Trang Web làng tôi

22:35 - 16/10/2014

Nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày ra đời, xin trận trọng giới thiệu cảm tưởng của một số cộng tác viên đại diện cho đội ngũ đông đảo công tác viên đối với trang của trang caolaoha.com

 

Mỗi buổi sáng đặt tay lên bàn phím
Dòng đầu tiên
Xin chào bạn: Lưu Văn...
Ôi lời của Quê hương, tiếng vọng của cội nguồn
Khơi dậy trong tôi bao nguồn cảm xúc

Caolaoha.com những ngày xuân thắm sắc
Từng dòng tin, bức ảnh, bài thơ
Kết nối tình quê sâu nặng đến vô bờ
Ta yêu quá những người thân...chưa một lần gặp mặt.

Đọc caolaohacom
Những con đường thẳng tắp,
Cây đa khẳng khiu nay đã hồi sinh,
Đường Bạn, đường thôn, nhà thờ Họ, sân Đình…
Quê ta đó ngày ngày đổi mới.

Ta yêu lắm những dòng tin nóng hổi
Bức ảnh mới đưa cũng kịp lên khung.
Hối hả, khẩn trương mà vẫn đẹp vô cùng
Thành quả đó nhờ công người biên tập

Đêm đã khuya, ngoài trời mưa lất phất
Vẫn ấm lòng hai tiếng QUÊ HƯƠNG

 Lưu Văn Quỳnh

 

Một năm nhìn lại Web làng
Như mơ thấy được cục vàng đêm qua

Nước về khoai lúa được mùa
Sân trường đạt chuẩn, nô đùa thật vui
Nhà máy bột cá ngẫm ngùi
Để cho con cháu khỏi mùi thối dơ
Đường xóm xinh những ô cờ
Bê tông trải thảm ai ngờ đổi thay?
Thơ Đường càng đọc càng hay
Mực chưa ráo bút có ngay lời bình
Vui vui lục bát thắm tình
Đất, Người vươn dậy làng mình...góp thơ!
Bao năm thấp thỏm đợi chờ
Thành Lồi, hói Hạ bây giờ có tên
Gặp nhau kẻ nhớ người quên
Bên cầu Nhật Lệ nối liền vòng tay
Web làng cho sáng kiến hay
Cây đa bến cũ ngày ngày tưới chăm
Rộn ràng không khí cuối năm
Nhớ câu đối đỏ ghé thăm hội đình
Nhìn ra nghĩ đến làng mình
Non xanh nước biếc thắm tình biết bao

Ai vào trang Web cao lao
Nhớ thương lưu luyến biết bao ân tình...

Trần Quang Tuấn (tuan65kt)

 

“Tôi chưa thấy một bài báo điện tử nào như trang báo làng tôi, khi đăng lên chỉ vài giờ sau đã kín những comment đầy tâm huyết, vài ngày sau thì chí ít cũng hàng chục trang bình luận. Thật vui mừng vô kể bởi tấm lòng và trách nhiệm của con cháu với nơi chôn rau, cắt rốn của mình”

Trích trong “Những người con quê tôi” của Đặng Văn Quang

 

Những nhà khảo cổ không đào đất

 

Các anh không bóc tầng, không dùng cuốc , xẻng

Các anh không dùng kính hiển vi hay đồng vị cac bon.

Các anh không dùng cọ, dùng bay để tìm từng cổ vật.

Các anh không đến chốn hoang vu không dấu của lối mòn.

 

Trong tay các anh chỉ là cuốn sách dày, cổ.

Trong đầu các anh là chuyện nơm cá, bắt chuồn.

Trong bụng các anh là nỗi nhớ về đất cha, quê tổ.

Trong tim các anh là khát khao tìm lại cội nguồn.

 

Vài mảnh đá bụi thời gian còn sót lại.

Mấy trang cổ tự, mấy chuyện gia phong.

Các anh tìm, lục, soi bằng lòng mong mỏi.

Để khẳng định mình, để biết nghĩa cha, ông.

 

Những Hải, những Chung, những Văn Sơn, Hồng Vệ,

Những Danh Lợi, Cảnh Giang, Văn Lộc, Chiêu Phùng…

Đốt đuốc lửa nhiệt tình để soi từng lớp đất.

Lấy trí tuệ của mình làm cọ quét thời gian.

 

Các anh nói về Linh Giang, Lệ Đệ, Chóp Cờ.

Những Nghĩa Trủng Cồn Cui, những Khu Túc phế đế.

Những Đình Làng đâu nét còn , nét vỡ…

Mà mây gió trăm năm bỗng thấp thoáng hiện về.

 

Ôi Đất mẹ tôi khấu đầu cầu phúc.

Có thuyền Long Châu neo đậu Núi Cờ.

Tiếng Cao Lao – ngỡ tiếng tơ tiếng trúc.

Để chốn quê người gặp mặt tưởng là mơ.

 

Nếu ai đó nói rằng Cao phải là:  Cao đa danh vị.

Lao phải là: Lao bền danh hương¹.

Nếu ai đó nói rằng: Cao là vùng đất bên bờ bần sác²,

Và Lao là trại lính, trại quân.

 

Thì đối với tôi tất cả đều đúng cả.

Bởi: Cao Lao vừa có vị , có hương.

Có Đấng Tiền nhân đạp sác bần khai phá.

Và ôm súng, mài gươm gìn giữ quê hương.

 

Ôi Linh Giang dòng sông thơ mộng.

Nước tiếp trời, mây neo đậu núi cao.

“…Thu thủy công tràng thiên nhất sắc.”

Có phải Vương Bột - ngài đã ghé chốn Cao Lao³.

 

Truongluu Caolao

 

Chú Thích:

(1) Theo gia phả của Họ Lê Chiêu giải thích là “Cao đa sắc vị, Lao bền danh hương”-Giải thích của LCC.

(2) Có chữ Cao- 皋- ( Tiếng Hán- Việt) Đất bên chằm, đất bên vệ hồ, vệ chằm.

(3) Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.

 Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy, cầm ngay bút viết. Vương nổi tiếng là một thi sĩ cao danh thời Sơ Đường (618-713)

Để tả cảnh đẹp của mùa Thu trong bài thơ Đằng Vương Các Tự nổi tiếng có hai câu thơ:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi, 

Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc 

Nghĩa:

Ráng chiều với cò lẻ cùng bay, 

Nước thu cùng trời dài một sắc 

Tác giả : Ban biên tập

Bình luận

Bài viết liên quan

Làng tôi
Con đường tôi nhớ
Cao Lao
Đường về
Sông núi quê mình

Video clip