng các đơn vị tài trợ gồm Tập đoàn Dellta và nhiều tăng ni phật tự các chùa: Phổ Quang, Giác Tâm, Vĩnh Bửu, Đông Tân…tuy đến với vùng lũ Quảng Sơn hơi muộn nhưng đoàn cứu trợ đã để lại những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp của đoàn đối với bà con. Chị Hoàng Thị Yến, thành viên đoàn cứu trợ tâm sự:

“Quê hương Quảng Bình ngập trong đổ nát, đau thương và nước mắt con mất cha vợ mất chồng, những vành tang trắng trên đầu của những đửa trẻ bên bàn thờ lập vội…Thiên tai nghiệt ngã lạnh lùng cuốn đi cả gia tài vốn đã ít ỏi nghèo nàn của người dân nơi đây. Bao nhiêu công sức cả mồ hôi và nước mắt mặn chát bao năm nay trở về tay trắng. Nghèo lại thêm nghèo, khó khăn nối tiếp khó khăn. Trong chuyến đi cứu trợ này, chúng tôi đến với nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình nhưng bà con Quảng Sơn là một trong những nơi thiệt hại lớn nhất”…Khi tận mắt nhìn cảnh các Mẹ già, em nhỏ áo quần lấm lem bùn đất run run nhận những gói quà từ các nhà hảo tâm mà trào dâng bao nổi niềm xót xa thương cảm.

“Trước khi đến với đồng bào Miền trung, chúng tôi chưa hình dung hết sự tàn phá của bão lũ ở nơi đây. Trong thâm tâm cứ nghĩ rằng chắc thiệt hại ấy cũng như bao lần đi cứu trợ ở các địa phương khác…không ngờ!”, chị Yến nghẹn ngào nói. “Nếu biết thế này, chúng tôi vận động quyên góp nhiều hơn để giúp bà con mình đỡ khổ hơn”, vừa nói, chị Yến vừa ôm cháu nhỏ tay còn cầm mẫu lương khô, trên đầu quấn khăn tang trắng vào lòng. Hỏi ra mới biết, bố cháu là nạn nhân của trận lũ quét kinh hoàng vào lúc nữa đêm sau bão số 10 vào xã Quảng Sơn.

            

Xã Quảng Sơn chỉ có trên 1.600 hộ với trên 8.200 khẩu. Bão số 10, lốc xoáy và lũ quét càn qua tất cả các thôn nên hầu như nhà nào cũng bị thiệt hại nặng. Các công trình công cộng, phúc lợi như: Hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, nhà văn hóa các thôn…đều bị hư hỏng. Được biết, trước khi thiên tai ập đến, xã Quảng Sơn đã hoàn thành 13 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, hệ thống trường, trạm xá, điện khá hoàn chỉnh…thế mà bây giờ, hệ thống điện bị gãy, đổ, nhiều đoạn đường bị cắt đứt, không còn nhận ra đường đất hay đường bê tông vì được phủ dày 0,1- 0,2m bùn đất. Bao khó khăn chồng chất, không biết bao giờ xã miền núi Quảng Sơn sớm trở lại với cuộc sống đời thường.

 

Theo số liệu thống kê, đến nay xã Quảng Sơn đã đón nhận trên 60 đoàn đến cứu trợ với những phần quà thiết thực ổn định đời sống ban đầu. Nhìn bà con xã Quảng Sơn xếp hàng chờ nhận cứu trợ mà lòng tôi như bảo nổi trong tim . Trong nỗi buồn day dứt tôi chợt nhớ 4 câu thơ của một người con Quảng Sơn xa quê, khi nghe tin bão lũ càn quét quê mình: “Đòn gánh Miền trung lại oằn mình gánh bão/ Thương mẹ cha thương cả đồng bào mình/ Cơ cực rứa, mất mùa sầu ảo não/ Bão lại về lòng con thấy nôn nao”.  Không riêng gì những người con Quảng Sơn xa quê mà ai đã về với vùng rốn bão lũ này dù chỉ một lần, hẵn phải rùng mình trước sự tàn phá khủng khiếp của bão lũ đối với một xã nghèo như xã Quảng Sơn. Dù vậy trong tôi vẫn bừng lên một niềm tin, với truyền thống đấu tranh cách mạng, với ý chí sắt đá vượt qua đói nghèo, với hai bàn tay và khối óc cần cù sáng tạo, bà con Quảng Sơn sẽ và vượt qua đau thương, mất mát, cùng nhau xây dựng lại quê hương.

     

Giữa cảnh hoang tàn, đổ nát, nhiều mảnh vườn đã hồi sinh trở lại, khoai, ngô, rau màu…đã đâm chồi, nẫy lộc đón gió đông ven bãi bồi ven sông. Các cháu học sinh đã cắp sách đến trường sau bao ngày vắng lớp, điện lại sáng bừng chiếu rọi khắp nơi, chợ Quảng Sơn đã họp lại tuy chưa đông nhưng đã có nhiều sạp hàng, buôn bán…Cuộc sống đang dần được hồi sinh và ổn định .Cầu mong sao trời đất hiền hòa để bà con Quảng Sơn, bà con Quảng Bình bớt đi một chút gian nan nơi cái eo Miền trung gánh hai đầu đất nước.

 

Tạm biệt xã Quảng sơn, tôi ngoái đầu nhìn lại. Những mái nhà vừa mới lợp, ngói củ, ngói mới chắp vá đan xen như những bức tranh loang lổ nhiều màu. Hai bên đường, những hàng rào ngã nghiêng, xiêu vẹo vừa vội dựng lại, những bụi tre ngã màu vàng vọt, xác xơ…Hình ảnh làng quê sau bão trong buổi chiều đông khuất dần, khuất dần mà lòng buồn day dứt. Bổng bên tai tôi văng vẳng bài ca quen thuộc “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới/còn nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa.”, không chỉ người dân Quảng Bình mà bất cứ ai, mỗi khi nghe đến lời của ca bài “Quảng Bình quê ta ơi”, là trào dâng niềm tin và lòng kiêu hãnh. “Trong gian khổ, khó khăn, con người Quảng Sơn luôn nương tựa vào nhau, đoàn kết vượt qua gian nan xây dựng cuộc sống mới. Và, chỉ cần một tháng, vài tháng nữa thôi, màu xanh quê tôi sẽ trở lại”. Câu nói của ông Trần Ngọc Giới, Trưởng thôn Linh Cận Sơn xã Quảng Sơn tâm sự trước lúc chia tay cũng cố trong tôi niềm tin suốt chặng đường về.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip